Aa

GS. Đặng Hùng Võ: Cấm phát triển condotel là lo xa, chưa cần thiết

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 12/12/2018 - 20:01

Mặc dù có nhiều nhận định về thị trường condotel với những rủi rõ pháp lý, thừa nguồn cung, giao dịch thấp, ế hàng song không thể phủ nhận condotel vẫn là sản phẩm nổi bật của thị trường các khu vực ven biển trên cả nước, trong đó Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đang là 3 địa bàn phát triển nóng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tại Việt Nam, tỷ lệ căn hộ condotel đang chiếm 56%, phòng khách sạn chỉ chiếm 44%. Đây là điều không bình thường, vì ở các nước khác, tỷ lệ phòng khách sạn bao giờ cũng cao hơn căn hộ condotel. Ngoài ra, hiện còn xuất hiện một dạng khác của căn hộ condotel là "căn hộ hometel" được chủ đầu tư cam kết có sổ đỏ và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài.

Nhưng điểm khác biệt mà chủ đầu tư công bố là người sở hữu căn hộ hometel được quyền sử dụng căn hộ để nghỉ dưỡng (như là căn nhà thứ 2), hoặc tự cho thuê và chỉ nộp phí quản lý theo thỏa thuận với chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng.

HoREA nhận định, thị trường condotel đang chững lại và đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Trước hết là hiệu quả kinh doanh, tính thanh khoản, thực hiện cam kết đảm bảo lợi nhuận và cấp sổ đỏ cho khách hàng. Thời gian qua, condotel và căn hộ cao cấp đã thu hút lượng lớn nguồn vốn của xã hội và tín dụng. Tiếp đó là, chủ đầu tư dự án condotel đã đạt được lợi nhuận rất lớn, do giá bán căn hộ condotel tương đương giá bán căn hộ trung cao cấp tại TP.HCM, trong lúc giá thành thấp và nghĩa vụ của doanh nghiệp nộp tiền thuê đất dự án vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, với loại hợp đồng mua bán căn hộ condotel có cam kết lợi nhuận, nhưng chưa thấy chủ đầu tư đề cập các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết trả lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp, cũng như chưa có thỏa thuận cụ thể về việc hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh căn hộ condotel sau khi hết hạn cam kết lợi nhuận.

Tại buổi Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến về chủ đề “Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng và Cơ hội đầu tư” do Reatimes tổ chức sáng ngày 11/12, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: "Nếu nhìn từ thị trường bất động sản 2017 sẽ thấy 2018 phát triển tốt hơn thì theo đó, năm 2019 cũng tốt hơn rất nhiều. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng tăng bao nhiêu cũng không đủ, không cần lo "bong bóng" hay thừa cung, dư địa còn rất nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm condotel, tôi cho rằng đó là lo xa, chưa cần thiết".

Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ông Võ cũng cho biết, về sử dụng đất đai có 2 vấn đề. Thứ nhất là sử dụng đất nông nghiệp có được dài lâu hay không. Thứ hai, bất động sản được sử dụng hỗn hợp như bất động sản văn phòng, căn hộ, cho thuê, nghỉ dưỡng... thì có chính sách như thế nào.

"Đúng là văn bản sửa luật mới đây không có từ nào về condotel, tôi cho rằng câu chuyện ở đây không phụ thuộc vào cái tên mà điều quan trọng là bất động sản hỗn hợp được sử dụng thế nào?", ông Võ nói.

Theo ông Võ, phân khúc nhà ở có chuyển động tốt nhưng cần sự điều chỉnh về mặt chính sách, hướng phát triển. Dự án như của Vingroup là yếu tố giải quyết rất tốt cho phân khúc nhà ở bình dân. Chính giải pháp của Vingroup là giải pháp tốt cho chính sách nhà ở, bởi trong bối cảnh nhà ở bình dân thiếu, nhà ở xã hội ế như hiện nay thì Vingroup đưa ra các sản phẩm nhà ở giá không thấp nhưng lại là giải pháp giãn khoảng cách trả để người dân có thêm điều kiện mua.

Hiện tượng nhà ở bình dân của Vingroup là điều các nhà làm chính sách cần lưu ý. Khả năng du nhập lao động kích thích thị trường bất động sản. Việc bán nhà ở cho người nước ngoài, theo tôi cũng phải có những chính sách thay đổi. Người nhiệt tình thì không dám vào, còn người dám lao vào thì chúng ta không chào đón.

