Golf Long Thành và tinh thần người lính “quyết làm đến cùng”
Lời Tòa soạn
Trải qua gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã trỗi dậy, bứt phá và vươn lên với những bước chuyển mình lịch sử, trở thành một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng. Vị thế, tiềm lực, uy tín và năng lực cạnh tranh của quốc gia không ngừng được nâng cao. Diện mạo đất nước cũng chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục, khang trang, hiện đại với sự xuất hiện của ngày càng nhiều công trình tầm cỡ, mang tính biểu tượng quốc gia…
Tầm nhìn Việt Nam đến năm 2025, 2030 và 2045 - kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước gắn chặt với quyết tâm khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được đặt ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Đại hội xác định, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tất cả những mục tiêu này đều nhằm hướng tới khát vọng một Việt Nam hùng cường, hiện thực hóa tâm nguyện xây dựng nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với thế và lực mới, với niềm tin vững chắc vào cơ đồ của đất nước, Việt Nam hoàn toàn có đủ tự tin để chinh phục mục tiêu phát triển cường thịnh đến năm 2045. Trong đó, tinh thần yêu nước, tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ làm làm, sự trăn trở với vận mệnh đất nước trong mỗi cá nhân và từng thành phần kinh tế, nòng cốt là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp chính là động lực và nguồn lực quan trọng, thôi thúc hành động mạnh mẽ và quyết liệt để đưa Việt Nam phát triển vững vàng.
Trên cơ sở đó, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) thực hiện Tuyến bài: "Dấu chân" thịnh vượng, bao gồm các bài viết về chân dung doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu truyền cảm hứng, vững chí lớn, đại diện cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới với tinh thần tiên phong, phụng sự, cống hiến, sáng tạo và hội nhập. Đó cũng là những thương hiệu quốc gia bền vững mà mỗi dấu chân trên hành trình của họ đều mang theo khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Thật đặc biệt, khi một gia đình có tới hai Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cùng đồng sức, đồng lòng sáng lập và dẫn dắt hệ sinh thái KN Investment Group - hạt nhân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành từng bước phát triển vững mạnh, đóng góp lớn cho xã hội và đất nước. Ông Lê Văn Kiểm - người cựu chiến binh chưa từng qua đào tạo về quản lý kinh tế, cùng vợ là bà Trần Thị Cẩm Nhung - hai trái tim nhân hậu ấy cũng đã để lại dấu ấn thơm thảo, tô thắm thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước bạn Lào, Campuchia, Cuba...
Hành trình của người doanh nhân cựu chiến binh giữa thời bình gian khổ không kém hành trình của người lính giữa chiến trường. Trong gian khó, chỉ có bản lĩnh của người trí thức, sự can trường của người lính, khát vọng làm giàu cùng với trái tim thiết tha yêu và mang ơn đất nước, mới làm nên Golf Long Thành và hệ sinh thái KN Investment Group vững mạnh hôm nay.
******
Nhìn những đường lăn bóng xanh mướt nhấp nhô, uốn lượn bất tận ở sân Golf Long Thành, ít ai có thể hình dung, nơi đây xưa kia là vùng đất đồi hoang hóa, nơi sỏi đá, chỗ sình lầy.
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi đang "ăn nên làm ra" với vai trò Giám đốc Công ty CP May - Xây dựng Huy Hoàng tại TP.HCM (thành lập năm 1978), ông Lê Văn Kiểm quả quyết bước chân tới vùng đất đồi nghèo khó, chưa hòa lưới điện quốc gia, ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, để xây dựng sân golf - một loại hình đầu tư còn quá mới mẻ với giới đầu tư Việt Nam thời điểm đó.
Khi quyết định đầu tư tại đây, nhiều người nghĩ rằng ý định của ông có phần táo bạo, bởi họ không tin, người cựu chiến binh này có thể biến sỏi đá, sình lầy… thành tiền. Nhưng bằng sự nhanh nhạy, quyết đoán của một doanh nhân, bằng trái tim nhiệt huyết, can trường của người lính, dự án sân Golf Long Thành đã khởi công năm 2001, chính thức đi vào hoạt động năm 2004. Danh xưng "Kiểm Golf Long Thành" cũng gắn bó với ông Kiểm từ đó cho đến nay.
Giờ đây, sân Golf Long Thành tọa lạc trên diện tích rộng hơn 350ha, được bao bọc bởi các nhánh sông Đồng Nai hiền hòa, thơ mộng. Hiện sân golf đang hoạt động với 18 đường golf Sân Đồi và 18 đường golf Sân Hồ, với hệ thống ánh sáng đạt chuẩn quốc tế, phục vụ cả người chơi golf vào ban đêm.
