Aa

Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng: Công nhân khó tiếp cận, doanh nghiệp không mặn mà

Thứ Tư, 09/08/2023 - 14:45

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau 3 tháng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mới chỉ 95 tỷ đồng được giải ngân.

So với kỳ vọng, tiến độ này dường như còn quá chậm. Theo giới chuyên gia, việc chậm trễ này đến từ nhiều phía, từ thủ tục pháp lý, quy hoạch… cho đến chính bản thân gói tín dụng. 

Thực tế, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết 33 của Chính phủ được kỳ vọng là giải pháp giúp người lao động, doanh nghiệp có thể tiếp cận được chương trình phát triển nhà ở. Tuy nhiên cho đến nay, công nhân vẫn khó tiếp cận gói vay, doanh nghiệp lại càng không mặn mà. 

Cả công nhân và doanh nghiệp đều “khó”

Trong Nghị quyết số 33 đối với một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại và chủ lực là 4 ngân hàng chính (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho các chủ đầu tư và người mua nhà của những dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoặc dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết 33 của Chính phủ được kỳ vọng là giải pháp giúp người lao động, doanh nghiệp có thể tiếp cận được chương trình phát triển nhà ở. Ảnh minh họa: Pháp Luật TPHCM

Nhiều ý kiến cho hay, hiện tại nhiều công nhân lao động vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng vì mức lãi suất 8,2%/năm vẫn ở mức cao. Ngoài ra, thời gian ưu đãi trong 5 năm là quá ngắn. 

Theo thông tin từ Lao Động, chị Chung là công nhân làm việc lâu năm ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Bao lâu nay, chị luôn mơ ước có thể sở hữu một căn nhà ở xã hội. Hai vợ chồng đều là công nhân, các con cũng theo bố mẹ lên đây để thuê trọ và sinh sống. Bất kỳ công nhân nào đều mong muốn “an cư lạc nghiệp”, tuy nhiên mức lãi suất 8,2%/năm so với thu nhập của công nhân vẫn là quá cao.

Chị Chung bộc bạch: “Những công nhân đã làm lâu năm ở đây đều muốn có thể mua được nhà. Song nếu mức lãi suất vay cao và thời gian vay ngắn, chúng tôi không dám vay mua nhà”. 

Bao lâu nay, chị Chung luôn mơ ước có thể sở hữu một căn nhà ở xã hội. Ảnh: Lao Động

Điều đáng nói, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng không chỉ dành cho người mua nhà mà còn có đối tượng là các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất thấp hơn trung bình từ 1,5-2%. Liên quan đến gói hỗ trợ này, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội - khẳng định, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đều đang bám sát quan điểm cũng như mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 33. 

Tuy nhiên, ông Vân cũng cho rằng, các doanh nghiệp không quá mong chờ vào lãi suất của ngân hàng thương mại. Ông cho biết: “Dù cho các ngân hàng thương mại có giảm lãi suất, chúng tôi cũng khó mà vay. Hiện tại, chúng tôi sử dụng nguồn lực nội tại và tiếp cận Quỹ Đầu tư Phát triển TP. Hà Nội thông qua hình thức xã hội hóa để làm hạ tầng, nhà ở công nhân”.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, với mức lãi suất như hiện tại, các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cũng chẳng mấy mặn mà. Ông phân tích, mỗi dự án sẽ cần khoảng 5 năm để hoàn thành, lợi nhuận thu về chỉ ở mức 10% nhưng lãi suất vay ngân hàng đã hơn 8%/năm.

Song ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích, về bản chất gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng không giống gói 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từng được triển khai năm 2013. Trước đây, gói 30.000 tỷ đồng được cho vay từ nguồn tái cấp vốn và có lãi suất cố định chỉ 5%/năm. Trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng lại là nguồn vốn tự thu xếp của các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay được điều chỉnh thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1,5-2%. Vì thế, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng là sự chia sẻ của ngành ngân hàng với các doanh nghiệp và người dân. 

Cần có cơ chế ưu đãi hơn?

Theo ông Nguyễn Vân, khả năng tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng thương mại là vô cùng khó khăn. Các ngân hàng sẽ yêu cầu thế chấp chính dự án mà doanh nghiệp đang triển khai, dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh. Mong muốn của các doanh nghiệp là có thể giải quyết được nút thắt về cơ chế chính sách, nguồn vốn cũng như quy hoạch để các doanh nghiệp, chủ đầu tư đủ nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. 

Mong muốn của các doanh nghiệp là giải quyết được nút thắt về cơ chế chính sách, nguồn vốn, quy hoạch để đủ nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ảnh minh họa: Pháp luật TPHCM

Thực tế, quá trình rà soát nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu ở cho công nhân trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Bùi Dũng - Trưởng phòng Quản lý Tái định cư và Nhà xã hội, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chia sẻ, hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 6,8% nhu cầu; còn lại công nhân vẫn đang thuê ở nhà dân.

Ông Dũng đề xuất, để các chủ đầu tư mặn mà hơn với nhà ở xã hội thì Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi hơn. Đồng thời, Nhà nước cũng cần quy định cụ thể đối với loại hình cho thuê với công nhân lao động. Nguyên nhân bởi, hầu hết công nhân di cư thường sẽ gắn bó với doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định.  

Trong khi đó, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc cần thiết hiện tại là cần đổi mới tư duy. Đặc biệt, việc lo nhà ở cho công nhân là trách nhiệm của xã hội, bao gồm cả Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Để chính sách này đi sâu vào cuộc sống, bà An đề nghị công khai tiêu chí của đối tượng được hưởng hỗ trợ; doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và người lao động…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top