Aa

Gỡ vướng do hiểu, vận dụng khác nhau về Luật Quy hoạch

Thứ Ba, 13/08/2019 - 14:00

Sáng 13/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

Thẩm tra Tờ trình tóm tắt của Chính phủ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết giải thích về một số điều của Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Luật Quy hoạch) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (ngày 24/11/2017), có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019.

Sau hơn 8 tháng thực hiện, một số bộ, ngành, địa phương có cách hiểu khác nhau về một số điều, khoản của Luật Quy hoạch.

Căn cứ Điều 158 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các trường hợp giải thích pháp luật, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nêu trên để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của Luật, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, việc giải thích các quy định của Luật Quy hoạch cần phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 158 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành Luật. Phù hợp với nội dung, ngôn ngữ của Luật. Không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới.

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch theo quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch, ông Vũ Hồng Thanh cho biết: Theo Tờ trình số 314 của Chính phủ, việc giải thích quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch là để các bộ, ngành, địa phương thống nhất cách hiểu trong việc lập các quy hoạch cấp dưới khi chưa có quy hoạch cấp trên (là căn cứ để lập quy hoạch cấp dưới).

Toàn cảnh phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Ảnh: Viết Tôn

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, vướng mắc nêu trên thực chất liên quan đến quy định về các căn cứ lập quy hoạch quy định tại Điều 20. 

Theo đó, một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là “quy hoạch cao hơn” (khoản 2, Điều 20). Mặt khác, theo quy định tại Điều 16 (quy trình lập quy hoạch), Điều 19 (lấy ý kiến về quy hoạch), Điều 30 (Hội đồng thẩm định quy hoạch) thì trong quá trình lập và thẩm định quy hoạch các cơ quan (bao gồm cả cơ quan lập và cơ quan thẩm định) có sự phối hợp, tham gia ý kiến để hoàn thiện dần các bản quy hoạch, để bảo đảm đồng bộ với nhau, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Theo đó, các quy hoạch có thể được lập đồng thời với nhau. Như vậy, đề xuất của Chính phủ về việc lập đồng thời các quy hoạch như tại dự thảo Nghị quyết là phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Đồng thời, trong trường hợp chưa có quy hoạch cấp trên, thì việc lập quy hoạch sẽ dựa trên các căn cứ quy định tại khoản 1 và 3 Điều 20 Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, về thứ tự phê duyệt quy hoạch, việc đề xuất các quy hoạch được phê duyệt độc lập với nhau sẽ không bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống quy hoạch. Mặt khác, quy hoạch cấp dưới nếu được phê duyệt trước có thể sẽ phải điều chỉnh, nếu không phù hợp với quy hoạch cấp trên được phê duyệt sau. 

Hơn nữa, trường hợp dự án đầu tư đã được triển khai theo quy hoạch cấp dưới được ban hành trước, nhưng sau đó lại phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch cấp trên được ban hành sau, sẽ dẫn đến hậu quả các dự án có thể phải điều chỉnh, thậm chí phải đình chỉ, phải đền bù cho nhà đầu tư hoặc làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước và xã hội; không khắc phục được tình trạng quy hoạch chồng lấn, mâu thuẫn quy hoạch như đã xảy ra trước khi có Luật Quy hoạch.

Do vậy, để bảo đảm tuân thủ quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch tại Điều 6 Luật Quy hoạch và căn cứ lập quy hoạch tại Điều 20, các quy hoạch cần được phê duyệt theo đúng thứ bậc quy định tại Luật Quy hoạch. 

Đối với việc đáp ứng tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Chính phủ cần chỉ đạo, điều hành để rút ngắn thời gian lập, thẩm định các quy hoạch nhằm bảo đảm đúng nguyên tắc của Luật Quy hoạch, tránh gây thất thoát lãng phí cho Nhà nước. Đồng thời, quy định của Luật phải áp dụng chung cho tất cả các thời kỳ quy hoạch, không thể giải thích việc lập quy hoạch đồng thời chỉ áp dụng riêng cho thời kỳ 2021 - 2030 như dự thảo Nghị quyết.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế kiến nghị nên giải thích khoản 2 Điều 20 thay vì giải thích Điều 6 của Luật Quy hoạch, cụ thể theo hướng: Tại thời điểm lập quy hoạch, trường hợp Quy hoạch cao hơn quy định tại khoản 2 Điều 20 chưa được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới được lập, thẩm định đồng thời và căn cứ lập quy hoạch phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 20 Luật Quy hoạch.

 Trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch này, các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải phối hợp và hoàn thiện quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch và mối quan hệ giữa các quy hoạch. Đến khi quy hoạch cấp cao hơn được phê duyệt thì cơ quan lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cấp dưới căn cứ quy hoạch cấp cao hơn để hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch.

Về quy định chuyển tiếp thuộc điểm c khoản 1 Điều 59, Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kiến nghị giải thích theo hướng: “Các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày 01/01/2019 bao gồm các quy hoạch do Chính phủ ban hành theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Quy hoạch. Các quy hoạch này được thực hiện cho đến hết thời kỳ quy hoạch”.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trịnh Đình Dũng tham dự phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Viết Tôn

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Luật Quy hoạch là bước tiến lớn trong việc thực hiện quy hoạch của quốc gia. Nhưng trong quá trình thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, địa phương đã bộc lộ những vướng mắc; khi nhìn thấy những hạn chế đó Chính phủ đã từng bước tháo gỡ.

 Chính vì vậy, để giải thích từ ngữ trong Luật một cách cụ thể, thống nhất, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉnh sửa, giải thích rõ hơn về Luật Quy hoạch.

"Trong thời gian tới, đất nước bước vào một giai đoạn quy hoạch mới, nếu các vùng, các ngành, địa phương vẫn vướng mắc trong cách vận dụng, áp dụng Luật Quy hoạch, chưa có một quy hoạch cụ thể xứng tầm thì không thể làm được", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 đã có những cách hiểu, vận dụng khác nhau nên khi triển khai làm quy hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương đã có những vướng mắc, chậm triển khai quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới. Chính vì vậy, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quội hội và Chính phủ thảo luận, giải thích; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự thảo ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều tại Luật Quy hoạch.

Theo dự thảo của Nghị quyết, khoản 1 Điều 6 và khoản 2 điều 20 được hiểu như sau: Việc triển khai lập các quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và các Luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào hoàn thành trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. 

Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc lập, thẩm định các quy hoạch ở các ngành, các cấp, các địa phương, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các quy hoạch. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch được hiểu như sau: Trong quá trình thực hiện, các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực mà theo Luật Quy hoạch sẽ phải tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng chưa được phê duyệt thì được điều chỉnh nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch phải tích hợp được phê duyệt. Việc điều chỉnh thực hiện theo quy định của các luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top