Phát biểu tại hội thảo "Kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ với khu vực FDI: Cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp", GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE) cho biết, bây giờ hay không bao giờ là thời cơ để Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo GS. Mại, tính đến ngày 20/8, ước tính vốn FDI thực hiện đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018. trong đó có 2.406 dự án mới, tăng 25,4% số dự án với vốn đăng ký 9,13% tỷ USD, bằng 67,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài, GS. Mại cho biết, xu hướng dịch chuyển không phải là mới mà từ cách đây hơn 10 năm khi các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc họ luôn chọn một nước thứ 3 để dịch chuyển nhà máy.
Tuy vậy, Trung Quốc là thị trường 1,4 tỷ dân, tăng trưởng 8 - 9%/năm và là công xưởng của thế giới nên không có nhiều đối thủ trong thu hút FDI.
Trong bối cảnh hiện nay, do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 28/8/2019 đã hoàn thiện thể chể, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội,...
Đồng thời, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.
"Vấn đề quan trọng là chất lượng và hiệu quả thu hút FDI như trình độ công nghiệp, tỷ lệ nội địa hoá, lao động qua đào tạo là những vẫn đề hiện đã có phương án thực hiện, có nhiều mô hình thành công, nhất là doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam liên kết theo chuỗi giá trị", GS. Mại nhấn mạnh.
Đồng thời, GS. Mại đề xuất, để bảo đảm các mục tiêu chất lượng được thực hiện nhanh thì cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư theo hướng gắn với kết quả chứ không chỉ dựa vào quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
"Các cơ quan nhà nước phải hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI để phát hiện các tình huống vi phạm pháp luật, chỉnh đốn và xử lý kịp thời nhằm bảo đảm đúng cam kết của các nhà đầu tư", GS. Nguyễn Mại nói.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Tiến - Đại diện Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho hay, khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, họ cũng đến theo các nhà cung ứng của họ. Điều này dẫn đến, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp FDI vẫn còn rất thấp.
Tuy nhiên, theo ông Tiến việc doanh nghiệp FDI đi tìm các nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ nội địa cũng không phải là dễ. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Toyota,.. họ cũng phải tự xây dựng các bảng chấm điểm các nhà cung cấp và đưa ra các yêu cầu cụ thể để tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam.
Được biết, hội thảo này là một trong các chương trình của triển lãm quốc tế về công nghiệp ô tô, xe máy, xe điện và công nghiệp hỗ trợ (Autotech 2019) diễn ra từ ngày 4/9 đến ngày 7/9.
Đây là một dự án thuộc "Chương trình Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ năm 2019" với tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 83,7% trong các lĩnh vực ô tô, xe máy, công nghiệp hỗ trợ và tự động hoá.