Aa

Hà Đông: Chính người dân đã tự làm mất lối đi bộ của mình ra sao?

Thứ Sáu, 31/07/2020 - 18:50

Từ 19h00 đến nửa đêm, không chỉ vỉa hè mà cả lòng đường phố Lê Lai cũng bị chiếm dụng để làm quán xá, nơi đỗ xe phục vụ các thực khách. Còn người dân sống tại đây chỉ đành biết "chấp nhận".

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thanh phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó, chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Nở rộ kinh doanh hàng quán những đêm hè

Cứ đến tối, xung quanh khu vực chợ Hà Đông, tại những con đường như Lê Lai, Đinh Tiên Hoàng; khu vực quanh Hyundai Hillsmall; quanh Melinh Plaza Hà Đông các quán xá, nhà hàng nơi đây đều lấn chiếm vỉa hè làm nơi bày bàn ghế cho thực khách và lòng đường làm nơi đỗ xe... 

Vỉa hè dưới chân tòa nhà Xuân Mai (Hà Đông) vốn là điểm đến quen thuộc của nhiều thanh niên

Anh Lê Văn Vũ (địa chỉ Tô Hiệu, Hà Đông) cho biết: “Công việc của mình ngồi văn phòng là chủ yếu, hết giờ làm thì cũng chỉ về nhà. Mình chưa vợ con gì, thế nên buổi tối thường ra khỏi nhà, cùng bạn bè làm vài cốc bia hoặc đơn giản chỉ là trà tranh vỉa hè, chi phí cũng chẳng mất nhiều. Nay thì bọn mình ngồi đây, mai lại ngồi chỗ khác, miễn là gần nhà với thoải mái là được.”

Cùng chung tâm lý với anh Vũ, rất nhiều người trẻ tại Hà Đông tìm đến hàng, quán vỉa hè tại đây để tụ họp buổi tối. Đa phần họ không mấy quan tâm đến việc vỉa hè có bị lấn chiếm hay không, mà chỉ muốn tìm được một chỗ vừa có đồ ăn, đồ uống và đem lại cảm giác thoải mái. Họ vô tư ngồi trò chuyện, ăn uống và xả rác xuống vỉa hè vì luôn cho rằng chủ quán sẽ dọn.

Việc lấn chiếm vỉa hè để mở hàng, quán không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, mà còn đặt ra vấn đề về mỹ quan đô thị và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại phố Lê Lai (quận Hà Đông) dù chỉ là con phố nhỏ dài 500m, nhưng cứ tối đến là cả con phố gần như bị chiếm dụng hết một nửa diện tích lòng đường để làm nơi đỗ xe phục vụ các thực khách. Con phố này vốn nổi tiếng như một “phố ẩm thực” nhỏ của Hà Đông, khi tụ hội đầy đủ từ quán bia đến các tiệm trà chanh, trà sữa, đồ ăn vặt. Cũng vì lẽ đó, mà hầu như đêm nào phố Lê Lai cũng vô cùng tấp nập.

Phố Lê Lai đã nhỏ hẹp, nhưng cũng rất nhiều thực khách tới đây, lấn chiếm lòng đường làm nơi đỗ xe

Cách đó không xa, quanh khu vực Melinh Plaza Hà Đông là hàng loạt các quán xá tự phát bán trà đá, trà chanh, nước giải khát mọc lên, sử dụng vỉa hè làm nơi bày bán và lòng đường làm nơi đỗ xe. Những trảng cỏ công cộng cũng được các quán xá tận dụng, rải chiếu cho khách ngồi ăn uống và vô tư xả rác xuống cỏ. Các quán xá nơi đây thực chất chỉ là các xe đẩy mang sẵn nguyên liệu pha chế và bàn ghế, thậm chí còn chẳng có một mái che trên đầu.

Vỉa hè, lòng đường quanh Hyundai Hillsmalls Hà Đông cũng bị lấn chiếm không thương tiếc

Không khó để nhận thấy, thức ăn đường phố ẩn chứa nhiều mối nguy do nguyên liệu tươi sống dễ bị nhiễm vi sinh, đặc biệt người bán thường mua loại kém chất lượng để có giá rẻ, lãi nhiều hơn. Khách hàng ngồi tại đây cũng không phải không biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng dịch vụ ăn, uống, thế nhưng họ lại cố ý phớt lờ, “nhắm mắt cho qua”.

Dù biết là ăn uống tại đây thì không đảm bảo, nhưng mình thấy chưa có vấn đề gì cả. Với lại đồ ăn đã rẻ thì đành phải chất nhận việc nó không đảm bảo an toàn thôi”, anh Vũ cười nói.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường trực

Phần lớn quán xá vỉa hè cũng không có đầy đủ tủ bảo quản, thức ăn không được che đậy, các loại nguyên liệu pha chế hay thực phẩm đa phần không rõ nguồn gốc, quá trình sơ chế qua loa, khâu vệ sinh dụng cụ tạm bợ... từ lâu đã bị lên án, phản ánh rất nhiều. Không những thế, nhiều quán xá bày bán đồ ăn uống gần với cống rãnh hoặc điểm tập trung rác để tiện đổ rác thải... cũng dễ khiến đồ ăn, thức uống dễ bị nhiễm khuẩn.

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người. “Một trong những nguy cơ gây ngộ độc là việc sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Người dân vô tư ngồi ăn uống, xả rác tại thảm cỏ Melinh Plaza Hà Đông

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ, các quán hàng vỉa hè không có tủ bảo quản, thức ăn được bày “lộ thiên”, gần cống rãnh..., nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay càng khiến đồ ăn, thức uống nhanh bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, các quán ăn vỉa hè có nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm, trong khi các món đồ nướng như: Chân gà, nội tạng... đòi hỏi phải sơ chế thật sạch, nếu làm qua loa, những loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tả, thương hàn...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Trần Văn Chung cho rằng, để xử lý dứt điểm vi phạm kể trên lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh thức ăn đường phố; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Ai đảm bảo ATVSTP trong các nguyên liệu, đồ ăn vặt tại các quán xá vỉa hè?

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình, hãy nói “không” với thực phẩm không an toàn. Mặt khác, khi phát hiện cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý”, ông Trần Văn Chung khuyến cáo.

Xử phạt nặng khi không đảm bảo ATVSTP

Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:

1. Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng ban đầu nhỏ lẻ. Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Khoản 8 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ – CP)

2. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

3. Sơ chế nhỏ lẻ. Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ là cơ sở sơ chế thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

4. Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.

5. Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

6. Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

7. Nhà hàng trong khách sạn;

8. Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

9. Kinh doanh thức ăn đường phố;

10. Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP),

Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Có thể thấy rằng vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà nước đặc biệt chú trọng, đồng thời không chỉ các nhà hàng lớn mà cả các hàng, quán tự phát cũng phải đảm bảo việc có đầy đủ giấy tờ pháp lý, chứng minh địa điểm kinh doanh của mình đảm bảo an toàn cho thực khách.

Chỉ trong một đêm, một nhà hàng có thể phục vụ đến vài trăm thực khách

Việc không thể đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm hay không có giấy chứng nhận sẽ bị phạt nặng. Cụ thể, Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ - CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật.

Bên cạnh vấn đề VSATTP đáng lưu tâm, thì tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có nhiều diễn biến mới phức tạp.  Người dân cần cẩn trọng, luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó, tiếp tục tinh thần tự giác, chung tay đẩy lùi dịch bệnh như đã làm tốt trong thời gian qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top