Bởi trong tâm cảm của tôi, cách ứng xử của đồng bào vùng cao luôn cực kỳ dễ thương, mộc mạc, chân thật và sống rất nhân hậu.
Vậy mà tại sao giờ này lại vội vã đề xuất một biện pháp có phần tàn nhẫn như vậy, trong khi hoàn toàn có thể đề xuất những giải pháp khác khôn ngoan hơn, nhân đạo hơn, với tầm nhìn dài hơn cho điểm dừng chân quý giá này.
Các bạn (vâng, tôi xin phép được gọi những công chức liên quan ở tỉnh Hà Giang như vậy) có bao giờ nghĩ rằng, để cho công trình hiện hữu đến ngày hôm nay là có sự tiếp tay của các bạn không? Nó được xây dựng trước mắt các bạn cả năm trời. Nếu thấy sai, các bạn phải khuyên ngăn nó chứ, phải ra lệnh đình chỉ nó chứ? Đấy là trách nhiệm của các bạn nhưng các bạn đã không làm. Nay tất cả những lỗi lầm ấy, các bạn hồn nhiên đổ hết lên đầu người dân bằng một văn bản lạnh lẽo, liệu có nên chăng, có trái với một giá trị văn hóa cực kỳ quý báu của bà con vùng cao là nhân hậu và chân thật không?
Các bạn đã nghiên cứu kỹ các văn bản pháp lý để rồi sau đó ra những quyết định trừng phạt khiến người dân tâm phục khẩu phục chưa? Theo Luật Xây dựng thì những “công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt” sẽ không phải xin giấy phép xây dựng. Vậy, mảnh đất được xây ngôi nhà 7 tầng kia (thú thật với các bạn, tôi lại nghĩ nó là 7 ngôi nhà một tầng vì tầng nào cũng có một nửa là gắn liền với đất) có phải là ở vùng nông thôn không hoặc đã là nơi đã có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt?
Theo Cục Di sản văn hóa, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng. Tại điều 32, Luật Di sản văn hóa: “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL”. Vậy một khi tòa nhà kia “nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II” thì sẽ áp dụng như thế nào cho thỏa đáng?
Như vậy, cả về tình và lý, còn có rất nhiều điều cần cân nhắc, cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, các nhà phân tích và các cơ quan quản lý cấp trên. Thế mà nay các bạn đã ra một văn bản như thế, thông báo một sự trừng phạt hà khắc như thế, liệu có vội vã quá chăng?
Tôi xin cảnh báo với các bạn về hậu quả một khi 6 tầng của tòa nhà này bị phá đi, để rồi sau đó “cải tạo thành đất trồng cây xanh” như các bạn mong muốn. Các bạn có thể điều động lực lượng thanh tra xây dựng, rồi công an, rồi nhân công, máy ủi… để thực hiện sự trừng phạt.
Một cảnh tan hoang đẫm nước mắt của chủ đầu tư sẽ hiện ra. Rồi sao nữa? Các bạn làm thế nào để dọn dẹp đống rác xây dựng khổng lồ kia rồi sau đó cải tạo đất trồng cây xanh một khi chủ của mảnh đất ấy không đồng ý? Mà cái cảnh tan hoang như trong chiến tranh ấy ngay trên đỉnh Mã Pì Lèng sẽ không hề đẹp hơn hiện nay chút nào, nhất là với du khách nước ngoài, đúng không các bạn?
Tiếp nữa, sau vụ việc này, liệu các bạn còn đủ can đảm để hô hào “trải thảm đỏ” mời các nhà đầu tư đến với Hà Giang nữa không? Một cách ứng xử theo kiểu chối bỏ trách nhiệm quản lý, dồn hết lỗi lầm vào nhà đầu tư thì tôi tin rằng, không những các nhà đầu tư tương lai mà cả những nhà đầu tư hiện tại của Hà Giang cũng nản lòng, thui chột ý chí cùng Hà Giang phát triển.
Mới đây, khi trao đổi với Zing.vn, giáo sư Guy Martini của UNESCO cho biết: “Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trong vài năm vừa qua có lượng tăng đáng kể du khách và cần sự phát triển bền vững ở khu vực này, khi phần lớn dân cư ở đây là dân nghèo. Lượng du khách tăng đặc biệt cao ở tuyến đường Mã Pì Lèng.
Chúng tôi đã thấy những cảnh rất nguy hiểm ở đây khi dân địa phương và du khách dừng đỗ xe hơi/xe máy ngay giữa đường, du khách đi bộ rất nguy hiểm trên đường.
Vì những lý do này và sau trao đổi đồng thuận với các chuyên gia Việt Nam, tôi đề xuất việc nghiên cứu và thiết lập, nếu có thể, khu vực đỗ xe kết hợp với điểm ngắm cảnh mà có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan và ngắm một số yếu tố địa chất đặc trưng riêng của khu vực”.
Tôi cho rằng có 3 vấn đề cần quan tâm ở đây. Một là “cần sự phát triển bền vững ở khu vực này, khi phần lớn dân cư ở đây là dân nghèo”; hai là “những cảnh rất nguy hiểm ở đây khi dân địa phương và du khách dừng đỗ xe hơi/xe máy ngay giữa đường”; thứ ba là “nghiên cứu và thiết lập, nếu có thể, khu vực đỗ xe kết hợp với điểm ngắm cảnh”.
Cả 3 vấn đề trên, cho đến nay các bạn hầu như không quan tâm. Nay có sự tự nguyện tham gia của nguồn lực xã hội, còn có khiếm khuyết đấy, có sai sót đấy, tại sao các bạn không nỗ lực tìm ra phương án ít xấu nhất để xử lý mà lại đề xuất một phương án dễ dàng nhất cho mình, đó là phát hành một văn bản ra lệnh hành chính?
Với lòng yêu mến văn hóa của bà con các dân tộc vùng cao, với mong muốn chia sẻ những khó khăn về kinh tế hiện nay của Hà Giang, tôi xin góp ý đôi lời với các bạn.
Nhân sự kiện này, Hà Giang đang được dư luận quan tâm và chắc chắn du lịch Hà Giang sẽ có những bước phát triển mới, đặc biệt là địa danh Mã Pì Lèng. Để khắc phục những nguy hiểm mà giáo sư Guy Martini của UNESCO cảnh báo, đồng thời tạo cho du khách có điều kiện nghỉ chân tham quan tại đây, Hà Giang cần gấp một “tiểu quy hoạch” điểm dừng chân phù hợp với hiện tại và đáp ứng cho cả tương lai.
Theo tôi nghĩ, nơi dừng đỗ xe ít nhất cùng một lúc phải chứa được 10 - 15 xe ô tô, trong đó từ 3 - 5 xe du lịch loại lớn. Cùng với đó là các hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ, kể cả nghỉ qua đêm. Và khi ấy, đây sẽ là một tụ điểm dừng chân, chứ không phải một công trình đơn lẻ như bây giờ. Trên thế giới, nhiều nơi họ làm như thế mà vẫn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Chính vì vậy, tôi xin kêu gọi: “Hà Giang mến yêu ơi, hãy dừng tay trừng phạt Mã Pì Lèng!”.