Đánh giá công tác kiểm định chung cư cũ
Theo quyết định trên, Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả thẩm định, đánh giá công tác kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Rà soát, đánh giá sự phù hợp kết quả kiểm định của các nhà chung cư cũ (đã thực hiện) so với thực tế hiện trạng và quy định hiện hành; rà soát danh mục các chung cư cũ chưa có trong danh mục hoặc đã có nhưng thông tin chưa chính xác hoặc chưa đúng đối tượng theo đề nghị UBND quận, huyện.
Tổ chức xem xét, đánh giá và tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt bổ sung, điều chỉnh danh mục (nếu có); tổ chức thẩm định, đánh giá kết quả kiểm định của các đơn vị theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan, trước khi kết luận kiểm định được ban hành theo quy định.
Đặc biệt, Hội đồng này có quyền yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động của Hội đồng; Hoặc chủ trì, yêu cầu chủ đầu tư, các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết các vấn đề tồn tại hoặc xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh được Hội đồng phát hiện trong quá trình thẩm định, định giá công tác kiểm định.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 329/KH-UBND nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Dự kiến, tiến độ rà soát, lập danh mục xong trong tháng 2/2022; trong đó sẽ xác định lộ trình lập quy hoạch theo thứ tự ưu tiên giai đoạn 2022 - 2023 và các năm tiếp theo; xác định danh mục các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được phân theo 4 giai đoạn tương đối cụ thể, chi tiết với những khu, nhóm chung cư cũ và các chung cư cũ độc lập.
Cần minh bạch kết quả kiểm định
Trước đó, phản ánh đến Diễn đàn Doanh nghiệp kết quả thẩm định tại một số chung cư cũ đã gặp nhiều ý kiến trái chiều từ người dân. Đơn cử tại khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) nhiều năm liên tục phản đối kết quả thẩm định và cho rằng có nhiều khuất tất liên quan đến xếp hạng D (cấp độ nguy hiểm nhất).
Người dân cho rằng kết quả thẩm định là không đúng vì trong Khu tập thể Thành công, các tòa nhà E6 và E4 dù đã xuống cấp, nứt tường, phải chống đỡ gia cố bằng khung thép cả 5 tầng (được cho là nguy hiểm hơn nhà G6A) và người dân tại các nhà này liên tục kêu cứu nhiều năm qua nhưng lại chỉ bị đánh giá là nguy hiểm cấp C.
Hay tại nhà Chung cư A7, khu tập thể Tân Mai (Hoàng Mai), theo người dân tại đây, đoàn kiểm định đã xuống làm việc dưới sự làm việc của người dân, đào 3 hố móng, quan trắc thực địa nhưng kết quả lại được thay đổi ở lần hậu kiểm thứ 2 (từ cấp D thành C).
Trước các bức xúc từ người dân, hồi cuối tháng 7/2021, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch 171/KH-UBND về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Theo kế hoạch trên, Thành phố sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch tổng rà soát, kiểm định chung cư cũ, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021.
Tuy nhiên, nguồn vốn thẩm định trên nhận được một số góp ý của các chuyên gia bởi số tiền ngân sách lớn trong khi chỉ xác định cải tạo vài khu. Các chuyên gia cho rằng, chỉ nên khảo sát, kiểm định những khu chung cư có kế hoạch cải tạo gần, không nên dàn trải./.