Aa

Hạ lãi suất về 0% bằng cách nào?

Thứ Tư, 23/06/2021 - 11:00

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa kiến nghị hạ dần lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm. Kiến nghị của VAFI đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Lãi suất tiền gửi và cho vay ở Việt Nam quá cao

Theo công văn VAFI gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay các nước Âu Mỹ, Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất nội tệ, ngoại tệ 0%/năm.

Thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2 - 5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) để kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.

Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2 - 0,7%/năm. Còn tại Việt Nam, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5 - 6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

VAFI đề xuất đưa lãi suất tiền gửi VND về 0%
VAFI đề xuất đưa lãi suất tiền gửi VND về 0%

Hiến kế 5 giải pháp để đưa lãi suất tiền gửi dần về 0%

VAFI cho rằng, Việt Nam có nhiều tiền đề khách quan vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi về 0% như: Chính trị ổn định, nền kinh tế phát triển tốc độ cao, xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai con số, lượng kiều hối hàng năm đổ về lớn... Để đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%, VAFI đã đề xuất Chính phủ ban hành các giải pháp:

Thứ nhất, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật Thuế tài sản, theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản. Đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi, với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ, sau đó tăng dần như các nước. Theo VAFI, giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất.

Thứ hai, hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm. Như vậy, hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài, làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.

Thứ ba, khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ, NHNN cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở 1 mức nhất định, nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô…

Thứ tư, là kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách hàng năm. Khi hết dịch Covid-19, tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công cần giảm dần, để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, đủ sức đương đầu với mọi cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai.

Thứ năm, hệ thống ngân hàng trong nước tiếp tục được củng cố theo hướng loại bỏ ngân hàng yếu kém, cải thiện cơ cấu cổ đông bằng tăng cường cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược thật sự; hạn chế dần tình trạng ngân hàng thuộc sở hữu của một tập đoàn, và phải ngăn ngừa tình trạng tham nhũng trong bất kỳ ngân hàng nào.

Đề xuất thiếu thực tế, nguy hiểm cho thị trường

Đề xuất của VAFI sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, dòng tiền của người dân không thể được quản lý bằng các biện pháp hành chính, mà cần có định hướng để nắn dòng tiền tới những lĩnh vực có tính lan tỏa cao, bằng cách phối hợp nhịp nhàng hơn nữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Ở chiều ngược lại, các ý kiến khác đánh giá đề xuất thiếu cơ sở và không khả thi.

Ảnh minh họa.

TS. Cấn Văn Lực đưa ra 5 lý do chính. Một là, so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế như vậy là khập khiễng bởi lẽ mức độ rủi ro của Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực. Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đi vay vốn nước ngoài bằng USD trung hạn (1 - 5 năm), bên cho vay hoặc mua trái phiếu thường yêu cầu lãi suất USD từ 3 - 6%/năm, tùy thuộc vào thời hạn và mức độ rủi ro, tiềm năng của DN đó cũng như bản thân dự án đầu tư.

Thứ hai, lạm phát Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Năm 2020 chẳng hạn, CPI của Việt Nam là 3,2% trong khi toàn cầu là 2%, Trung Quốc 2,5% và ASEAN-4 là 1%. Năm nay, dự báo lạm phát của Việt Nam có thể khoảng 3,5%, trong khi toàn cầu khoảng 2,8%. Chính vì vậy, người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương, không bị "mất tiền" một cách vô hình. 

“Giả sử chúng ta đưa được lãi suất tiền gửi VND là 0% trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng? Khi hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế”, ông Cấn Văn Lực phân tích. Khi đó, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, lấy đâu ra nguồn lực để tăng trưởng, để bảo đảm công ăn việc làm…

Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, dòng vốn tín dụng hiện nay chiếm khoảng gần 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, huy động qua thị trường chứng khoán (TTCK) khoảng gần 20%, còn lại là vốn FDI, đầu tư công và đầu tư tư nhân…

Về phân tích của VAFI cho rằng hướng dòng tiền vào trái phiếu, ông Cấn Văn Lực cho rằng, khi DN huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, nếu DN đó chẳng may phá sản, nhà đầu tư trái phiếu gần như mất trắng vì không có tài sản đảm bảo, không có bảo hiểm tiền gửi như khi gửi tiền vào ngân hàng.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho hay, tại Việt Nam, có 5 kênh đầu tư chính được Nhà nước công nhận và bảo vệ mà người dân hay phân bổ vốn vào gồm: Bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm, trái phiếu và vàng. Trong đó, với đại đa số người dân, kênh gửi tiết kiệm tại ngân hàng luôn được xem là an toàn nhất mà vẫn sinh lời tốt. Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch Covid-19, mặt bằng lãi suất thấp thì dòng tiền cũng đã tìm đến các kênh đầu tư khác nhiều hơn. “Với chỉ số lạm phát tháng 5/2021 của Việt Nam ở mức 2,9%, nếu lãi suất tiền gửi về 0% như đề xuất của VAFI thì có nghĩa là người gửi tiền phải chịu mức lãi suất âm”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất của VAFI, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chủ trương muốn hạ lãi suất xuống nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang cần vay vốn là rất tốt. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, khả năng lãi suất liên ngân hàng về 0% hoặc thậm chí âm có thể xảy ra ở nước khác, nhưng hoàn toàn không thể diễn ra ở Việt Nam. “Bây giờ lãi suất kéo xuống gần bằng 0% thì chắc chắn người dân sẽ rút tiền khỏi ngân hàng, gây nguy hiểm cho nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top