Để triển khai giải ngân các nguồn vốn, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành 31 văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/12/2024, tổng số vốn đã giải ngân đạt 4.369,9 tỷ đồng, tương đương 74,3% kế hoạch năm. Đáng chú ý, mức giải ngân này cao hơn bình quân chung cả nước 3,17%, cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của tỉnh. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư, phấn đấu đến 31.1.2025, khi các dự án hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện thanh toán, tỷ lệ giải ngân đầu tư của tỉnh có thể đạt 95%.
Trong số các nguồn vốn, kế hoạch vốn kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024 đã được giải ngân 443,8 tỷ đồng, đạt 75,8% kế hoạch. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), kết quả giải ngân cũng rất khả quan: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 75,3%; chương trình giảm nghèo bền vững đạt 85,1% và chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt 45,9%.
Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, tỉnh ta đã phát động phong trào thi đua “60 ngày đêm đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư và hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia”. Các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai, thực hiện với tinh thần nói đi đôi với làm; cam kết thì phải hành động, hành động phải đạt kết quả, chủ động làm việc với các nhà thầu để triển khai thực hiện các công trình, dự án theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ: “5 quyết tâm”; “5 đảm bảo” trong tổ chức thực hiện với phương châm “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Qua 60 ngày đêm thực hiện quyết liệt, toàn tỉnh đã giải ngân được 521,1 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng kế hoạch vốn. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao bao gồm huyện Quang Bình 113 tỷ đồng, huyện Đồng Văn 108 tỷ đồng; huyện Xín Mần 107 tỷ đồng; Sở Giao thông Vận tải 87,39 tỷ đồng; Sở Kế hoạch và Đầu tư 26,3 tỷ đồng và Sở Y tế 14 tỷ đồng...
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng quá trình giải ngân các nguồn vốn của tỉnh ta vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Một trong những vấn đề đáng chú ý, là tỉnh miền núi, biên giới với địa hình phức tạp, tỉnh ta thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, gây sạt lở đất; nhu cầu đất san lấp và vật liệu xây dựng tăng cao trong khi nguồn cung không đáp ứng được do các quy định nghiêm ngặt của Luật Khoáng sản năm 2010. Quy trình cấp phép khai thác khoáng sản phức tạp, kéo dài khiến các nhà thầu gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vật liệu, điều này đã dẫn đến việc nhiều dự án bị chậm tiến độ. Một số dự án gặp khó khăn trong việc bố trí khu tái định cư và giải quyết quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng. Thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập; quy trình từ lập dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, đến giải ngân vốn phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật khác nhau, tạo ra sự chồng chéo và kéo dài thời gian thực hiện...
Để khắc phục những khó khăn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên, công tác giải phóng mặt bằng phải được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhân dân. Sự minh bạch trong bồi thường và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực sẽ giúp tăng cường niềm tin của người dân và đẩy nhanh tiến độ các dự án. Về nguồn nguyên vật liệu, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, các địa phương để tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quy trình cấp phép khai thác khoáng sản.
Tại các buổi làm việc với sở, ngành, địa phương, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện phải xác định giải ngân vốn đầu tư công, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong phát triển KT-XH để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phân công công việc phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, trách nhiệm, rõ kết quả. Đặc biệt, Quyền Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng biểu đồ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn 3 Chương trình MTQG theo từng tuần để giám sát, thực hiện hiệu quả.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cao hơn mức bình quân chung của cả nước đối với một địa phương có điều kiện khó khăn như tỉnh ta là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Qua đó tỉnh ta kỳ vọng trong năm 2025 sẽ thành công hơn nữa trong công tác đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.