Handico 6 - “im lặng là vàng”
Dự án Green Diamond có tên đầy đủ là Tòa Chung cư thương mại Green Diamond thuộc Khu chung cư, nhà ở liền kế kết hợp kinh doanh (shophouse). Dự án đặt tại Thửa đất KS-E1, khu đô thị mới Vựng Đâng (phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Chủ đầu tư là Công Ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà Số 6 Hạ Long (công ty con của Handico 6).
Được biết, tổng diện tích dự án là 15,207 m2, gồm 24 nhà ở liền kế kết hợp kinh doanh thương mại (Shophouse); 42 nhà ở liền kề; 01 tòa Chung cư thương mại gồm 01 tầng hầm, 37 tầng nổi, 01 tum và hệ thống kỹ thuật đồng bộ, tiện ích bao gồm hệ thống đỗ xe thông minh tự động, bể bơi vô cực tràn bờ 4 mùa, sky bar, sky coffee...
Theo thông tin từ các sàn môi giới bất động sản, dự án Green Diamond Hạ Long đã mở bán từ tháng 7. Tính đến ngày 22/7, Green Diamond đã mở bán đến tầng 13, cho đến thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ các tầng của chung cư này đã được công khai mở bán rầm rộ.
Ngày 04/8, theo những khẳng định của ông Lê Xuân Trường - Trưởng phòng Tổ chức hành chính, đồng thời là đại diện cho Handico 6 thì phải đến tháng 11 năm 2020 dự án Green Diamond (địa chỉ tại Yết Kiêu, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) mới hoàn thiện thủ tục pháp lý và chính thức mở bán. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang được quảng cáo rầm rộ và công khai bởi nhiều sàn giao dịch bất động sản.
Theo đó, các thông tin chính thức về dự án Green Diamond của Handico 6 chỉ có trên hai website là www.handico6.com.vn và www.handicohalong.com, đồng thời chỉ có một trang facebook “chính chủ” của Handico 6 là “Dự án Green Diamond Hạ Long”, với số điện thoại hotline 0986.832.382.
Ngày 19/8, phóng viên đã liên hệ với số điện thoại được cung cấp trên, cũng là số điện thoại được đăng tải trên website chính thức của Handico 6 là www.handico6.com.vn, và được nhân viên trực hotline cho biết sẽ có nhân viên sales gọi điện để tư vấn chi tiết về dự án này.
Quả thật chỉ vài phút sau, PV đã nhận được cuộc gọi từ nhân viên sales tên D., tư vấn về việc dự án đã mở bán đến tầng 35, với giá trị căn hộ thấp nhất chỉ từ 1,2 tỷ đồng/căn. Đồng thời, CĐT cũng rất linh hoạt trong việc thanh toán, theo đó người mua căn hộ chỉ cần thanh toán trước 25% giá trị căn hộ khi ký hợp đồng mua bán, 75% còn lại sẽ thanh toán nốt khi bàn giao căn hộ. Đặc biệt, theo lời nhân viên này, các tầng 36 và 37 sẽ được xây dựng thành 14 căn Duplex cao cấp (căn hộ thông 2 tầng), đây là các căn “ngoại giao” nên rất khó mua.
Cũng trong ngày 19/8, PV đã liên hệ lại với ông Lê Xuân Trường, nhằm xác minh việc các sàn giao dịch đang tiếp tục mở bán dự án Green Diamond, liên quan đến việc trong cuộc gặp cách đây 2 tuần, ông Trường cho biết sẽ cho kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, vị đại diện của Handico 6 đã từ chối trả lời về vấn đề này.
Người mua nhà sẽ dễ gặp rủi ro
Thực tế, không ít các dự án chung cư được chủ đầu tư “chuyển giao” cho một hoặc nhiều sàn môi giới, kinh doanh bất động sản khác để tiến hành việc mua bán. Điều này nảy sinh vấn đề pháp lý khi mà các sàn môi giới thứ cấp không phải là người nắm giữ bất động sản, không có quyền mua bán nhưng lại cầm tiền của người mua bất động sản.
Việc các sàn môi giới thực hiện nhận cọc, nhận giữ chỗ trước khi dự án Green Diamond hoàn tất thủ tục pháp lý chắc chắn là sai. Khi có vấn đề pháp lý xảy ra, dựa theo các hợp đồng, văn bản thỏa thuận và quy định pháp luật, do không có con dấu của Handico 6 nên chịu trách nhiệm trước pháp luật sẽ phải là các sàn môi giới này.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 139/2017/ND-CP của Chính phủ, việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, mức phạt cao nhất đối là 300 triệu đồng. Có thể thấy, nếu so với lợi ích thu được từ việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong một dự án bất động sản quy mô lớn hàng trăm, ngàn tỷ đồng thì mức phạt này là quá thấp, nhiều nhà đầu tư cố tình làm trái quy định pháp luật, chấp nhận nộp phạt, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ thể khác.
Chủ thể khác tại đây bao gồm cả các sàn môi giới bất động sản và những khách hàng đã bỏ tiền ra để đầu tư vào các dự án này. Trong trường hợp dự án có vấn đề về tiến độ thi công, hay sản phẩm không đúng như cam kết, hợp đồng thì khách hàng “bấu víu” vào đâu để đòi lại quyền lợi? Một loạt các dự án chung cư được quảng bá “hoành tráng” và “cao cấp” trước khi hoàn thiện, nhưng sau khi bàn giao lại xảy ra tình trạng người dân căng băng rôn, phản đối các chính sách của CĐT là minh chứng rõ ràng.
Xét trên phương diện pháp lý, trường hợp khách hàng kiện CĐT hay sàn môi giới bất động sản ra tòa, thì toà án cũng chỉ có thể căn cứ trên cơ sở quy định pháp luật, hợp đồng, hồ sơ dự án, thiết kế cơ sở để thẩm tra lại xem ai sai gì, sai ở đâu và dựa vào luật, vào hợp đồng như các bên thoả thuận để xử lý. Kết quả giải quyết tại tòa sau đó có thể đúng pháp luật, thế nhưng lại khó đem lại sự thỏa mãn, hài lòng cho bộ phận khách hàng.
Qua các vụ việc thực tế, có thể thấy mục tiêu của nhiều CĐT thường là tăng thêm diện tích sàn, tăng số lượng căn hộ để bán được nhiều. Khi làm sai như vậy thì sai thiết kế, dẫn tới hệ quả là nếu dự án không được điều chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở thì không được nghiệm thu, không đủ điều kiện cấp sổ hồng cho các căn hộ...
Đầu tư vào một dự án hình thành trong tương lai, tuy nhiên chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý như Green Diamond Hạ Long là một rủi ro mà khách hàng phải chấp nhận gánh chịu khi có thiệt hại xảy ra. Bởi lẽ việc bỏ tiền ra là tự nguyện, nếu xảy ra việc CĐT sai thì người mua mới là người phải gánh chịu.