Thích thì mua
Hầu hết những người mua căn nhà đầu tiên đều khó tránh khỏi những sai lầm, kể cả những người đã tham khảo kinh nghiệm của người đi trước. Nhưng đặc biệt những người không “kỹ tính” sẽ phải trả giá cho việc mua nhà kiểu “thích thì mua”.
Mua nhà lần đầu khiến nhiều người trẻ bỡ ngỡ tới mức hạ thấp chuẩn sống. Chị Mai Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) do quá háo hức ra ở riêng, tự sắp đặt tổ ấm cho riêng, không bị nhà chồng kiểm soát mà đi mua nhà một cách rất “hồn nhiên”. Đang sống bí bách trên căn phòng tầng 3 chật chội nhà bố mẹ chồng, giờ được hai bên cho một số tiền mua nhà cộng với tiền hai vợ chồng gom nên mới tới xem nhà mẫu thấy ưng thiết kế thoáng rộng thoáng, chị Liên đã đặt cọc tiền, “quên” tìm hiểu kỹ về hạ tầng. Tới khi gần tới ngày lấy căn hộ hoàn thiện, chị Liên mới "bấn loạn" vì chung cư chẳng có gì ngoài một tòa nhà chòng chọc, chợ búa, trường học cho con đều bất tiện.
Cũng vì chưa bỏ công nghiên cứu về nhà chung cư và ham suất ngoại giao, nghe theo lời bà cô họ, vợ chồng chị Thu Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mua một căn hộ trong dự án trên đường Tố Hữu. Tuy nhiên, bà cô họ của chị Nga chỉ quan tâm tới sự rẻ của dự án và chủ đầu tư là một bộ to mà không tính tới các tiện ích khác. Mang tiếng ở chung cư mà con chị không có khoảng sân chơi, phải tận dụng hành lang các tầng để nô đùa sau giờ học. Thế nhưng lũ trẻ chơi ồn ào thì bị hàng xóm nói còn trượt patin hay đi xe scooter ở hành lang thì bị bảo vệ đuổi vì sợ xước gạch. Trong khi chỉ bên kia đường, một dự án khác giá còn “mềm” hơn, không phải mất tiền ngoại giao mà có trường học, sân chơi rộng rãi toàn đồ chơi đạt chuẩn an toàn cho trẻ con như công viên.
Bỏ cả trăm triệu để mua “một tờ giấy”
Ham rẻ có vẻ như là tâm lý chung của không ít người tiêu dùng Việt Nam. Đôi khi sự ham rẻ này không chỉ dừng lại ở mặt hàng tiêu dùng mà thậm chí nhiều người còn mang tâm lý này đi mua nhà, một tài sản của cả đời người.
Cách chỉ khoảng 2 năm, khi phân khúc nhà giá rẻ vẫn còn quá khan hiếm đã có những câu chuyện người dân bất chấp rủi ro mà bỏ cả trăm triệu mua một tờ giấy chỉ đơn thuần ghi vài dòng về thông tin căn hộ trong một dự án. Đó chỉ là tiền chênh trả cho “cò” để có thể suất mua căn hộ chứ chưa nói tới việc đóng tiền cho chủ đầu tư. Câu chuyện bỏ cả trăm triệu để nhận một tờ giấy không có mấy giá trị pháp lý đúng là “mông lung như một trò đùa”. Thế nên mới có cảnh, nhiều người mếu máo khi mua nhầm tầng không được cấp phép do chủ đầu tư tự ý xây lên.
Tâm lý mua bất chấp chỉ cần có cái nhà của mình, không phải bỏ tiền ra thuê hàng tháng thực sự rất nặng nề với nhiều người Việt Nam. Anh Nguyễn Hùng Anh (30 tuổi, nhân viên truyền thông) từng bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua một căn hộ chung cư trên đường Lương Thế Vinh dù thời điểm đó, anh biết rằng dự án này còn vướng mắc về thuế. Tuy nhiên với "niềm tin bất diệt" vào việc sẽ “có cửa” để giải quyết được giấy tờ, sổ hồng nên anh vẫn đặt tiền. Chỉ tới khi phải chạy ngược xuôi, nhờ đủ các nơi để làm thủ tục vay nốt tiền ngân hàng thì anh mới thực sự thấm. Không chỉ mất khá tiền mà còn tốn cả vài tháng, anh mới có thể được đường hoàng sở hữu căn hộ mình bỏ bao tiền ra mua. Bạn của anh Hùng Anh cảm thương cho cảnh bạn mình bỏ tiền mua nhà mà khổ hơn cả đi xin.
Thực sự tâm lý “dùng tiền bôi trơn” đôi khi khiến mọi người làm liều trong khi có thể có sự lựa chọn khác. Anh Nguyễn Duy Nghĩa (35 tuổi, kinh doanh tự do) đã quyết định mua một căn hộ xây “cơi nới” giấy phép ở tầng dịch vụ của một dự án chung cư và chấp nhận những vấn đề rủi ro pháp lý vì anh tin món đầu tư này chắc chắn có lãi. Tuy nhiên tới lúc “lách luật” anh mới thấy quá mệt mỏi.
Tới mua mớ rau, con cá, chúng ta còn phải nâng lên đặt xuống xem xét độ tươi, độ sạch thì mua nhà còn phải chọn lựa khó tính hơn nhiều lần. Sự dễ dãi và thiếu hiểu biết khi mua nhà có thể khiến bạn "tiền mất tật mang".