Aa

Gọi vốn khởi nghiệp bất động sản dễ hay khó?

Thứ Ba, 08/01/2019 - 14:01

Làm gì để nhà đầu tư để mắt đến dự án của mình và "mở ví"? Đây có lẽ là một trong những câu hỏi được nhiều công ty khởi nghiệp (startup) đặt ra khi bước chân vào "trận chiến" cân não mang tên gọi vốn đầu tư.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Hiện trạng của việc gọi vốn bất động sản

Trên thực tế, không chỉ bất động sản, mà ở bất kỳ lĩnh vực nào, nguồn vốn luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, gọi vốn đầu tư đã khó, gọi vốn đầu tư khởi nghiệp lại càng khó hơn, bởi ngay từ khái niệm khởi nghiệp đã là không có gì ngoài ý tưởng.

Do đó, để thuyết phục một nhà đầu tư kỳ cựu chấp nhận thử thách đồng hành cùng ý tưởng của các startup sẽ rất khó, nó luôn hàm chứa yếu tố căng thẳng và đầy thử thách, mà không phải ai cũng có thể vượt qua được.

Bản chất câu chuyện gọi vốn luôn mất rất nhiều quỹ thời gian của nhà sáng lập, vì thế, trong cả trăm, thậm chí cả nghìn thương vụ, có thể chỉ có một hoặc không thương vụ nào thành công do những nhà xác lập không ưu tiên xác định được khoảng thời gian hợp lý để chuẩn bị gọi vốn.

Chính việc không cân đối thời gian chuẩn bị các bước cho việc gọi vốn, trong tâm thế cần vốn, các thành viên trẻ tuổi của các dự án khởi nghiệp dễ bị mất bình tĩnh trước những câu hỏi vặn vẹo của các nhà đầu tư về kế hoạch tài chính mà quên rằng, dự án của mình cũng là một nguồn sinh lợi cho họ.

Kết quả để lại, không những điều hay ho nhất của ý tưởng khởi nghiệp không được lưu tâm, mà người gọi vốn còn dễ rơi vào tình trạng chán chường do bị các nhà đầu tư “cáo già” chỉ ra quá nhiều nhược điểm của dự án, khiến bỏ cuộc trong các đợt gọi vốn tiếp theo.

Trên thực tế, nếu chuẩn bị những công đoạn cho việc gọi vốn một cách tỉ mỉ, thông thường tối thiểu từ 6 - 9 tháng, hoặc thậm chí hơn, thì khi trao đổi với các nhà đầu tư thiên thần, các nhà sáng lập có thể rất tự tin và chủ động trong việc trao đổi thẳng thắn về mức độ mạo hiểm của kế hoạch kinh doanh và khả năng thành công đến đâu.

Rất nhiều dự án cho thấy rằng, nếu đó là một dự án tiềm năng, việc rót vốn đầu tư, dù chỉ với số tiền nhỏ, cũng có khả năng đem lại khoản lợi lớn cho nhà đầu tư sau này và nhà đầu tư thiên thần nào cũng hiểu điều đó. Tuy nhiên, để họ hoàn toàn tin tưởng với kế hoạch đó, thì hơn cả, họ cần nhìn nhận những nhà sáng lập xem có thực sự phù hợp với tiềm năng của dự án đó hay không.

Khi đã đồng ý rót vốn, cũng có nghĩa nhà đầu tư chịu chia sẻ rủi ro với người sáng lập, nên họ sẽ rất cân nhắc tới vai trò của nhà sáng lập, bao gồm cả ý tưởng và định hướng cùng chiến lược phát triển, nâng tầm ý tưởng đó đến mức độ nào.

Mặc dù trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động khởi nghiệp có tính chất đặc thù và không mơ hồ như các lĩnh vực khác, nhưng nếu rót vốn cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này, thì đây lại là lĩnh vực dễ mất vốn nhất từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả chủ quan và khách quan.

Một trong những giới hạn của môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản hiện nay là thiếu số liệu thống kê, nên các startup khá lúng túng trong định giá dự án của mình khi gọi vốn. Nếu người sáng lập định giá quá cao và đòi số tiền đầu tư lớn thì rất có thể nhà đầu tư cũng đặt ra những mục tiêu rất khó đạt được, hoặc đòi đổi lấy số phần trăm cổ phần rất cao, để rồi khi việc kinh doanh gặp khó khăn, dự án có thể bị nhà đầu tư thâu tóm.

Thực tế diễn ra cho thấy, lĩnh vực bất động sản là nơi có nhiều nhà khởi nghiệp nhất, nhưng cũng là nơi có nhiều nhà khởi nghiệp mất trắng nhiều nhất với cùng kịch bản này. Thêm nữa, khi trình bày ý tưởng khởi nghiệp trong các cuộc thi hay khi gọi vốn, startup phải đối mặt với nguy cơ bị lộ ý tưởng, hay mất sự độc quyền khai thác ý tưởng khi chưa đăng ký bảo hộ. Nếu các startup chỉ có ý tưởng kinh doanh thì không thể bảo hộ dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ, ngoại trừ việc bảo vệ nó dưới dạng bí mật kinh doanh. Startup muốn đăng ký sở hữu trí tuệ cho ý tưởng kinh doanh của mình thì phải hiện thực hóa ý tưởng đó.