Không khó hiểu khi sân Golf Long Thành được bình chọn là sân đẹp nhất, tốt nhất Việt Nam và là một trong những sân golf đẹp của châu Á. Hội viên Golf Long Thành có đến 60% số thành viên đến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…
Chưa dừng lại ở đó, năm 2012, Golf Long Thành khai trương sân golf thứ hai có tên Long Viên, thuộc đặc khu kinh tế Vientiane - Lào, thu hút nhiều golf thủ quốc tế. Năm 2018, ngành golf Việt Nam tiếp tục đón nhận sân golf KN Golf Links, thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp KN Paradise. Cả ba sân golf thuộc sở hữu của Golf Long Thành đều tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường, tác động tối thiểu đến tự nhiên. Riêng sân Golf Long Thành được bình chọn là sân golf thân thiện nhất với môi trường năm 2008.
Điều đặc biệt, những dự án này thành hình nhờ tầm nhìn xa trông rộng, cởi mở và bản lĩnh quyết làm tới cùng của một cựu chiến binh chưa hề qua trường lớp kinh tế. Nhưng nhờ tinh thần dấn thân của người lính, doanh nhân Lê Văn Kiểm trở thành một trong những người tiên phong khai phá, phát triển ngành Golf Việt Nam hơn 20 năm về trước. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo khó, golf chưa được xem là môn thể thao cần sự đầu tư phát triển, sự can đảm của ông càng có ý nghĩa lớn.
Hiện nay, chính sách dành cho thị trường này đã có những thay đổi, khi Chính phủ nhận thức rõ tiềm năng kinh tế của ngành golf trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; cũng như phát triển hạ tầng, tạo ra nhiều việc làm cho cư dân địa phương.
Chia sẻ với Reatimes, Luật sư Trần Duy Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam cho biết, Chính phủ đang có các chính sách hỗ trợ về đất đai và thủ tục hành chính để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sân golf không còn thuộc diện quy hoạch quốc gia do Thủ tướng phê duyệt nữa. Các tỉnh có thể quyết định cấp phép xây dựng sân golf trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đó.
"Tuy nhiên, hiện chúng ta mới chỉ có khoảng 80 sân golf đang hoạt động. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 300 - 400 sân golf là thách thức không nhỏ nếu không có những chính sách thúc đẩy đầu tư đột phá", ông Cảnh nhận định.
Điểm cần đột phá nhất, theo ông Cảnh là miễn giảm thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt. Golf là môn thể thao du lịch nhưng lại bị áp thuế này, vốn chỉ sử dụng cho mục đích hạn chế tiêu dùng thì rất bất hợp lý. Không có nước nào trên thế giới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt kinh doanh golf như Việt Nam.
Đồng thời, cần xác định và quy hoạch các khu vực phát triển sân golf một cách hợp lý, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Những nơi không thể phát triển nông nghiệp hiệu quả như ven biển hay trung du thì có thể phủ xanh bằng sân golf.
"Ngoài ra, những chính sách khác liên quan đến đầu tư hạ tầng, tiện ích quanh sân golf, đào tạo nhân lực, quảng bá… cũng cần có sự đột phá. Những chính sách này không chỉ đưa golf thành ngành kinh tế phát triển, mà còn giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào ngành golf toàn cầu, nâng cao vị thế của chúng ta trên bản đồ Golf thế giới", ông Cảnh khẳng định.
Không chỉ tiên phong trong lĩnh vực sân golf, ông Lê Văn Kiểm cũng là doanh nhân Việt Nam đầu tiên xây dựng đặc khu kinh tế tại Lào. Mối nhân duyên với đất nước Triệu Voi hiền hòa bắt nguồn từ những ngày tháng ông tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Ông cũng nhớ ơn, nhờ nhân dân Lào giúp đỡ mở đường phía Tây Trường Sơn mà gian khổ, hy sinh của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giảm đi phần nào.
Vì vậy, sau khi có dư dả từ việc khởi nghiệp kinh doanh, trái tim người cựu chiến binh đã hướng về nước bạn, với nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người dân và các cựu binh ở đây. Sau đó, với cương vị Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, ông được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ Lào gặp, khuyến khích, động viên tham gia đầu tư sang Lào. Vị doanh nhân đồng ý, dù dự án đầu tư ấy chắc chắn sẽ phải "dài hơi" mới mong thu hồi vốn, mà bản thân đã sắp bước vào tuổi "thất thập". Nhưng với nghĩa tình đồng đội, tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc anh em, ông quyết định đầu tư với tâm thế: "Dù chỉ hòa vốn, chúng tôi cũng làm".
