Aa

Tháo "chốt chặn" hấp thụ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

Thứ Tư, 16/02/2022 - 10:51

Theo chuyên gia, khả năng hấp thụ là “chốt chặn” quan trọng của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, nên cần phải rõ trọng tâm, trọng điểm và rõ cả những địa chỉ nhận hỗ trợ.

Dự kiến giải ngân 160.000 tỷ đồng năm 2022

Chia sẻ xoay quanh câu chuyện triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng và dự báo kinh tế năm 2022, TS. Cấn Văn Lực cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến giải ngân khoảng 160.000 tỷ đồng trong năm 2022, như vậy chỉ tương đương tăng thêm 1,6% tín dụng, khi hiện nay tín dụng toàn bộ nền kinh tế là 10 triệu tỷ đồng.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng tăng trưởng tối đa khoảng 14 - 15%, vậy quy mô của gói hỗ trợ này chỉ được xem là lớn nhất từ trước đến nay, nhưng so với tổng lượng vốn đầu tư ra nền kinh tế thì rõ ràng vẫn còn ở mức tương đối khiêm tốn, kể cả so với tín dụng, nên không quá quan ngại về chuyện tiền ồ ạt chảy ra quá nhiều.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến giải ngân khoảng 160.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Theo vị chuyên gia, về khả năng hấp thụ, nếu không hiệu quả thì chắc là sẽ lạm phát, vì đây là chốt chặn rất quan trọng của Quốc hội, cho nên cần phải rõ trọng tâm, trọng điểm và rõ cả những địa chỉ nhận hỗ trợ. Ví dụ liên quan đến hỗ trợ lãi suất, đến nay xác định rất rõ hai tiêu chí vô cùng quan trọng đó là: 

Thứ nhất, những lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh nhưng có khả năng phục hồi, còn nếu không có khả năng phục hồi thì chắc cũng phải chấp nhận việc phá sản, vì đây là một quá trình sàng lọc của thị trường.

Thứ hai, là Chính phủ cũng phải ban hành một chương trình chi tiết và hướng dẫn rất cụ thể, xem những lĩnh vực ngành nghề nào sẽ được ưu tiên là đối tượng chính để tiếp nhận các hỗ trợ này.

Tuy nhiên, cũng phải có quá trình kiểm tra giám sát, nhưng cần lưu ý một điểm hết sức quan trọng là, nếu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tham gia vào ngay từ đầu, thì thụ hưởng không dám làm, các tổ chức tín dụng không dám làm. Vì họ sẽ thấy nguy hiểm và đây thực sự là một bài toán phải dung hòa, do đó, tôi khuyến nghị quan trọng nhất phải là công khai, minh bạch, đồng thời hướng dẫn của Chính phủ phải chi tiết và phải chấp nhận độ dung sai nhất định. Nghĩa là trong 100 khoản, cũng có một đôi khoản sai sót, ngay như Mỹ, châu Âu hay các nước đều phải chấp nhận tỷ lệ sai sót nhất định trong “thời chiến”, còn nếu đòi cầu toàn 100% đúng địa chỉ thì các tổ chức thực hiện cũng rất quan ngại”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Còn theo ông Đào Huy Giám - Nguyên Trưởng đại diện Việt Nam tại WTO bày tỏ, ông muốn đề cập đến hai nội dung trong gói hỗ trợ đó là: Một, về chi tiết ông rất ủng hộ việc giảm thuế, ví dụ như giảm % thuế VAT, nhưng hỗ trợ này kéo dài bao lâu, kể từ ngày nào, đến khi nào kết thúc? Việc giảm thuế kéo dài hai năm hay ba năm, sau đó giữ nguyên mức thuế đó hay đăng lên 10%? Hai là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến chi 160.000 tỷ đồng trong năm nay, nhưng nên đặt ra các mốc cụ thể, ví dụ đến ngày 30/6 chi 60.000 tỷ đồng, đến 30/9 chi 110.000 tỷ đồng và đến 31/12 là kết thúc. Lúc đó, chúng ta sẽ kiểm tra được ngay có sơ suất gì hay không, đã làm tốt hơn hay chưa, hay có đạt được mục tiêu như trông đợi.

“Bên cạnh đó, yếu tố hơi riêng một chút mà rất gắn với hệ thống này đó là, tính hệ thống của những gói cứu trợ mang tính chất xử lý khủng hoảng kinh tế xã hội. Giai đoạn năm 2010 - 2014, tôi cũng giới thiệu một số cơ quan đi học tập ở châu Âu mà trước hết là Hội đồng Kinh tế Xã hội Hà Lan và Mạng lưới các Hội đồng Kinh tế xã hội Quốc tế. Hội đồng đó đưa ra các kịch bản kinh tế xã hội bao gồm thuận lợi và khó khăn để làm phương án tư duy tập trận trước.

