Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá đang ngày càng hiếm. Trong khi đó, hiện nay, nhiều dự án có yếu tố tâm linh được phê duyệt xây dựng với diện tích lên đến hàng trăm héc-ta, nhưng lại đang thiếu quy hoạch cụ thể phân biệt rõ ràng đâu là đất dành cho mục đích tâm linh, đâu là đất dành cho du lịch và mục tiêu khác để quản lý việc sử dụng đất chặt chẽ và hiệu quả.
Dường như, đây cũng chính là các kẽ hở để nhiều cá nhân, doanh nghiệp lách luật, đầu tư tiền bạc xây dựng các công trình kinh doanh du lịch tâm linh. Thực tế, có không ít doanh nghiệp được giao dự án du lịch tâm linh, thì ngoài việc xây dựng các công trình tâm linh, còn được "ưu ái" giao các diện tích đất thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng, vui chơi…
Reatimes ghi lại góc nhìn của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường xung quanh câu chuyện này.
Câu chuyện giao hàng trăm héc-ta đất cho doanh nghiệp làm khu du lịch (gắn với nơi có chùa chiền, có yếu tố tâm linh) rồi vận hành, thu tiền của người dân cũng giống một trong những phát sinh mà trước đây chúng ta từng gặp phải. Đã từng có quy định đất nghĩa trang, nghĩa địa là đất không thu tiền, nhưng sau đó có những dự án bán đất nghĩa trang, nghĩa địa rất đắt, thậm chí giá còn đắt hơn cả giá đất cho người sống. Trước thực tế này, Luật Đất đai 2013 đã đề cập đến “đất cho người chết”, được giao với mục đích có kinh doanh dịch vụ.
Hiện nay, câu chuyện đất tôn giáo cũng tương tự như vậy. Về bản chất, cũng hình thành các công trình du lịch để khai thác kinh doanh. Chỉ có điều, doanh nghiệp dành một phần làm công trình tôn giáo, như một "vỏ bọc" cho kinh doanh du lịch, nhằm trục lợi.
Điều đó xuất phát từ việc chưa có quy định rõ ràng về đất đai cho các dự án có yếu tố tâm linh, khiến ngân sách Nhà nước bị thiệt hại.
Đầu tiên, có thể kể đến khu du lịch tâm linh Bái Đính (Ninh Bình) và Tam Chúc (Hà Nam). Bên cạnh đó, cũng có những đề xuất mở rộng quy hoạch xây dựng tổ hợp chùa Hương (Hà Nội) để “hoành tráng” hơn.
Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã khai thác kinh doanh du lịch dưới lớp vỏ bọc tôn giáo. Đây là một thực tế cần nhìn nhận, không thể “lợi dụng” tôn giáo để kinh doanh và “lợi dụng” chính sách đất đai rất cởi mở đối với tôn giáo để sử dụng đất vào mục đích kinh doanh mà không phải chịu tiền sử dụng đất.
Về nguyên tắc, giao đất đối với tôn giáo không thu tiền vì mục đích sử dụng để phục vụ công cộng. Thế nhưng, khi những mảnh đất này phục vụ cho mục đích kinh doanh du lịch thì chắc chắn câu chuyện không còn đơn giản.
Trong Luật Đất đai, đất tôn giáo cũng là một vấn đề nhạy cảm. Theo quy định trong luật, khi có nhu cầu của cộng đồng thì được phát triển các công trình tôn giáo, sau khi khảo sát, lấy ý kiến của cộng đồng, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội…
Tuy nhiên, câu chuyện vừa qua ở Bái Đính hay Tam Chúc, việc giao đất tôn giáo cho một doanh nghiệp dưới dạng dự án du lịch gắn với tâm linh, về bản chất không đúng với pháp luật hiện nay. Nhu cầu tôn tạo hoặc xây dựng một công trình tôn giáo phải xuất phát từ nguyện vọng của cộng đồng người dân địa phương, chứ không phải nguyện vọng của một doanh nghiệp. Đây cũng là một nguyên nhân khiến chính quyền địa phương có những quyết định giao đất dẫn đến sai phạm.
Các công trình kiến trúc có yếu tố tâm linh như nhà thờ ở phương Tây hay chùa chiền ở phương Đông luôn thu hút du khách và có ý nghĩa rất lớn cho phát triển du lịch. Từ đó, cần chú trọng nghiên cứu để phát huy giá trị của các di sản; đồng thời, xây dựng các công trình mới mang tinh thần tôn giáo. Nhưng, việc phát triển các công trình tôn giáo khi chỉ căn cứ vào nhu cầu của cộng đồng liệu đã thực sự phù hợp với thực tế xã hội, hay cần xét đến nhu cầu của doanh nghiệp?
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đề xuất làm dự án tôn giáo, nghĩa là đã có yếu tố kinh doanh. Do đó, phải tính tiền thuê, sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Hiện nay, trong Luật Đất đai chưa có khái niệm, định nghĩa về dự án tâm linh. Thực tế, các cơ sở tôn giáo được quyền mở rộng hoặc hình thành một cơ sở mới dựa trên nhu cầu của cộng đồng. Tuy nhiên, ngay từ lúc đầu, tên gọi dự án phải được xác định rõ ràng là du lịch hay tâm linh. Như vậy, trong khu du lịch, doanh nghiệp có thể xây dựng công trình tôn giáo, nhưng công trình đó phải trả tiền thuê đất, vì mục đích chính là phục vụ phát triển du lịch.
Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Đất đai tới đây, cần xem xét đến trường hợp trên. Chúng ta cũng nên suy nghĩ đến việc xây dựng các thể chế, chính sách về văn hóa, cần có quy định rõ ràng trong luật về phát triển các công trình tôn giáo một cách cụ thể, chi tiết hơn.
Trước những băn khoăn trong việc giao đất ở các dự án liên quan đến công trình tôn giáo mà dư luận đề cập thời gian gần đây, cơ quan Nhà nước cần khẩn trương làm rõ và công khai trước dư luận. Nếu có sai phạm thì xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Trường hợp dự án được giao đất chưa xây dựng thì phải thu hồi đất, chấm dứt việc giao đất cho doanh nghiệp làm khu du lịch gắn với yếu tố tâm linh. Trong đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc này.
Tóm lại, việc mập mờ trong quá trình giao đất, dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng phát triển công trình tôn giáo nhằm trục lợi, có nguyên nhân quan trọng do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán làm không đến nơi đến chốn, nhất là công tác kiểm tra không tốt./.