Aa

GS. Đặng Hùng Võ: Sốt đất ảo do "cán bộ quản lý tham gia đầu tư lướt sóng, người dân bị kéo theo"

Thứ Ba, 19/06/2018 - 02:00

Theo GS. Đặng Hùng Võ, yếu tố "đặc khu" không ảnh hưởng tới sự đầu tư chính quy của thị trường bất động sản Phú Quốc, chỉ có đầu tư lướt sóng mới bị ảnh hưởng.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. Ảnh: Enternews

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. Ảnh: Enternews

"Sốt đất ở Phú Quốc chắc chắn có yếu tố ảo"

Lý giải thực trạng sốt đất tại thị trường bất động sản Phú Quốc trong thời gian vừa qua, tại buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản Kiên Giang có gì mới?” do UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức, ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ khi Nhà nước có sự quan tâm đầu tư mạnh vào huyện đảo Phú Quốc, các nhà đầu tư, đầu cơ với mục tiêu “đi trước đón đầu” để kiếm lời, dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo.

Cũng chính vì vậy, theo ông Lộc, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai tại Phú Quốc đã diễn biến rất phức tạp. Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm lấn chiếm đất rừng, khuyến cáo người dân về các giao dịch đất đai bất hợp pháp.

Tuy nhiên, tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất rừng dẫn đang diễn ra, các giao dịch về quyền sử dụng đất kể cả chính thức hoặc không chính thức ngày một tăng cao.

Việc này khiến Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai, các tổ chức công chứng tại Phú Quốc trở nên quá tải với số lượng giao dịch về quyền sử dụng đất tăng cao, năm 2017, với 7.690 hồ sơ giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 634,14 ha. Trong khi đó, quý I/2018, đã phát sinh 4.578 hồ sơ giao dịch, tăng hơn 200% so với cùng kỳ, với diện tích 361,39 ha, tăng gấp đôi.

Người nhận chuyển nhượng phần lớn là người dân có hộ khẩu từ Hà Nội, TP. HCM và một số thành phố lớn khác, ông Lộc cho hay.

Bên cạnh đó, cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua hình thức ủy quyền; mua, bán đất trái quy định pháp luật tại Phú Quốc còn diễn ra đối với đất rừng, đất chưa được cấp giấy chứng nhận, đất không rõ nguồn gốc thông qua giấy tay, tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm cho người mua.

Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho rằng, chuyện sốt đất là bình thường khi hạ tầng phát triển, tuy nhiên, nếu sốt ảo lại là điều đáng lo.

Cơn sốt đất tại Phú Quốc chắc chắn có yếu tố ảo, trong đó cán bộ quản lý tham gia vào đầu tư lướt sóng, người dân bị kéo theo, cũng là yếu tố khiến giá đất sốt ảo. Theo ông Võ, cần công khai thông tin quy hoạch lên một trang điện tử, việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, quyết định dự án sẽ giúp ngăn chặn sốt ảo.

Ngoài ra, tại thời điểm sốt ảo, có thể áp dụng mức thuế cao đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản trong thời gian ngắn. Tuy nhiên một mình tỉnh Kiên Giang không thể áp dụng sắc thuế này mà cần có quy định chung trên cả nước.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân về "lướt sóng", cũng như về pháp lý bất động sản, ông Võ đề xuất.

Lùi thông qua đặc khu chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư lướt sóng

Liên quan đến tác động của việc Quốc hội vừa quyết định lùi thời gian xem xét thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt đến thị trường bất động sản, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, yếu tố "đặc khu" không ảnh hưởng tới sự đầu tư chính quy của thị trường bất động sản, chỉ có đầu tư lướt sóng mới bị ảnh hưởng.

Theo ông Võ, sự phát triển bất động sản tại ba vị trí dự kiến làm đặc khu phụ thuộc vào chính ví trị địa kinh tế thuận lợi tại các địa điểm đó. Do đó, cơ hội phát triển cho Phú Quốc nhờ vị trí địa kinh tế rất cao.

Kiên Giang có bờ biển nằm ở Vịnh Thái Lan, thay vì Biển Đông như các tỉnh thành khác. Đây là điều quý giá và khác biệt của môi trường biển tại đây. Đoạn biển từ Rạch Giá tới Hà Tiên đổ ra Phú Quốc là vị trí chiến lược để phát triển bất động sản du lịch.

"Kiên Giang phải bắt đầu phát triển bất động sản từ du lịch. Điều này vừa đảm bảo tính riêng biệt và hấp dẫn cho tỉnh này", ông Võ nói. Để phát triển tại Phú Quốc, đầu tiên, tỉnh Kiên Giang cần kêu gọi đầu tư hạ tầng từ các tập đoàn lớn, sau đó sẽ lôi kéo được các nhà đầu tư dịch vụ, sản xuất khác.

Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc CEO Group cũng cho rằng, bất động sản du lịch là yếu tố then chốt thúc đẩy du lịch Phú Quốc.

Theo ông Đức, Phú Quốc có đầy đủ tiềm năng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Cụ thể, điều kiện hạ tầng đã sẵn sàng bao gồm: cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế An Thới, tuyến cáp điện ngầm xuyên biển, trục giao thông Bắc - Nam đảo và tuyến đường biển đã hoàn thiện. Số liệu từ Sở Du lịch Kiên Giang, tổng lượt khách đến Phú Quốc năm 2017 đã tăng gấp 9,4 lần so với năm 2012; riêng khách quốc tế cao hơn gấp 3,4 lần.

Phú Quốc cũng là điểm du lịch có lượng phòng lưu trú cao cấp lớn nhất Việt Nam, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 10.000 phòng lưu trú cao cấp, phục vụ từ 2-2,4 triệu khách du lịch hàng năm.

Với những điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển du lịch, ông Đức cho rằng bất động sản du lịch là yếu tố then chốt thúc đẩy du lịch của Phú Quốc. "Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là hạt nhân của 'hệ sinh thái' dịch vụ giải trí, giao thương quốc tế".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top