Aa

Gỡ “điểm nghẽn” để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Tư, 19/06/2019 - 19:20

Dù có nhiều chuyển biến nhưng theo đánh giá, sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa tương xứng với tiềm lực hiện có.

Ngày 18/6, mở đầu hội nghị “Đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Nghị quyết 120 đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy phát triển bền vững ĐBSCL, nhưng sau một thời gian triển khai, ngoài những kết quả đạt được, cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, gây ách tắc trong phát triển.

Nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 120 của ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, ĐBSCL chiếm 19% dân số của cả nước, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL năm 2018 đạt mức ấn tượng là 7,8% - cao nhất trong 4 năm trở lại đây, cao hơn bình quân chung cả nước là 7,08%.

"Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD; du lịch tiếp tục phát triển, đã đón hơn 40 triệu lượt khách (năm 2018), trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế", bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Dù có nhiều chuyển biến nhưng theo đánh giá, sự phát triển của ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm lực hiện có. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mặc dù có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Công, nhưng ĐBSCL đang chịu sự tác động kép của biến đổi khí hậu (BĐKH), hoạt động thượng nguồn và phát triển nội tại thiếu hợp lý. Khu vực ĐBSCL với thể chế điều phối vùng chưa được nghiên cứu, triển khai; chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Bên cạnh đó, tư duy phát triển “thuận thiên” theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch còn thiếu tổng thể. ĐBSCL chưa hình thành được cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội; chưa có các giải pháp đột phá trong đầu tư cho ĐBSCL...

Điều quan trọng là các dự án hạ tầng còn thiếu kết nối đồng bộ, đa mục tiêu; chưa kết nối với TP.HCM để phá thế ốc đảo và tạo ra động lực phát triển thị trường cho các hàng hóa nông sản là thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản....

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, một số ngành, lĩnh vực của từng địa phương vẫn còn phát triển theo hướng riêng lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ, thống nhất trong toàn vùng; việc triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cũng như quy hoạch phát triển vùng.

Hiện, khu vực ĐBSCL chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thể hiện được lợi ích tập thể giữa các bên liên quan. Điều này gây ra khó khăn trong việc xây dựng đồng thuận để thực hiện các vấn đề liên kết cụ thể, bao gồm những vấn đề đã được nhất trí thông qua các văn bản đã ký kết giữa các địa phương.

“Một “điểm nghẽn” lớn của ĐBSCL là giao thông chưa có hệ thống kết nối riêng cho khu vực này và kết nối chung với TP.HCM”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Phát triển logistics cho vùng ĐBSCL là trọng tâm của ngành vận tải để nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa trên trường quốc tế. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai quy hoạch các tuyến đường bộ kết nối hiệu quả với TP.HCM như cao tốc TP.HCM - TP. Cần Thơ đang triển khai, Cầu Rạch Miễu 2 và cầu Đại Ngãi nối TP.HCM với vùng phía Đông ĐBSCL; tính toán đường N2, tuyến vành đai 3 và vành đai 4 để kết nối ĐBSCL và cả kết nối với Vùng Đông Nam bộ để không đi qua khu vực trung tâm TP.HCM.

Kết nối đường ngang kết nối với Campuchia: quan tâm quốc lộ 62 nối Bình Hiệp với cửa khẩu Campuchia, quốc lộ 30 nối Cao Lãnh với Dinh Bà và Thường Phước (Đồng Tháp), phát triển quốc lộ 91 kết nối TP. Cần Thơ với thủ đô Pnom Pênh (Campuchia), kết nối thành phố Rạch Giá với cửa khẩu Xà Xía (Campuchia).

Tiếp sức cho ĐBSCL

Các bộ trưởng cũng đồng đề xuất những giải pháp để vực dậy tiềm lực của khu vực ĐBSCL. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ hiệu quả cho vùng ĐBSCL bằng Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với chủ tịch hội đồng là Thủ tướng Chính phủ.

Thành viên hội đồng gồm lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương. Hội đồng này có nhiệm vụ chính phối hợp các địa phương để thực hiện quy hoạch vùng, liên kết vùng, tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Góp ý riêng về kết nối vùng, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, vấn đề giao thông được quy hoạch khá tốt nhưng triển khai chậm. Đây là cản trở lớn nhất đối với ĐBSCL và cả TP.HCM. Giao thông là kết nối giữa các vùng kinh tế với nhau. Cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư giao thông vì hiện tỷ trọng xã hội hóa trong vùng chỉ ở mức dưới 4% là quá thấp. Cần điều chỉnh tỉ trọng đầu tư giao thông cả vùng lên 30 - 35%.

Cùng với đó, “Cần xác định nguồn vốn có mục tiêu từ ngân sách TP.HCM thu hằng năm nộp về TW dùng đóng góp cho giao thông trong 5 năm 10 năm nữa thì sẽ hiệu quả. Cần tăng xã hội hóa, cải tiến BOT, phát hành trái phiếu của Chính phủ tập trung đầu tư phát triển giao thông”, ông Nhân nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nghị quyết 120 đã bước đầu mang lại cho ĐBSCL hiệu quả tốt nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong quản lý điều hành của các cấp cần rút kinh nghiệm và tiếp tục có những chính sách phù hợp.

Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục nhận thức rõ về sự biến đổi khí hậu bất thường trên thế giới, Đông Nam Á và cả Việt Nam. Nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được thách thức từ thiên tai cũng như những vấn đề ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, nên chúng ta vẫn chưa có nền nông nghiệp xanh để góp phần giảm biến đổi khí hậu.

ĐBSCL có 20 triệu người với diện tích 4 triệu hécta, đóng góp 20% GDP cả nước, tính cả TP.HCM và Đông Nam Bộ đã chiếm 60% GDP cả nước. Đầu tư và hỗ trợ cho ĐBSCL hay TP.HCM chính là đầu tư cho cả nước chứ không riêng gì cho 2 khu vực này.

“Chính phủ sẽ đầu tư cho dự án liên vùng hạ tầng giao thông vận tải, kể cả đường thủy đường sắt đường bộ cho khu vực ĐBSCL. Trong thời gian tới, Chính phủ quyết tâm ưu tiên làm cho xong tuyến đường TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và kéo đến Cà Mau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top