3 “cơn gió nghịch” rồi sẽ đi qua
Sáng 23/12, phát biểu khai mạc Diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra đánh giá rằng nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản ở một số khu vực đã tăng nhiệt mạnh mẽ. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn nửa cuối năm lại dần chững lại và sụt giảm mạnh giao dịch.
“Hiện nay, thị trường đang rất khó khăn nên một số doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp bách để “tự cứu mình” trước, từ đó mới có thể tiếp tục tồn tại và có đủ “sức khỏe” để chờ đợi cơ hội đầu tư kinh doanh mới”, ông Phòng nêu lên thực trạng.
Lý giải cho những khó khăn chung của cả thị trường hiện nay, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Do nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở nên khi nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng”.
“Ba "cơn gió nghịch" của thế giới hiện nay chính là lạm phát tăng cao do giá lương thực và năng lượng tăng; điều kiện tài chính xấu đi, các dòng vốn chưa rõ ràng; suy giảm tăng trưởng. Ngay cả Mỹ là nơi cầm trịch “cuộc chơi” lãi suất cũng không nằm ngoài ảnh hưởng và vẫn phải chống chọi vẫn lạm phát. Trong khi đó, nền kinh tế của các cường quốc như Trung Quốc, Nga hay khu vực Euro cũng bị suy giảm tăng trưởng và dẫn đến ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn cầu”, ông Thiên phân tích.
Tuy nhiên, ông Thiên vẫn bày tỏ cái nhìn lạc quan về tương lai khi cho rằng ba “cơn gió nghịch” này rồi sẽ đi qua. Sở dĩ như vậy bởi PGS.TS. Trần Đình Thiên đánh giá một trong những thành công lớn nhất mà Việt Nam đã làm được trong điều hành chính sách chính là chuyển hướng Covid-19, từ trạng thái bất ổn sang lấy lại lòng tin. Đây chính là bài học, là “bàn đạp” để tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Vị chuyên gia kinh tế bày tỏ kỳ vọng sang năm 2023, Việt Nam vẫn sẽ thuộc top những nước có triển vọng tích cực ở các chỉ số tăng trưởng ổn định và sẽ có thứ hạng cao hơn trong khu vực ASEAN.
“Mạch chung của nền kinh tế vẫn rất tốt. Đừng quá lo sợ lạm phát mà không bơm tiền ra. Trong thời gian tới phải làm sao để “tiếp máu” cho nền kinh tế và có thái độ khác khi đối mặt với lạm phát để giúp doanh nghiệp vượt khó, qua đó giữ cho hệ thống ngân hàng ổn định”, ông Thiên nhấn mạnh.
“Hết mưa, nắng sẽ hửng”
Chia sẻ về hướng đi thị trường trong năm tới, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thị trường bất động sản chính là một trong bốn trọng tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây, bên cạnh tín dụng, trái phiếu và thị trường lao động. Đây cũng chính là một trong bốn trọng tâm phát triển trong năm 2023.
“10 năm một lần, câu chuyện bất động sản lại “nóng” lên. Sang năm 2023, thị trường bất động sản sẽ bước sang giai đoạn mới khi nhiều luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai; và chưa bao giờ sang giai đoạn mới mà tình hình lại xấu đi được. Nếu như năm 2022 đã “khó chồng khó” ở đáy thì năm 2023 thị trường sẽ đi lên. Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản hãy yên tâm rằng hết mưa, nắng sẽ hửng”, ông Chung nhận định.
Lý giải cho nhận định trên, PGS.TS. Trần Kim Chung đã phân tích dựa theo 5 bình diện.
Thứ nhất, thị trường đất đai đã có dấu hiệu tốt lên và được kỳ vọng có thể đưa luồng tiền lớn vào lĩnh vực bất động sản với những yếu tố quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Thứ hai, thị trường nhà ở đã bị mất cân đối cung cầu khi xuất hiện quá nhiều sản phẩm phân khúc cao cấp trong năm 2022 thì sang năm 2023 sẽ được khắc phục. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần chú trọng phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp, qua đó góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, kèm theo đó là những cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính.
Thứ ba, với thị trường bất động sản công nghiệp, ông Chung cho rằng chưa bao giờ có cơ hội tốt như giai đoạn này. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới.
“Cứ ở đầu tăng trưởng, kinh tế - chính trị - xã hội ổn định thì sẽ trở thành “cực hút” doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và làm ăn. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 8%, trong khi lạm phát kiểm soát ở mức 3%. Trong khi cả thế giới chao đảo, tăng trưởng thấp lạm phát cao thì chúng ta ngược lại, vẫn vững vàng và mạnh mẽ”, ông Chung chia sẻ.
Thứ tư, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang dần hồi phục và phát triển sau khi du lịch Việt Nam mở cửa trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng cho cả nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản du lịch nói riêng.
Thứ năm, thị trường tài chính bất động sản xuất hiện những điểm sáng như trái phiếu dần phục hồi; chứng khoán có xu hướng tăng; hạn mức tín dụng được nới thêm; nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng; kiều hối vẫn ổn định;...
Đồng quan điểm với những dự báo tích cực về thị trường địa ốc trong năm tới của PGS.TS. Trần Kim Chung, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho rằng những hành động của Chính phủ trong thời gian vừa qua là vô cùng quyết liệt, kịp thời để cứu nguy cho doanh nghiệp và thị trường.
Cụ thể, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác theo Quyết định 1435/QĐ-TTg nhằm rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Tiếp đó là Công điện 1164/CĐ-TTg để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435 trước đó, trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp bất động sản phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, còn hàng loạt công điện gửi đến các bộ, ngành để yêu cầu xem xét những vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu…
“Những hành động quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ đã tạo luồng gió ấm, không để niềm tin thị trường bị tê lạnh trong mùa đông”, ông Đính nhấn mạnh./.