Bước chân sang Lào bằng tình nghĩa, ông Lê Văn Kiểm cũng được nước bạn đáp lại, hỗ trợ hết sức trong nhiều vấn đề. Ngày 26/12/2008, Tập đoàn KN Vientiane được thành lập, trên cơ sở Hợp đồng đầu tư và Phát triển Dự án khách sạn 5 sao, khu biệt thự cao cấp, sân golf tại thủ đô Vientiane, giữa Chính phủ Lào và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành.
Ngày 7/1/2012, Dự án tại thủ đô Vientiane này được Chính phủ Lào nâng cấp thành Đặc Khu Kinh tế Long Thành - Vientiane theo Hợp đồng ký bổ sung. Đặc khu kinh tế bao gồm khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu biệt thự cao cấp, trường học, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng. Tổng diện tích giai đoạn đầu hơn 557 héc-ta, tổng mức đầu tư dự án lên đến 1 tỷ USD.
Thời điểm đó, Đặc khu kinh tế Long Thành - Vientiane là đặc khu kinh tế lớn nhất tại thủ đô Vientiane và cũng là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào, với thời hạn thuê đất lên đến 99 năm, cùng nhiều ưu đãi mà chỉ có các dự án trong Đặc khu mới có được. Đổi lại, ông Lê Văn Kiểm đã xây dựng một dự án chất lượng cao, được xem là kiểu mẫu ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Đến nay, Đặc Khu kinh tế Long Thành - Vientiane vẫn hoạt động rất hiệu quả, góp phần thu hút nguồn lực kinh tế cho đất nước Lào. Một hạng mục nổi bật là sân golf Long Viêng, đến nay vẫn là sân golf duy nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế và đẹp nhất tại Lào. Đồng thời, là một trong số các sân golf đẹp ở Đông Nam Á và châu Á.
Ngoài sân golf, Long Thành - Vientiane còn xây dựng các khu biệt thự cao cấp, thuộc khu đô thị kiểu mẫu Long Vien, chan hòa giữa những công viên mát xanh và hồ nước trong lành. Nơi đây cũng có khách sạn 5 sao; bệnh viện quốc tế; trường học quốc tế; trung tâm thương mại quốc tế… Cư dân của khu đô thị vừa được kết nối hài hòa với thiên nhiên, vừa được tận hưởng đầy đủ các tiện ích, tiện nghi hiện đại.
Còn nhớ, sau khi nhận nhiệm vụ đầu tư, phát triển kinh tế ở Lào, ông Kiểm hứa: "Chúng tôi sẽ dồn tâm sức để xây dựng Đặc khu kinh tế Long Thành - Vientiane thành một đặc khu kinh tế kiểu mẫu, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, góp phần vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt". Quả thật, cựu chiến binh Lê Văn Kiểm và Golf Long Thành đã làm được!
Trong một lần trò chuyện với Reatimes về vai trò của văn hóa đối với doanh nhân và doanh nghiệp, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói: Không dễ để một người chia sẻ với người khác đồng tiền họ kiếm được bằng mồ hôi nước mắt. Nhưng ngày càng có nhiều doanh nhân thấu hiểu văn hóa, có lương tri và trách nhiệm, đã "ứng xử với đồng tiền rất đẹp", bằng việc tích cực trong hoạt động từ thiện, gánh vác cùng đất nước trong những giai đoạn khó khăn. Họ có trách nhiệm xã hội rất lớn. Họ trân trọng môi trường, con người và văn hóa. Họ là yếu tố quan trọng cho mỗi bước đột phá, phát triển của xã hội.
Có lẽ những chia sẻ trên rất đúng với vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm. Tìm hiểu về gia đình ông, chúng tôi càng chắc chắn rằng, Golf Long Thành và hệ sinh thái KN Investment Group với nhiều công ty con lớn mạnh vững vàng như hôm nay, là vì người lãnh đạo đã sống có văn hóa, tử tế, trách nhiệm, đầy yêu thương và lòng biết ơn.
Golf Long Thành và Tập đoàn KN Investment Group lấy tinh thần phụng sự xã hội làm cốt lõi.
Vốn là học sinh miền Nam, lớn lên và trưởng thành nhờ sự nuôi dưỡng đầy nghĩa tình của nhân dân miền Bắc, vợ chồng ông từng chia sẻ: Trong tâm khảm, chúng tôi luôn nghĩ phải cố gắng học giỏi, lao động giỏi để đền đáp lại những gì mà mình đã được nhận từ đất nước". Dưới sự lãnh đạo của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm, Golf Long Thành và Tập đoàn KN Investment Group cũng lấy tinh thần phụng sự xã hội làm cốt lõi.