Nên gọi vốn theo cách nào cho hợp lý?

Việc phân tích những thách thức khi gọi vốn không có nghĩa những nhà sáng lập không nên mặn mà nữa với việc kêu gọi vốn, mà nên có nhận thức rõ hơn để gia tăng tỷ lệ thành công trong quá trình gọi vốn và tìm cách gọi vốn sao cho phù hợp nhất với dự án của mình.

Hiện tại, có 3 cách các startup trẻ tuổi, ít kinh nghiệm trên thế giới thường sử dụng để có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, bao gồm: Gọi vốn cộng đồng - Crowdfunding, Nhà đầu tư “thiên thần”/Mạnh thường quân - Angel Investor và Quỹ đầu tư mạo hiểm - Venture Capital. Trong đó, mỗi hình thức gọi vốn có những ưu và khuyết điểm riêng, tương ứng với từng giai đoạn phát triển của một startup.

Tuy nhiên, về cơ bản, dù gọi theo hình thức nào, thì các nhà sáng lập sẽ phải luôn xác định rằng, để có thể “cầm cương” trong suốt cuộc thương thảo, phải luônđảm bảo được các yếu tố cụ thể bao gồm: Mô hình kinh doanh thông minh, khả năng phát triển hệ thống, kế hoạch xây dựng thương hiệu và cuối cùng là chuẩn hóa quy trình quản trị, minh bạch báo cáo tài chính.

Đặc biệt, vấn đề số liệu tài chính luôn phải được ưu tiên hàng đầu, phải logic, rõ ràng. Doanh thu, lãi/lỗ, điểm khác biệt của sản phẩm, thị trường, cạnh tranh là những điểm cần đặc biệt nhấn mạnh.

Nên hiểu rằng, quan trọng nhất, con số kêu gọi đầu tư không nhỏ mà không quá lớn. Có như thế mới lấy niềm tin của các nhà đầu tư và tạo mối quan hệ, vừa giúp các nhà đầu tư cảm thấy an toàn trong thương vụ. Việc chinh phục nhà đầu tư cũng giống như một cuộc hẹn với người yêu.

Để gây ấn tượng và có cuộc hẹn tiếp theo thì phải thành công từ giây phút chạm mặt. Do đó, người gọi vốn phải hiểu được điều mà nhà đầu tư cần - những con số và lộ trình cụ thể. Đó cũng là điều chứng minh cho họ thấy start-up theo sát dự án và đặt tâm huyết.

Ngoài ra, nếu không nhận được vốn đầu tư. thì người gọi vốn cũng nên giữ mối quan hệ với nhà đầu tư, vì biết đâu đến khi dự án lớn mạnh, sẽ có chuyển biến khác.

Tất nhiên, cũng nên hiểu rẳng, quá trình gọi vốn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như nhà đầu tư có thể dùng việc kinh doanh của startup để rửa tiền, hay nhà đầu tư đã nhận lời đầu tư vào dự án nhưng lại “treo” vốn trong nhiều năm, ảnh hưởng cơ hội kinh doanh của startup.

Thực tế, một số quỹ đầu tư chỉ là đơn vị trung gian giữa người rót vốn (nhà đầu tư) và người nhận vốn (dự án khởi nghiệp). Nhiều khi, hoạt động truyền thông của họ tung ra rất nhiều thông tin về sự đầu tư lên đến hàng triệu đô la (nhằm đánh bóng tên tuổi), nhưng trên thực tế, startup chưa nhận được đồng vốn nào. Cần lưu ý, vòng đầu tư mạo hiểm thường chỉ dành cho các nhà đầu tư thiên thần, còn khi các quỹ đầu tư tham gia vào vòng này là họ đã đi sai chiến lược hoặc đơn giản là họ muốn lấy ý tưởng dự án.

Do đó, để tìm hiểu xem nhà đầu tư có phù hợp hay không, sự đầu tư của họ có thực sự mang lại lợi ích cho dự án của mình hay không, nhà khởi nghiệp cần tìm đến để gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư càng nhiều càng tốt. Việc gặp gỡ thường xuyên cũng là cách mà nhà khởi nghiệp tìm hiểu giá trị dự án của mình để có sự định giá chính xác hơn.

Ngoài ra, cũng nên xây dựng mối quan hệ rộng rãi trong giới kinh doanh để có thể nghe ngóng thông tin về các nhà đầu tư tiếp cận với dự án của mình. Mặt khác, nhà đầu tư chính là người chỉ ra những điểm cần hoàn thiện của dự án. Đây chính là cơ hội để các dự án học hỏi kinh nghiệm mà không... tốn phí! Do vậy, người sáng lập dự án nên dẹp bỏ “cái tôi” và lắng nghe những ý kiến khó nghe của nhà đầu tư mà đôi khi đó lại là chiêu thức để thử thách, đánh giá người khởi nghiệp.

Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam/Founder King Broker/Co - Founder batdongsan.vn

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top