Mặc dù từ đầu năm đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định; tình hình xuất, nhập khẩu chuyển biến tích cực; các hoạt động du lịch và dịch vụ diễn ra sôi động; các chính sách, đề án được đẩy nhanh tiến độ... nhưng tỉnh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, đặc biệt là tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH và tài chính, ngân sách nhà nước năm 2024.
Để thúc đẩy tăng trưởng, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong điều hành, quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC và thực hiện 3 chương trình MTQG; tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cấp huyện, xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt, UBND tỉnh thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát tại các huyện, thành phố, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Tuy nhiên, trong 4 tháng năm 2024, thu NSNN trên địa bàn mới đạt 817 tỷ đồng, đạt 39,6% dự toán T.Ư giao, đạt 33,2% dự toán tỉnh giao. Có 5 huyện tỷ lệ thu ngân sách đạt cao trên 30% như: Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Xín Mần, Yên Minh; các địa phương còn lại cơ bản đạt thấp. Nguyên nhân do lượng mưa ít nên các doanh nghiệp thủy điện không đạt công suất phát điện; một số doanh nghiệp thực hiện bảo trì, bảo dưỡng. Tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế trong năm 2024, ước giảm thu trên 62 tỷ đồng. Các phương án bán đấu giá đất theo kế hoạch năm 2024 đang được các ngành và các địa phương triển khai; một số phương án đã hoàn tất các thủ tục nhưng không có khách hàng tham gia đấu giá. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hầu hết hàng xuất khẩu là nông sản, không có thuế hoặc thuế suất bằng 0%.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Đoàn cho biết: Kết quả giải ngân kế hoạch vốn ĐTC của tỉnh tính đến ngày 12.5.2024 còn chậm, giải ngân được 944 tỷ đồng/4.559,3 tỷ đồng, đạt 20,71% kế hoạch, đạt thấp so với lộ trình kế hoạch; còn 11 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân. Riêng đối với vốn sự nghiệp thực hiện 3 chương trình MTQG, công tác phân bổ chậm, nhiều huyện mới phân bổ xong trong tháng 3, cá biệt còn 2 huyện chưa hoàn thành việc phân bổ nguồn vốn năm 2024. Việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện 3 chương trình MTQG chậm, nhất là đối với chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nội dung trình điều chỉnh thiếu cơ sở đề xuất.
Tính đến 12.5.2024, giải ngân kế hoạch vốn kéo dài thời gian thanh toán năm 2023 sang năm 2024 mới đạt 8,2 tỷ đồng/81,5 tỷ đồng, đạt 10,08% kế hoạch; giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt 571 tỷ đồng/2.325 tỷ đồng, đạt 36,3% kế hoạch. Kết quả giải ngân thấp ngoài các nguyên nhân khách quan do lạm phát, giá nguyên, vật liệu tăng cao… còn nhiều nguyên nhân chủ quan do một số cấp ủy, chính quyền chưa chủ động, quyết liệt và có giải pháp thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; chưa phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, bồi thường giải phóng mặt bằng; năng lực và trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công hạn chế, thiếu quyết liệt; công tác chuẩn bị dự án chất lượng chưa cao; công tác phân bổ vốn, quyết toán dự án, hoàn thành chậm; năng lực nhà thầu yếu.
Tháo gỡ khó khăn, tránh tình trạng có tiền nhưng không tiêu được, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thường xuyên đánh giá, phân tích từng khoản thu, sắc thuế và địa bàn, dự báo những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, những khoản dự kiến hụt thu do tác động bởi cơ chế, chính sách; tập trung khai thác nguồn thu còn tiềm năng để bù đắp các khoản thu, sắc thuế dự kiến không đạt dự toán. Thường xuyên đối chiếu số nợ thuế của từng tổ chức, cá nhân để đôn đốc, thu nợ kịp thời, hạn chế thấp nhất nợ mới phát sinh; thu thuế phát sinh và thu nợ thuế thông qua thanh toán vốn đầu tư; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế do người nộp thuế cố tình chây ỳ nợ thuế kéo dài, vi phạm về quản lý sử dụng hóa đơn điện tử. Chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp, rà soát, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi để đảm bảo cân đối ngân sách theo dự toán đã được HĐND tỉnh quyết định, UBND tỉnh giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tháo gỡ các “điểm nghẽn” để đẩy nhanh tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn ĐTC và triển khai 3 chương trình MTQG, tỉnh chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các dự án do đơn vị, địa phương quản lý; chỉ đạo các đơn vị, địa phương thành lập tổ công tác hoặc phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc thực hiện; thường xuyên kiểm tra tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện các dự án; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu. Tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án đúng tiến độ.
Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, không để xảy ra tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp rút trong giải ngân vốn ĐTC; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia ý kiến về thẩm định, điều chỉnh dự án; bảo đảm yêu cầu về chất lượng, rút ngắn thời gian để công tác quản lý kế hoạch ĐTC được kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn… tin tưởng sẽ tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT-XH năm “nước rút” 2024.