Đồng thời, phải cân đối được được các sản phẩm mới là quan trọng. Vừa qua, sản phẩm cao cấp, siêu cao cấp tăng nhưng không phải kỳ vọng như Luật Nhà ở 2014. Theo đó, phân khúc nhà ở bình dân thực sự đang có nhiều triển vọng. 

Giáo sư Võ cho rằng, chúng ta cần kiểm lại xem Việt Nam có đủ điều kiện để các nước họ đến và lưu lại hay chưa? Khi ta không đủ điều kiện thì đương nhiên nhà đầu tư không vào Việt Nam. Bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại là yếu tố mới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có thể chính là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam. Điều chúng ta phải làm là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thay vì để họ đến Trung Quốc hay các nước khác. Đó là chuẩn bị đủ điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Triển vọng bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại là rất lớn.

Khi luồng vốn FDI dồn vào Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng kèm theo những thách thức. Nên chúng ta phải biết tận dụng cơ hội hay lại bỏ phí. Tôi không nói tín dụng là yếu nhưng phải nói tiền tiết kiệm trong dân không ai biết có bao nhiêu, nếu nguồn đó bỏ ra để mua bất động sản trong tương lai thì phải nói có rất nhiều tiềm năng.

Về tín dụng, tôi cho rằng vay tín dụng ở Việt Nam vẫn cao quá so với các nước. Tín dụng đương nhiên vẫn cần phải có nhưng mặt quản lý thì phải xem xét. Quản lý của ta còn yếu. Cơ chế thế chấp để vốn hóa bất động sản cũng có vấn đề. Giao dịch bất động sản trong tương lai dù có cơ chế bảo lãnh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Hai vấn đề này cần tính thực tiễn cao hơn để tránh rủi ro cho người dân.

Tôi cho rằng, chính sách đất đai thứ nhất là câu chuyện thời hạn về sử dụng bất động sản. Chính sách thứ hai là câu chuyện tiếp cận đất đai. Nhà nước thu hồi rồi đấu thầu hay không đấu thầu, đấu giá đất hiện này còn lủng củng. Làm thế để cơ chế giao dịch tự nguyện được thực hiện, nếu bây giờ vẫn còn bắt buộc bao nhiêu %. Bao nhiêu chung cư cũ giờ vẫn chưa cải tạo được do vẫn vướng bởi đồng thuận cư dân 100%. Cơ chế chuyển dịch đất đai cần được thay đổi, cụ thể là đồng thuận cộng đồng.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT HD Mon Holdings, nhận định: "Ở thị trường condotel, ví dụ thị trường ở Vân Đồn. Luật Đặc khu không được thông qua, chúng tôi cũng rất hụt hẫng nhưng không quá lo lắng. Do Vân Đồn vẫn có rất nhiều thuận lợi như cao tốc, sân bay, cảng, đặc biệt là cảnh quan rất đẹp, trong khi ở Hạ Long thực sự đã ngột ngạt. Chúng tôi cho rằng Vân Đồn là cô gái vẫn còn ngủ trong rừng và sẽ là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong thời gian tới".

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong một vài năm gần đây đã phát triển nhiều ở Việt Nam, đặc biệt tại các vùng biển vì có ưu thế thiên nhiên đẹp, khí hậu ôn hòa, có nóng có lạnh, con người thân thiện. Vì thế, trong những năm gần đây thị trường nghỉ dưỡng tăng nhanh. Hơn nữa, thu nhập của người dân cũng tăng cao hơn, không chỉ đảm bảo đời sống mà còn tạo cơ hội nghỉ dưỡng.

Ông Hà cho hay: "Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của nhiều phân khúc nghỉ dưỡng biển nhưng chưa đáp ứng được nguồn cầu và các khu du lịch biển tiềm năng còn nhiều chưa khai thác hết. Mặt khác, du lịch miền núi những năm gần đây cũng đang phát triển rất mạnh, như Sa Pa, vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên. Trong năm 2018, sản phẩm condotel tại một số thị trường có dấu hiệu bão hòa tại một số thị trường phát triển lâu đời như Nha Trang, Phú Quốc nhưng condotel lại mở ra ở các địa phương khác như miền núi phía Bắc...".

Theo đó, ông Hà cũng cho biết thêm, đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng cũng là một đầu tư tốt trong thời điểm hiện tại. Tuy vậy, cũng phải phụ thuộc vào các dự án như vị trí, khu vực, uy tín chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành của các bất động sản nghỉ dưỡng đó. Đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng cần nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư. Vấn đề pháp lý hiện nay vẫn còn nên ông Hà kiến nghị chính phủ cần nghiên cứu thêm để điều chỉnh trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top