Aa

Hà Nam: Hơn 4.000 giao dịch bất động sản được thực hiện trong quý II/2024

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 13/07/2024 - 06:08

Sức nóng của thị trường bất động sản Hà Nam đang dần trở lại khi lượng giao dịch được thực hiện có sự cải thiện rõ rệt, nhất là từ quý II/2024.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, trong quý II/2024, số lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền trên địa bàn tỉnh đạt 4.314 giao dịch, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch cũng vì vậy cũng tăng gấp đôi, lên tới 2.562 tỷ đồng.

Về nguồn cung mới, Sở Xây dựng Hà Nam cho biết, trong quý II/2024, lãnh đạo địa phương đã cấp phép xây dựng hai dự án, bao gồm khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại xã Liêm Chung, xã Liêm Tiết (TP. Phủ Lý) và khu đô thị mới tại thị trấn Tân Thanh (huyện Thanh Liêm).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có thêm một dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là khu trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở, thuộc khu đô thị Bắc Châu Giang (TP. Phủ Lý). Còn trong hiện tại, chưa có dự án nào được hoàn thành trong quý II/2024.

Về phân khúc nhà ở xã hội, tỉnh Hà Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho một dự án trong quý vừa qua. Công trình này nằm trên địa bàn các xã Đồng Hoá, Nhật Tân, Đại Cương (huyện Kim Bảng). Lũy kế từ trước đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, một số dự án nhà ở xã hội khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị thủ tục để thu hút đầu tư, chẳng hạn như dự án tại tại phường Duy Minh và phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên.

Trong báo cáo, Sở Xây dựng Hà Nam cũng nêu ra những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản trong quá trình phát triển dự án tại địa phương. Điểm đặc biệt là các thông tin được đưa ra trong quý II gần như tương đồng so với quý I. Điều đó cho thấy, những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải vẫn chưa được xử lý triệt để.

Đơn cử như về công tác giải phóng mặt bằng, đây là vướng mắc đa số các dự án gặp khó khăn, do người dân có đất trong phạm vi dự án không nhận tiền bồi thường, đòi hỏi mức giá bồi thường cao hơn quy định. Một số dự án lại gặp khó trong việc di chuyển mộ.

Thêm vào đó, các đơn vị còn gặp vấn đề về nguồn vốn nên tiến độ thực hiện các dự án bị chậm so với được duyệt.

Về chính sách pháp luật, doanh nghiệp vẫn "đau đầu" trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý (điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án…); thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai (xác định quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội…); về tính tiền sử dụng đất các dự án…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top