Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại buổi thảo luận tổ về góp ý Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực, như: Chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân…
ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề nghị cân nhắc thời hạn thanh toán tiền thuê, mua nhà ở xã hội vì đối tượng được thuê nhà ở xã hội theo dự thảo Luật cơ bản là những đối tượng nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn... Việc quy định thời hạn tối thiểu là 5 năm sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội thay đổi nơi ở, quyền tự do cư trú của những đối tượng này do bị ràng buộc thời gian thuê, mua.
Tuy nhiên, về nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội được quy định tại Điều 85: "Thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở", bà Mẫn đề nghị cân nhắc thời hạn này vì đối tượng được thuê nhà ở xã hội tại Điều 73 của dự thảo Luật cơ bản là những đối tượng nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn...
Do đó, theo đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn nếu những đối tượng thuộc Điều 73 của dự thảo luật không còn nhu cầu/khả năng thuê mua nhà ở xã hội thì nên tạo điều kiện để họ có thể chấm dứt hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư; người thuê mua có thể chịu hình thức phạt hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khác cũng thuộc nhóm quy định tại Điều 73 được thuê mua lại nhà ở xã hội đó.
Ngoài ra, bà Cầm Thị Mẫn đề nghị nên điều chỉnh nội dung: "Trong thời gian 5 năm kể từ ngày mua, thuê mua, bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán…".
Theo ông Võ Mạnh Sơn, ĐBQH, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu có chế tài quy định rõ về trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp kinh phí để thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư.
Để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ông Võ Mạnh Sơn đề nghị sửa Khoản 6 Điều 73 của dự thảo Luật như sau: "Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân".
Đồng thời, đề nghị cần bổ sung quy định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội tại khoản 2 Điều 82 của dự thảo Luật…
Còn ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, Khoản 4, Điều 7: "Đối với khu vực đô thị, việc phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án, có các cơ cấu loại hình diện tích nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đối với các khu vực còn lại thì căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án. Tại khu vực nội thị thuộc đô thị loại đặc biệt; đô thị loại 1 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư". Tại khoản này, đề nghị thêm 1 ý "khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án" vào sau đoạn "Đối với các khu vực còn lại thì cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án; khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án ở khu vực nông thôn, đồng bằng, ven biển".
Quy định như vậy để tiết kiệm quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp, trong điều kiện nhà ở tăng cao, trong khi đất sản xuất càng thu hẹp ở khu vực nông thôn. Cùng với đó, phát triển nhà ở theo dự án để quản lý xây dựng theo quy hoạch, xây dựng nông thôn mới ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại hướng đến là đô thị.
Tại khoản này, dự thảo cũng quy định "Tại khu vực nội thị thuộc đô thị loại đặc biệt; đô thị loại 1 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư", đề nghị cần quy định "đối với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1, đô thị loại 2, thì chủ yếu phát triển nhà chung cư", chứ không phải chỉ khu vực nội thị của đô thị loại đặc biệt và loại 1 như dự thảo quy định, cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Khoản 4, Điều 14 "Trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở với người mua thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua nhận bàn giao nhà ở hoặc kể từ thời điểm bên mua thanh toán đủ tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư". Khoản này đề nghị bổ sung thêm ý "theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản".
Ông Lại Thế Nguyên cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ Khoản 4, Điều 37 để thực hiện đồng bộ và không bị chồng chéo với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, Luật Đầu tư… vì các luật này cũng đã có quy định trong đấu thầu hoặc đấu giá...
Còn ông Mai Văn Hải, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần giải thích rõ cụm từ "khu vực đô thị" và "khu vực nông thôn". Đồng thời, cần bổ sung quy định diện tích đất xen cư trong khu dân cư vào hình thức phát triển nhà ở theo dự án. Cần làm rõ việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp thì nguồn vốn từ đâu? Ngoài việc bán nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thì cần thêm hình thức là cho thuê. Đồng thời nên mở rộng đối tượng là các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo,… có như vậy sẽ giải quyết được sản phẩm sau khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Mai Văn Hải nhận định, hình thức phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo luật lần này quy định rất đa dạng: Nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng, do các doanh nghiệp HTX đầu tư, do các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… trong đó, có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, đối tượng được hưởng chính sách xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, cần làm rõ việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư thì nguồn vốn đầu tư ở đâu, nằm trong kế hoạch đầu tư công hay nguồn vốn hợp pháp nào? Bên cạnh đó, sau khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư và bán cho công nhân, cho thuê mua, đại biểu cho rằng nên mở rộng thêm hình thức "cho thuê" thì sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, ông Mai Văn Hải đề nghị, nên mở rộng đối tượng tiếp cận đến các gia đình chính sách, người thu nhập thấp, người nghèo, cận nghèo…
Đối với vấn đề đất để xây dựng nhà ở xã hội, hiện nay trong Điều 80 quy định, đối với khu vực nông thôn, UBND tỉnh căn cứ điều kiện địa phương để bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội. Ông Mai Văn Hải cho rằng, cần cân nhắc vấn đề này vì nhu cầu nhà ở xã hội đối với khu vực nông thôn không bức bách bằng khu vực thành phố, thị xã hay các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
Tại Khoản 1, Điều 91, quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân, quy định trong quá trình lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, UBND tỉnh phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân và các công trình dịch vụ tiện ích phục vụ người lao động. Nhưng trong Luật Đất đai (sửa đổi) thì không có quy định này. ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị giữa hai luật phải có sự đồng bộ, tương thích để tránh chồng chéo, khó triển khai trong thực tế.
Thảo luận về Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng, hiện nay trên địa bàn các tỉnh, bên cạnh các khu công nghiệp (KCN), còn có khu kinh tế (KKT) và có rất nhiều các cụm công nghiệp (CCN) đang thu hút số lượng lớn công nhân lao động. Do vậy, nếu trong dự thảo luật chỉ ưu tiên mình công nhân, người lao động ở các KCN mới được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là chưa bao quát hết các đối tượng khó khăn.
Về đối tượng công nhân, người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Khoản 6, Điều 73 quy định: "Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp" là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Ông Sơn phân tích thực tế, hiện nay trên địa bàn các tỉnh, bên cạnh các khu công nghiệp, còn có khu kinh tế và có rất nhiều các cụm công nghiệp đang thu hút số lượng lớn công nhân lao động.
Do vậy, nếu chỉ ưu tiên mình công nhân, người lao động ở các KCN là chưa bao quát hết các đối tượng khó khăn. Ngoài ra, trong khối lực lượng công nhân lao động có một số lực lượng công nhân lao động chất lượng cao, được hưởng mức lương, thu nhập cao, họ có đủ điều kiện để chăm lo cuộc sống cho bản thân và gia đình họ, đối tượng này chưa nhất thiết phải thực hiện chính sách hỗ trợ.
Để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu đề nghị sửa Khoản 6 thành: "Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân".
Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội được quy định tại Điều 80, ông Võ Mạnh Sơn nêu thực tế, hiện nay có nhiều địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Việc chưa thực hiện nghiêm việc bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, cần có chế tài cụ thể trong việc trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Việc dự thảo Luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội như Luật Nhà ở hiện hành là chưa phù hợp. Vì ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, nếu bỏ việc bố trí 20% quỹ đất, chỉ trích phần tiền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật xây dựng nhà ở xã hội thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước.
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân tại Khoản 3, Điều 81 và Khoản 3, Điều 89, ĐBQH Võ Mạnh Sơn đánh giá cao và thống nhất với việc dự thảo quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân./.