Aa

Hà Giang: “Miền đất hứa” cho môi trường đầu tư

Chủ Nhật, 14/04/2024 - 06:06

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đồng hành cùng doanh nghiệp đang đưa Hà Giang trở thành “miền đất hứa” cho môi trường đầu tư.

Cam kết đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức đầu tư kinh doanh, Hà Giang tập trung nâng cao hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin, khảo sát thực địa, tư vấn và hướng dẫn các nhà đầu tư về trình tự thủ tục triển khai dự án. Trong năm 2023, hỗ trợ khảo sát, giải quyết đề nghị đầu tư dự án mới của 25 doanh nghiệp; chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký trên 3.528 tỷ đồng.

Riêng quý I.2024, tỉnh cấp mới chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án, với tổng số vốn đăng ký 129,5 tỷ đồng. Cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án xăng dầu và thủy điện. Lũy kế đến tháng 3.2024, trên địa bàn tỉnh có 321 dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó 317 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn trên 50.932 tỷ đồng; quản lý tốt 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư 3,69 triệu USD, tương đương 85 tỷ đồng. Đôn đốc, kiểm tra tiến độ một số dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch, nghĩa trang, rác thải. Tổ chức làm việc, giải quyết vướng mắc đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, ngừng hoạt động, không thực hiện, những dự án vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa thể triển khai thực hiện theo quy định.

Hà Giang: “Miền đất hứa” cho môi trường đầu tư- Ảnh 1.

Các hạng mục dự án cải tạo, nâng cấp đường Minh Ngọc - Mậu Duệ (ĐT.176B) đang được thi công.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Thanh Hòa cho biết: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh ta thực hiện tốt cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, dịch vụ công trực tuyến; thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện nhanh. Tính từ đầu năm đến 20.3.2024, có 256 lượt doanh nghiệp đăng ký và thay đổi, hồ sơ đăng ký online; trong đó, 59 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 419 tỷ đồng. Có 88 doanh nghiệp thông báo thay đổi; 96 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 7 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc giải thể; 6 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình. Mặt khác, tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển hợp tác xã; đến nay có 874 hợp tác xã, trong đó 700 hợp tác xã đang hoạt động.

Hướng đến mục tiêu “Doanh nghiệp phát tài – Hà Giang phát triển”, tỉnh ta tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp. Huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt các ưu đãi đầu tư theo Nghị định 31, ngày 26.3.2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Dựa trên tiềm năng, lợi thế, tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư liên kết tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa; ưu tiên các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ đầu tư phát triển các vùng trồng nguyên liệu gắn với các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng của tỉnh như chè, cam Sành, mật ong, thịt bò, dược liệu; sản xuất nông nghiệp đặc trưng hàng hóa phục vụ du lịch địa phương. Thu hút các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc; các dự án du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh; thu hút đầu tư hạ tầng du lịch như các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí và các công trình thương mại dịch vụ đa năng; các dự án đầu tư xây dựng điểm dừng chân, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm theo hướng tiếp cận các cụm, ngành Du lịch của tỉnh. Thu hút đầu tư các dự án dịch vụ, logistics vào khu Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, cửa khẩu Xín Mần và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Để tạo đà thúc đẩy kinh tế, tỉnh thu hút các dự án đầu tư chế biến nông, lâm sản gắn với tham gia trồng rừng sản xuất và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ thân thiện môi trường, góp phần ứng phó với biển đổi khí hậu. Thu hút các dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới, các dự án hạ tầng đô thị thông minh tại thành phố Hà Giang, trung tâm các huyện, khu trung tâm các xã, thị trấn theo quy hoạch; các dự án đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số; các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu vào các lĩnh vực đột phá của tỉnh.

Hà Giang: “Miền đất hứa” cho môi trường đầu tư- Ảnh 2.

Thành phố Hà Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: Thời gian tới, Hà Giang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung bố trí các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng KT – XH, nhất là hạ tầng giao thông có tính kết nối vùng và liên vùng; phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Ưu tiên xúc tiến đầu tư có tính liên kết vùng, lồng ghép với xúc tiến thương mại và du lịch, tập trung vào các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư, các dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tháo gỡ những “điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, tỉnh thực hiện xúc tiến, quảng bá và tư vấn, hỗ trợ giải quyết các đề xuất nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án của các nhà đầu tư; xây dựng phương án khảo sát đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và địa phương năm 2024. Nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ giải quyết các đề xuất dự án của nhà đầu tư. Thường xuyên làm việc với nhà đầu tư, kiểm tra thực tế để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là dự án thuộc các lĩnh vực khoáng sản, thủy điện, chế biến, sản xuất, du lịch, dịch vụ, nông lâm nghiệp và chăn nuôi. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải quyết vướng mắc đối với một số dự án trọng điểm ngoài ngân sách chậm tiến độ, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của kinh tế tập thể, hợp tác xã; lựa chọn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top