Aa

Gỡ khó cho doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ Tư, 12/01/2022 - 06:30

Chuyển đổi số đang là vấn đề bức bách đối với nhiều doanh nghiệp ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, nếu chủ động nắm bắt được xu thế chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có được rất nhiều lợi thế để bứt phá và phát triển.

Tại Việt Nam, tháng 6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số trên cơ sở phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo chương trình này, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, đồng thời là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.

Theo nhiều chuyên gia, thực tế ở nước ta những năm gần đây, mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp còn khác nhau và không phải doanh nghiệp nào cũng thành công trong chuyển đổi số, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng chuyển đổi số và không ít doanh nghiệp đã đạt được những thành công đáng khích lệ.

Với xu hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, một làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã xuất hiện và được dự báo sẽ còn dâng cao trong những năm tới. Theo báo cáo của KPMG, tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, số lượng các thương vụ M&A đã tăng gấp đôi và tổng giá trị giao dịch của các thương vụ này đã tăng gấp 3 lần so với cả năm 2020.

Rào cản trong quá trình chuyển đổi số 

Bàn về những lợi ích của chuyển đổi số với doanh nghiệp trong Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” vừa được tổ chức ngày 11/1/2022, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về cơ bản, quá trình chuyển đổi số sẽ giúp phát triển mô hình kinh doanh và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường; giúp phát triển kênh bán hàng, mở rộng tập khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng. 

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm khách hàng; cho phép thực hiện mô hình kinh doanh không tiếp xúc, tiếp tục kinh doanh trong bối cảnh Covid-19. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn vướng phải một số rào cản khi thực hiện chuyển đổi số như: Chi phí đầu tư cao; hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại kém phát triển; giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận; nguồn nhân lực hạn chế; tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuyên môn hóa; thiếu tiếp cận kiến thức và thông tin về công nghệ số. 

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, đại dịch Covid-19 chính là chất xúc tác đối với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Do đó, quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. 

TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Trọng Hiếu)

TS. Cấn Văn Lực nhận định, rào cản lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số không phải là tài chính là thể chế pháp lý còn thiếu. Lấy ví dụ như lĩnh vực fintech, dù đã được thảo luận và đề xuất rất nhiều lần nhưng mãi mới đây, cơ quan quản lý Nhà nước mới ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech. 

Chia sẻ quan điểm về thể chế pháp lý, GS.TSKH Nguyễn Mại đánh giá hoạt động chuyển đổi số hiện nay "thể chế không đáp ứng được mục tiêu". Theo ông Mại, mục tiêu của Đại hội XIII, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, năm 2022 mới có luật đầu tiên được thông qua, đến giữa 2023 mới thực hiện được. 

Gỡ khó cho doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số 

Các chuyên gia nhận định, rào cản về pháp lý là rào cản lớn nhất kìm hãm quá trình đẩy nhanh chuyển đổi số của doanh nghiệp. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, để giải quyết vướng mắc này, trước tiên cơ quan Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật giao dịch điện tử; xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số; quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu. 

Ông Lực cũng cho rằng, cần có quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính (gồm cả tài chính số); tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số, đầu tư AI, R&D, an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và tài chính số... 

Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, để chuyển đổi số tốt cần có những yếu tố cốt lõi như: Tư duy nhận thức của người đứng đầu, cuộc cách mạng về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng và tinh thần doanh nghiệp sáng tạo. 

“Hiện nay, chỉ 30 - 40% doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Do vậy, để thành công, quá trình chuyển đổi số phải gắn với chiến lược kinh doanh thực, tiếp đến là phải nghĩ lớn nhưng làm từng bước nhỏ và phải có ý nghĩa lan tỏa, kết nối đối tác với khách hàng và sản phẩm. Cuối cùng là vai trò người đứng đầu. Những doanh nghiệp tốt thường có những giám đốc công nghệ - CTO”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ thêm. 

GS.TSKH. Nguyễn Mại đánh giá, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) rất muốn chuyển đổi số nhưng không thể làm được vì không có điều kiện để chuyển đổi, khác với doanh nghiệp lớn có điều kiện thực hiện chuyển đổi số. Như vậy, 92% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là câu chuyện của Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, giúp đỡ họ tự chuyển đổi số, chứ không phải đưa khuyến nghị để họ tự làm được. 

GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).
GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Trọng Hiếu)

“Nguồn nhân lực cũng vậy, họ không thể đào tạo được, mà cần các câu lạc bộ, hiệp hội phải tham gia vào nguồn nhân lực và phải có chuyên gia thực hiện rất căn cơ. Điển hình như Samsung, tập đoàn này đã chọn ra 200 doanh nghiệp làm việc cho họ, mỗi doanh nghiệp được 3 chuyên gia Hàn Quốc đến 3 tháng đào tạo không mất phí và tất cả lãnh đạo doanh nghiệp đó đều nói rằng chỉ trong 3 tháng doanh nghiệp họ đã thay đổi hoàn toàn”, GS.TSKH. Nguyễn Mại nói. 

Ông Mại cho rằng, việc bây giờ phải làm chính là đào tạo doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thay đổi theo hướng tự vận động và làm thế nào doanh nghiệp chủ động trong việc tiếp cận các tập đoàn lớn. Các doanh nghiệp lớn cũng phải có trách nhiệm với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

"Tóm lại, Nhà nước nên làm nhanh thể chế, đồng thời nên có cách tiếp cận để doanh nghiệp tự chuyển đổi số, họ cần gì thì hướng dẫn họ", GS.TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top