Sáng nay 18/6/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì phiên thảo luận diễn đàn chuyên đề “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn ĐBSCL năm 2019, được tổ chức sáng nay tại TP.HCM.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các ý kiến thảo luận tập trung vào những vấn để đưa ra các giải pháp, quyết sách. Mục đích là xác định được trong 5 năm tới, ĐBSCL sẽ phát triển theo hướng nào, đối đầu với những thách thức về biến đổi khí hậu ra sao, để cả vùng đồng bằng có thể cất cánh được, ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Dũng, khi bàn đến nguồn lực, phải đưa ra được giải pháp thật hữu hiệu và căn cơ cho giai đoạn này. Cụ thể là cơ chế nào, nguồn vốn ở đâu? Cách thức nào để thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nếu không, với cơ chế như hiện nay thì rất khó cho vấn đề điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vào ĐBSCL.
Cũng theo ông Dũng, cần xác định vai trò giữa các tỉnh với nhau, giữa ĐBSCL với TP.HCM, vùng trọng điểm phía Nam thế nào? Làm cách nào để các mối liên kết này phải có cơ chế điều phối hữu hiệu để phát huy hiệu quả - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: ĐBSCL nằm trong nhóm 5 đồng bằng trên thế giới có khả năng bị ảnh hương nặng nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, trong thời gian tới, An Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung sẽ phải tiếp tục chịu tác động của tình trạng xâm nhập mặn, nắng nóng và hạn hán kéo dài. Có thể nói, những vấn đề này đã và đang ảnh hường trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, và việc thực hiện mục tiêu phát triên bền vững trở nên khó khăn hơn.
Đứng trước những thách thức trên, cần có những giải pháp tổng hợp trong đó có vai trò của “nhạc trưởng” trong việc định hướng quy hoạch “từ quốc gia đến vùng và cuối cùng là tới từng địa phương”, để thực hiện nhiệm vụ phát triên bền vững cho toàn vùng nói chung và từng tỉnh ĐBSCL nói riêng.
Trên cơ sở đó, ông Bình đề nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quyết định số 593/QĐ-TTg, trong đó, xác định rõ, cụ thể:
Một là, nguyên tắc liên kết vùng; xác định mục tiêu ưu tiên liên kết một số lĩnh vực trọng tâm; đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện liên kết; cơ chế chính sách liên kết...
Hai là, sớm thống nhất danh mục các chương trình, dự án thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và liên kết vùng phải được đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ba là, Trung ương quan tâm hỗ trợ cho vùng ĐBSCL đầu tư phát triền hạ tầng. Đồng thời, có chính sách thu hút các nhà đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Thứ tư là, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Thứ năm là, Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện lồng ghép nội dung liên kết vùng và biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.
Cũng tham gia phiên thảo luận, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng: Vùng ĐBSCL là khu vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Việc quy hoạch, liên kết vùng bài bản, hiệu quả cũng là một yếu tố để thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn không hoàn lại cho ĐBSCL.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, về nguồn lực tài chính hiện chưa có nguồn vốn bố trí riêng cho các nhiệm vụ liên kết. Các quy định hiện hành chưa quy định ưu tiên xây dựng một cơ chế tài chính riêng cho hoạt động liên kết tại ĐBSCL. Vì thế, việc huy động nguồn lực xã hội vào còn rất hạn chế. Riêng quy định về việc ngân sách trung ương bố trí tối thiểu 10% so với tổng mức đầu tư cho các địa phương trong vùng để phát triển, các mối liên kết hiện vẫn chưa thực hiện được, quyết định này do Thủ tướng ban hành sau khi Quốc hội đã có nghị quyết về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu phục vụ cho liên kết cũng chưa hoàn thiện. Do vậy, các bên liên quan gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm căn cứ khoa học để ra các quyết định về vấn đề liên kết, ông Mạnh nói.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, hỗ trợ đầu tư vào hoạt động liên kế vùng, chương trình, dự án liên kết vùng từ nguồn ODA, vốn ưu đãi... trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, tài nguyên nước… Đồng thời hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và điều phối vùng.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Quy hoạch, điều phối và tài chính là ba vấn đề quan trọng đối với ĐBSCL và có mối liên kết chặt chẽ. Đây cũng là những chủ đề mà Ngân hàng Thế giới (WB), cùng phối hợp chặt chẽ với DFAT và các đối tác phát triển khác như Đức và Hà Lan, tích cực tham gia và cam kết sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ.
Cũng theo ông Ousmane Dione, quy hoạch vùng ĐBSCL là một bước đột phá, cơ hội mà chính nó đã tạo ra để biến sự chuyển đổi mô hình phát triển thành hiện thực. Nó cũng cho phép vùng ĐBSCL chuyển từ tình trạng có quá nhiều quy hoạch ngành phân tán và mâu thuẫn sang xây dựng một bản quy hoạch thống nhất, giúp định hướng phát triển cho vùng và xác định các đầu tư ưu tiên.
Tuy nhiên, để quy hoạch vùng phát huy hiệu quả, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh ĐBSCL, chính quyền trung ương, các bên liên quan tại địa phương, khu vực tư nhân, các chuyên gia trong ngành và ban soạn thảo quy hoạch. Quá trình hợp tác và có sự tham gia của nhiều bên liên quan đảm bảo rằng việc xây dựng quy hoạch vùng sẽ suy xét đến tất cả các yếu tố quan trọng cần chú ý và có liên quan.
Đi đôi với Quy hoạch vùng ĐBSCL, cần có cơ chế tổ chức hiệu quả hơn để điều phối vùng, nhằm đảm bảo xây dựng và thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ hơn trong vùng sẽ giúp phản ánh các ưu tiên chung của 13 tỉnh và thành phố tại ĐBSCL vào bản Quy hoạch. Ngoài ra, cơ cấu thể chế cũng cần đảm bảo giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL và có thẩm quyền huy động vốn (nhà nước và các nguồn khác) để thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trong vùng.
Kết thúc phiên thảo luận, ông Ousmane Dione cho rằng: “Từ thực tiễn từ một số quốc gia nơi mà WB đã hợp tác về các chủ đề này và từ các nước phát triển cho thấy tầm quan trọng của việc gắn kết quy hoạch, điều phối và tài chính. Với sự tham gia tích cực của các chuyên gia, có thể tạo ra một tác động có ý nghĩa đối với việc xây dựng một ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong quá trình triển khai Nghị quyết số 120 của Thủ tướng”.