Thông tin này được công bố tại báo cáo số 150/BC-BXD của Bộ Xây dựng về Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nội dung báo cáo đề cập đến kết quả triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Về kết quả thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn. Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Trong đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.
Về chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.
Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn, trong đó, nhà ở xã hội 7 dự án quy mô 8.815 căn; nhà ở cho công nhân 3 dự án quy mô 11.038 căn.
Về kết quả triển khai gói tín dụng hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô: 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở của hộ gia đình được 4.381/15.000 tỷ đồng cho 12.200 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở./.
Cần có biện pháp mạnh tay ngăn chặn "trục lợi" từ nhà ở xã hội
Như Reatimes đã thông tin trong Bài 7: TP.HCM: Chiêu trò “móc túi khách hàng“ từ thu phí dịch vụ bán nhà ở xã hội, muốn mua nhà ở xã hội Thủ Thiêm Green House, khách hàng phải ký hợp đồng thu phí dịch vụ 12-13 %, thông qua đơn vị môi giới. Theo chuyên gia, việc thu phí dịch vụ này nằm ngoài các quy định về nhà ở xã hội. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ khách hàng bị mất quyền lợi, bị "cắt ngang" các ưu đãi mà đáng ra người thuê mua nhà ở xã hội được hưởng.
Cũng tại dự án này, môi giới tư vấn nhiều "chiêu trò" để trục lợi, thông qua việc làm giả hồ sơ về đối tượng được thuê mua, với chi phí "bôi trơn" 30 triệu cho mỗi hồ sơ.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trục lợi từ nhà ở xã hội là câu chuyện không còn mới, nhưng hiện nay đang ngày càng tinh vi hơn và khó kiểm soát. Trong đó, bán sai đối tượng là biến tướng thường gặp. Vì muốn bán hàng nhanh, đơn vị bán nhà ở xã hội thường có nhiều cách để lách luật. Một khi dự án được bán sai đối tượng thì sẽ xuất hiện tình trạng hồ sơ nộp rất "khủng", nhiều "người giàu" cố chen chân để "tranh suất" kiếm lời, dẫn đến đối tượng thật lại khó tiếp cận.
Luật sư Phượng cho biết, thực tế tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Mặt khác quy định cũng cấm người mua nhà ở xã hội bán lại trước 5 năm. Tuy nhiên việc quy định cấm mua bán nhưng lại không có biện pháp ngăn chặn/
“Việc hậu kiểm sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến việc "nhiều người giàu" vẫn tranh nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội, sau đó bán sang tay để kiếm lời, trong khi nhiều người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội”, ông Phượng nói.
Theo vị Luật sư, muốn hạn chế tình trạng trên, cần phải có sự phối hợp kiểm tra chặt giữa cơ quan quản lý nhà nước với ban quản lý, ban quản trị dự án, có tổ hậu kiểm danh sách mà chủ đầu tư nộp lên để phát hiện ra các trường hợp "gian lận". Đặc biệt, cơ quan quản lý cần phải công khai danh sách người được duyệt mua, thuê mua nhà ở xã hội để ban quản trị, người dân chủ động giám sát, tố cáo những người “tranh” suất mua rồi bán kiếm lời thì mới có thể đảm bảo công bằng cho người thu nhập thấp đúng nghĩa.
“Nếu không công khai thông tin đầy đủ để người dân cùng phát hiện, ngăn chặn việc mua bán không đúng luật sẽ rất thiệt thòi cho người khó khăn có nhu cầu ở thật”, ông Phượng nói thêm./.