Nhớ lại thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, công ty Cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng (tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành) rơi vào khó khăn, ông tâm sự, nhiều đêm nhìn công nhân chăm chỉ làm việc mà không biết ông chủ đang gặp hoạn nạn, thấy thương vô cùng. Ông nguyện lòng không để doanh nghiệp sụp đổ, mấy ngàn công nhân mất việc, vợ con, gia đình sẽ khổ sở. Cuối cùng, Huy Hoàng cũng được vực dậy, và văn hóa tử tế, vì người lao động vẫn luôn được phát huy suốt chặng đường phát triển về sau.
Một trong những dấu ấn mà Huy Hoàng để lại cho TP.HCM là nút giao thông Hàng Xanh, khánh thành năm 1995, giải quyết rất tốt tình trạng kẹt xe cho thành phố thời điểm đó. Đáng nói, toàn bộ tiền lãi trong quá trình làm nút giao thông này đã được công ty đóng góp cho việc xây dựng Tượng đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Bến Dược (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Khi chuyển mình sang lĩnh vực bất động sản, với tâm niệm phát triển bằng tầm nhìn dài hạn và bền vững, Tập đoàn KN Investment Group và Golf Long Thành luôn chú ý đến chất lượng dự án. Hàng loạt dự án kết hợp cùng những tên tuổi lớn trong ngành bất động sản Singapore, Nhật Bản đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, như Khu biệt thự cao cấp Riviera, các khu căn hộ cao cấp The Vista An Phú, Vista Verde, Feliz en Vista, Waterina Suites. Đặc biệt, 100% các dự án của Golf Long Thành và hệ thống công ty thành viên đều đạt chỉ tiêu xanh, thân thiện môi trường.
Năm 2021, quần thể KN Paradise (Cam Ranh) quy mô gần 800 héc-ta được PropertyGuru vinh danh là "Siêu phức hợp" theo mô hình xanh tốt nhất Việt Nam. Đây là quần thể nghỉ dưỡng có quy mô lớn đầu tiên theo tiêu chuẩn xanh, luôn đảm bảo các tiêu chí khắt khe về tính bền vững và thân thiện với môi trường. Đó chính là những đóng góp thiết thực của doanh nghiệp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Để trả nghĩa đồng đội, Golf Long Thành và cá nhân vợ chồng ông Lê Văn Kiểm đã nhận phụng dưỡng hàng chục Mẹ Việt Nam Anh hùng suốt đời, hỗ trợ cả nghìn tỷ đồng cho các quỹ khuyến học, chương trình mổ tim cho bệnh nhi; mang lại ánh sáng cho hàng chục nghìn người mù trên cả nước… Các dự án của Golf Long Thành cũng ưu tiên nhân sự là con em cựu chiến binh, người địa phương. Nhiều gia đình lam lũ trước đây nhờ vậy mà thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Gần nửa thế kỷ miệt mài làm việc, sáng tạo cùng đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhiễu điều phủ lấy giá gương, sẻ chia với đồng đội, số tiền mà vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm giúp đời, giúp người đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn mở rộng hoạt động từ thiện ra ngoài biên giới, sang các nước khác như Cuba, Lào, Campuchia, Nhật Bản... Năm 2019, vợ chồng ông Lê Văn Kiểm là những người Việt Nam duy nhất được Tạp chí Forbes vinh danh Anh hùng từ thiện châu Á - Thái Bình Dương. Cả hai ông bà xếp thứ 7 trong top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất.
Nhờ những đóng góp to lớn, doanh nhân Lê Văn Kiểm đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2008, 2020). Đặc biệt, ở lần thứ hai, bà Trần Cẩm Nhung cũng được trao tặng danh hiệu này cùng với chồng. Đảng, Nhà nước CHND Lào, Campuchia… cũng nhiều lần ghi nhận và trao tặng cho ông những huân chương cao quý. Tự hào, xúc động trước những vinh danh, nhưng ông vẫn muốn được gọi là "cựu chiến binh Lê Văn Kiểm" và tự nhận về mình trách nhiệm trả ơn đất nước, trả nghĩa cho đồng đội, nhân dân nhiều hơn nữa.
"Cả cuộc đời bình dị một chữ Nhân", đó là tên cuốn sách viết về gia đình Anh hùng Lao động - doanh nhân Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung, xuất bản năm 2010. Thời gian trôi qua, dù chưa có cơ hội cầm trên tay cuốn sách này, chúng tôi vẫn cảm nhận được những con người ấy đã sống trọn vẹn một chữ Nhân như thế nào. Chữ Nhân đó, cũng là tiền đề, là bệ đỡ vững chắc để nâng bước cho sự phát triển của Golf Long Thành và hệ sinh thái KN Investment Group hôm nay./.