Như vậy, điểm quan trọng là chương trình mà chúng ta hỗ trợ mới có Chính phủ và Nhà nước, còn các chương trình của hội đồng có sự tham gia của bộ máy công quyền, giới chủ, người lao động, đại diện người lao động... Như trong cuộc khủng hoảng năm 2008 - 2009, nhiều nước có chính sách là Nhà nước đỡ cho 5% tiền lương, doanh nghiệp tự bỏ ra 5% và đề nghị người lao động xin giảm 2%, để không sa thải ai cả hoặc tỷ lệ sa thải không quá 1% người lao động. Từ đó để thấy rằng, những chủ thể chính trong xã hội có sự đối thoại, phối hợp, chuẩn bị trước, nghiên cứu trước và đối phó với tình huống một cách khoa học.

Vì thế, tôi kiến nghị báo cáo Chính phủ, Viện Quản lý kinh tế Trung ương thành lập Hội đồng kinh tế xã hội, có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, nhỏ, đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp, nghiệp đoàn ở các lĩnh vực khác nhau để làm thử với gói này. Sau đó có cơ chế, có tính hệ thống để phát triển và đây là một bước tiến của trình độ phát triển cao hơn trong quản lý kinh tế xã hội”, ông Đào Huy Giám nói.

Tăng trưởng khả quan

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cũng bổ sung ba thông tin đó là: Thứ nhất, Chính phủ và Quốc hội đều tham vấn tương đối kỹ các góc cạnh của vấn đề. Theo ông Lực, chính sách thì luôn luôn có hai mặt, có ý kiến đồng thuận và phản đối, nhưng về cơ bản, sự đồng thuận tương đối cao với từng cấu phần trong Nghị quyết của Quốc hội.

Doanh nghiệp kỳ vọng chương trình hỗ trợ sẽ sớm đi vào thực thi một cách hiệu quả.

Thứ hai, liên quan đến thuế VAT, hỗ trợ này chủ yếu giảm cho năm 2022 và bắt đầu từ thời điểm Chính phủ ban hành chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội chi tiết, dự kiến hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/2, với mức độ như vậy thì ngân sách sẽ giảm 49,4 nghìn tỷ đồng. Còn năm 2023 như thế nào thì trong chương trình chưa tính đến.

Thứ ba, là thành lập Hội đồng tư vấn kinh tế xã hội, việc đó rất quan trọng và cần thiết mà cả Chính phủ và Quốc hội cũng đang đi theo hướng này. Thực tế, các lãnh đạo của chúng ta có rất nhiều cách thức vận hành hội đồng đó với nhiều phương thức khác nhau, có thời điểm là chính thống, có thời điểm là tọa đàm khoa học, có khi là xin ý kiến trực tiếp,... với tinh thần cầu thị, tiếp thu hơn rất nhiều so với trước đây.

“Từ giai đoạn 2016 đến nay, Chính phủ và Quốc hội khá cởi mở về chuyện tiếp thu các ý kiến. Đặc biệt, trong chương trình phục hồi này, sẽ phải thêm ba yếu tố quan trọng nữa để đảm bảo thành công bao gồm: Một là, phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, để đảm bảo giải ngân kiểm soát được lạm phát và những bất ổn vĩ mô khác. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hơn câu chuyện về cải cách thể chế, nhất là với môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó mới tăng được khả năng hấp thụ của nền kinh tếm của doanh nghiệp. Ba là, đẩy mạnh hơn chương trình kế hoạch khác mà chúng ta đã và đang làm, chứ không phải vì chương trình này mà sao nhãng những chương trình khác. Ví dụ cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó chúng tôi rất quan tâm đến thúc đẩy mạnh mẽ hơn cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn sắp tới.

Về những thông tin dự báo tăng trưởng năm 2022, chúng tôi cũng đã có hai kịch bản công bố, với  kịch bản thứ nhất, có khá nhiều yếu tố khả quan để đạt mức tăng trưởng 6,5 - 7%. Còn kịch bản thứ hai xấu hơn, chúng tôi dự báo từ 5 - 5,5% trong trường hợp chúng ta làm không tốt ít nhất hai chương trình trọng điểm”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Vị chuyên gia cũng lạc quan tin tưởng rằng, năm nay, chúng ta phải lo nhiều thứ nhưng hiện đã có những thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Trong đó bao gồm cả yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, điều đó vô cùng quan trọng vì Việt Nam xuất khẩu và thu hút FDI rất nhiều.

Bên cạnh đó, tính đồng thuận cũng tương đối cao do Quốc hội với Chính phủ làm việc, cọ sát rất tích cực, nên chỉ trong hơn hai tháng đã ra một chương trình hỗ trợ phục hồi rất thuyết phục. Đặc biệt, tất cả đều quan tâm đến yếu tố thực thi, thì chính phủ cũng đã chỉ đạo để sớm có những hướng dẫn thực hiện chi tiết, mà KPI, cách thức giao nhiệm vụ của Chính phủ cho các địa ngành, địa phương cũng rất cụ thể. Đồng thời, chương trình này đã rút kinh nghiệm từ những chương trình hỗ trợ trước, do đó sẽ khả quan hơn và thành công hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top