Aa

Vì sao lãi suất huy động bật tăng?

Thứ Năm, 03/06/2021 - 06:25

Nhiều ngân hàng thương mại bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy sang chứng khoán.

Trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ gần cuối tháng 5 tại nhiều ngân hàng thương mại, lãi suất tiền gửi đã tăng lên ở một số kỳ hạn và là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 2/2021.

Tăng để giữ chân khách hàng

Cụ thể, trong biểu lãi suất huy động mới nhất vừa áp dụng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã điều chỉnh tăng từ 0,1 - 0,3 điểm % so với trước đó. SHB chủ yếu tăng lãi suất gửi kỳ hạn dài như 12 tháng lên mức 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất 6,4%/năm (tùy từng khoản tiền gửi của khách hàng)…

Vì sao lãi suất huy động bật tăng
Áp lực từ việc thu hút dòng tiền buộc các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn Ảnh: Tấn Thạnh

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), khách hàng thường dưới 50 tuổi gửi tiết kiệm từ 3 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 1 - 2 tháng lãi suất 2,9%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng 4,6%/năm; kỳ hạn 12 - 35 tháng là 5,2%/năm… Lãi suất ở các kỳ hạn này tăng 0,65 - 0,9 điểm % so với trước.

Tương tự, trong biểu lãi suất mới nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) bổ sung thêm gói tài khoản Đắc lộc, với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm % so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới, tăng từ 0,1 - 0,2 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, khách gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng được hưởng lãi suất 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng nhận lãi 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng lãi 5%/năm… Các mức lãi suất này tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Sacombank cũng điều chỉnh lãi suất gửi dài hạn lên cao nhất 6,4%/năm với kỳ hạn 36 tháng.

Phó Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP lớn tại TP.HCM giải thích việc điều chỉnh lãi suất huy động một phần để giữ chân khách hàng trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Thực tế, kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khi chứng khoán bùng nổ và hút vốn, nhà đầu tư có xu hướng rút một phần tiền gửi tiết kiệm để chơi chứng khoán.

Báo cáo mới đây về thị trường tiền tệ do Công ty Chứng khoán SSI thực hiện cho thấy lãi suất liên ngân hàng đã thiết lập mặt bằng mới và đang giữ ở mức 1,46%/năm qua đêm và 1,55%/năm kỳ hạn 1 tuần, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước. Các mức lãi suất này tăng khoảng 0,42 - 0,51 điểm % so với đầu tháng 5.

Đồng thời, tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa. Như tại TP.HCM, số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP cho thấy huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 0,65% so với cuối năm ngoái trong khi tăng trưởng tín dụng tăng mạnh tới 3,01%.

Chưa phải xu hướng

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS, nhận định trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ và dịch Covid-19 khiến nhiều nhà đầu tư ở nhà, có thời gian tập trung vào chứng khoán.

Dòng tiền đổ vào thị trường này không ngừng tăng thời gian qua, trong đó có thể một phần từ dòng tiền nhàn rỗi khi lãi suất huy động ổn định ở mức thấp. "Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng nhích lên trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng… có thể khiến lãi suất huy động rục rịch tăng trở lại. Dù vậy, lãi suất khó tăng mạnh bởi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giữ ở mức ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế" - TS. Lê Đức Khánh phân tích.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi mới diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng thương mại, tùy theo kỳ hạn và chưa phải là xu hướng chung của các ngân hàng.

Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất đầu vào là có trong bối cảnh lạm phát và lãi suất trên thế giới có xu hướng đi lên và Việt Nam cũng không nằm ngoài diễn biến này. Lãi suất huy động tăng một phần do dòng tiền nhàn rỗi chảy sang chứng khoán khi chỉ số VN-Index lập đỉnh; tín dụng tăng cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn…

"Gần đây, một số ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn, vừa là để tăng thêm vốn cấp 2; huy động vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng trung dài hạn. Dù vậy, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ổn định trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu và kinh tế còn khó khăn trước diễn biến của Covid-19" - TS Cấn Văn Lực nói.

Dù áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn chưa có nhưng các chuyên gia phân tích của SSI vẫn dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý III khi dịch Covid-19 được kiểm soát và tín dụng tiếp tục tăng tốc.

Tiền từ kinh doanh cũng chảy vào chứng khoán

Phân tích sâu hơn về các dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng đó không chỉ là tiền người dân gửi tiết kiệm rút ra để đầu tư mà còn có dòng tiền từ những doanh nghiệp tư nhân, nhất là các dịch vụ nhà hàng, ăn uống, dịch vụ, du lịch... cũng tham gia đầu tư chứng khoán trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng nặng do dịch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top