Aa

Gói hỗ trợ lãi suất: Khẩn trương nhưng phải đúng đối tượng

Thứ Sáu, 25/02/2022 - 06:15

Giới chuyên gia cho rằng để gói hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng và hạn chế tối đa các rủi ro, cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan...

Tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ để làm sao khẩn trương đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng là một trong những cấu phần quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được kỳ vọng có thể thúc đẩy sản xuất kinh doanh khi chi phí vốn giảm xuống, nhất là khi các hoạt động kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh ngày càng trở nên cấp thiết.

Gói hỗ trợ lãi suất sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh trở lại.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ, khi gói hỗ trợ lãi suất được triển khai, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được dòng vốn rẻ, qua đó tiết giảm chi phí, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thấu hiểu sự mong chờ này của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã chủ động xây dựng các quy định pháp lý như Nghị định, Thông tư, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn triển khai ngay gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai nhanh và hiệu quả các giải pháp của ngành Ngân hàng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. NHNN cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với NHNN để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng, đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

Đồng tình quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, hỗ trợ đúng thời điểm là vô cùng quan trọng, bởi nếu một chính sách được triển khai chậm sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên khẩn trương nhưng không được vội vàng, thiếu cẩn trọng, dẫn tới giải ngân không đúng đối tượng thụ hưởng.

Khẩn trương song phải thận trọng

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính cho hay, với gói hỗ trợ lãi suất, cần quy định rõ những loại hình doanh nghiệp nào được hỗ trợ khoản vay, cách thức, phương thức hỗ trợ ra sao, mức hỗ trợ cũng cần phải được làm rõ và công khai, minh bạch, thời hạn của hỗ trợ tới bao giờ…

“Thách thức của gói hỗ trợ lãi suất là đúng đối tượng và kiểm soát nợ xấu. Bản thân việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng, rủi ro kỳ hạn thanh khoản trong trung hạn khi mà nhiều khoản vay ngắn hạn, qua một vài lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã trở thành khoản vay trung dài hạn", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính lưu ý.

Hơn nữa theo vị chuyên gia này, hiện nền kinh tế đứng trước rủi ro lạm phát tăng cao, nên bơm tiền ồ ạt sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế, có thể tạo ra bong bóng tài sản trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… Đây là vấn đề cần phải có sự quản lý giám sát không phải chỉ riêng NHNN mà của Chính phủ. "Điều quan trọng nhất là việc bơm tín dụng ra, kể cả ưu đãi hay tăng trưởng tín dụng nói chung phải phù hợp với mức độ hấp thụ của nền kinh tế, được quản lý giám sát chặt chẽ để sử dụng vốn đi đúng mục đích, tránh để vốn chảy vào những lĩnh vực không phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông khuyến nghị.

Cùng chung quan điểm, lãnh đạo một NHTMCP cũng cho hay, các ngân hàng đang chờ văn bản hướng dẫn, vì đối tượng nếu không được xác định rõ thì rất khó cho các ngân hàng trong giải ngân, vì rất dễ xảy ra tình trạng người cần vay thì không vay được, người không đủ tiêu chuẩn thì lại tiếp cận được. Hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm của ngân hàng. Bằng nguồn lực của mình, ngân hàng đã hỗ trợ hết sức. Tuy nhiên, với nguồn lực từ ngân sách, cơ chế cho vay phải rõ ràng. “Ngân hàng rất muốn vào cuộc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song chính sách phải rõ ràng, đồng bộ thì mới có thể triển khai”, vị này cho hay.

Giới chuyên gia cho rằng để gói hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng và hạn chế tối đa các rủi ro, cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa NHNN với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Kế hoạch - Đầu tư đối với quy định đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng. Cần phải quy định rất rõ trách nhiệm của mỗi bên, và có phương án phù hợp, để làm sao đối tượng được hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực có khả năng phục hồi theo như Nghị quyết đã đề cập…

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu quan điểm, nền kinh tế được dự báo phục hồi theo hình chữ K, trong đó sẽ có những doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt, và có những doanh nghiệp chuyển biến chậm. Như vậy việc hỗ trợ có nên phân theo sức khỏe của doanh nghiệp, doanh nghiệp phục hồi tốt được hỗ trợ nhiều và ngược lại doanh nghiệp phục hồi chậm được hỗ trợ ít hay không. Song, chuyên gia này cũng nhắc tới yếu tố doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo thì nên nhận được hỗ trợ từ ngân sách, tạo động lực cho thị trường.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng phải tích cực tái cơ cấu, chủ động trong mọi hoạt động, làm sao chi phí sử dụng vốn thấp nhất nhưng hiệu quả đem lại cao nhất, tận dụng được gói hỗ trợ về tài chính, tiền tệ./.

Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đối tượng hưởng gói hỗ trợ gồm hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top