Hành lang pháp lý này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt pháp lý đang tồn tại, giúp thị trường có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ.
Chính phủ đã thành lập tổ công tác theo Quyết định 1435/QĐ-TTg nhằm rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Gần đây nhất, ngày 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện 1164/CĐ-TTg để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, Thủ tướng ra hàng loạt các công điện gửi đến các bộ ngành như Bộ Tài chính để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu...
Cùng đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị…
Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng được yêu cầu phải tự nghiên cứu các vấn đề liên quan, xem xét phát triển hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường...
Những động thái này không chỉ góp phần "phá băng" thị trường bất động sản, thúc đẩy thanh khoản trở lại, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh... mà còn hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn trong thời gian tới.
Trong thời điểm cận kề năm 2023, những động thái quyết liệt và liên tục của Chính phủ được kỳ vọng không chỉ tháo gỡ các nút thắt cho thị trường mà còn là "liều thuốc" vực dậy tâm lý nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản, mặc dù thị trường nội tại vẫn rất ổn định bởi tốc độ phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng lớn mạnh nhưng lại đang có dấu hiệu chững lại. Lực hấp thụ yếu trong khi lực cầu vẫn rất mạnh, đó là một nghịch lý cần được xem xét.
Thị trường bất động sản suy giảm bất thường đã tạo ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế, trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản và sau đó là gần 40 ngành nghề xem thị trường bất động sản là thị trường đầu ra, như ngành sắt thép, cát đá, máy móc, logistics, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhà ở...
Ông Đính cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp phải một số điểm nghẽn. Trước tiên là những vấn đề về pháp lý. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, khoảng 70% doanh nghiệp hiện nay đang bị vướng vào các vấn đề về pháp lý. Hơn 10 Bộ Luật cần được xem xét liên quan đến các vấn đề về đất đai, đầu tư, nhà ở.
Điểm nghẽn tiếp theo là nguồn vốn tín dụng, đặc biệt dành cho người mua nhà, cho thị trường người tiêu dùng. Các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu và nhiều kênh dẫn vốn khác đang "trục trặc". Hàng hóa trên thị trường hiện nay đang có tính chất không phù hợp với nhu cầu, chủ yếu là những hàng hóa nằm ở phân khúc cao cấp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin còn rất yếu để phục vụ cho các hoạt động đầu tư mua sắm trên thị trường; chưa có nhiều kênh thông tin phù hợp.
"Nếu không tháo gỡ các điểm nghẽn này thì sẽ không thể thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và làm khó cho kế hoạch phát triển kinh tế chung của quốc gia. Động thái của Thủ tướng, các bộ ngành hết sức quan trọng, chắc chắn sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại. Dù không "bùng nổ" như trước nhưng sẽ có tính ổn định cho sự phát triển", ông Đính nhấn mạnh./.