Hai dự án bệnh viện hàng nghìn tỷ đồng... trễ hẹn
Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên sau nhiều năm khởi công, đến nay cả hai dự án đầu tư xây mới cơ sở 2 bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai tại xã Liêm Tuyền (Phủ Lý, Hà Nam) đều chậm tiến độ, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và không ít lần bị Trung ương nhắc nhở.
Hai dự án đầu tư xây mới cơ sở 2 bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam nằm trong 05 dự án bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án “Đầu tư xây dựng mới 05 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP. Hồ Chí Minh” theo Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014.
Theo Quyết định số 4985/QĐ-BYT và Quyết định số 4986/QĐ-BYT, tổng mức đầu tư của Dự án Đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai là 4.990 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 4.968 tỷ đồng.
Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 xây dựng trên diện tích 21 ha, diện tích sàn 119.952 m2, với quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi; đây là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp.
Còn cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi; đây là một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương: xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống, vi phẫu tim mạch.
Cả 2 dự án này đều do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm - Bộ Y tế là Chủ đầu tư, dự kiến sẽ được khánh thành, đi vào hoạt động từ tháng 12/2017.
Sau thời gian được UBND tỉnh Hà Nam giao đất, giao mặt bằng sạch, cả hai dự án này đều được khởi công xây dựng trong tháng 12/2014. Tại thời điểm này, Ban Quản lý các dự án trọng điểm của Bộ Y tế cho biết, các dự án sẽ hoàn thành đúng thời hạn, theo yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, hết năm 2017 hai bệnh viện vẫn bị chậm tiến độ, không thể đi vào hoạt động như dự kiến, đến ngày 16/5/2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 2772/BYT-KH-TC về tiến độ triển khai hai dự án bệnh viện. Trong đó, Bộ này xin phép kéo dài tiến độ khánh thành khu khám và điều trị ban ngày vào tháng 12/2018, “cột mốc” dự kiến hoàn thành tổng thể 2 dự án, bàn giao cho các bệnh viện tiếp quản, vận hành toàn bộ dự án trong năm 2019.
Ngày 21/10/2018, với sự tham dự của Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương Bộ Y tế tổ chức lễ khánh thành kỹ thuật khu khám bệnh ban ngày của dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại buổi lễ, Bộ Y tế dự kiến đến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành cả hai dự án, bàn giao cho bệnh viện tiếp quản, vận hành.
Trên thực tế, đến nay cơ sở 2 bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn chưa hề hoạt động, còn cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai thì mới chỉ có Khoa Khám bệnh đang hoạt động cầm chừng với nhiều hạng mục vẫn đang thi công dang dở, thậm chí “đắp chiếu”.
Theo kết luận Kiểm tra việc thực hiện dự án bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đã báo cáo Văn phòng Chính phủ) mới đây, thì "các dự án sẽ bị chậm 3 năm so với thời gian tại Quyết định 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ và chậm 2 năm so với thời gian tại Quyết định đầu tư của Bộ Y tế."
Việc chậm trễ này không những gẫy lãng phí tiền của Nhà nước, khiến chủ trương giảm tải tại hai bệnh viện này chưa thể hiện thực, mà còn khiến đề án “Đầu tư xây dựng mới 05 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP Hồ Chí Minh” bị trễ hẹn…
Dự án KĐT chậm trễ 10 năm giữa lòng thành phố
Ngày 26/11/2004, tỉnh Hà Nam đã thu hồi và giao 124.046m2 đất (thuộc địa bàn TP Phủ Lý) cho Công ty Cổ phần Hưng Hòa thực hiện dự án KĐT Nam Trần Hưng Đạo. Kiểm tra tình hình sử dụng đất thời điểm năm 2012 cho thấy, Công ty đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho 449 hộ dân (với diện tích hơn 41.670m2) và được UBND TP Phủ Lý cấp GCNQSD đất.
Được biết, thời điểm hiện tại khu đô thị còn một số tồn tại như: hồ sơ thiết kế được phê duyệt sử dụng điện cáp ngầm, nhưng chủ đầu tư lắp đặt điện cáp treo trên cột bê tông cốt thép; trên một số tuyến đường nội bộ theo thiết kế dải lớp bê tông nhựa hạt mịn dày 5 cm và lắp đặt hệ thống cống bê tông cốt thép có chiều cao 1,2 m, chiều rộng 1,2m ở phía đường Lê Duẩn nhưng chưa xây dựng. Trong khi đó, chủ đầu tư tự ý điều chỉnh, thi công một số hạng mục không theo thiết kế đã được duyệt như: giảm chiều dày lớp cấp phối đá dăm từ 450mm xuống còn 400mm ở một số tuyến đường nội bộ; nhiều khu vực hệ thống thoát nước mưa có sự thay đổi kích thước. Qua kết quả kiểm tra của ngành chức năng tại một số vị trí cao độ mặt đường thấp hơn so với cốt quy hoạch từ 20 - 40 cm. Ngoài ra, dự án này hiện còn 1.231m2 đất ở khu vực giáp tuyến đường D4 chưa GPMB.
Tháng 5/2012, Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Nam đối với Công ty trong việc thực hiện thực hiện dự án nêu rõ: Công ty có hợp đồng chuyển nhượng 9 thửa đất cho 7 cá nhân khi chưa GPMB và chưa làm thủ tục với cơ quan nhà nước. Đối với phần đất xây dựng dịch vụ thể thao (nằm trong dự án), Công ty được UBND tỉnh cho thuê 2.873m2 đất tại Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 19/9/2011, với thời hạn sử dụng đất 50 năm; đơn vị chưa ký hợp đồng thuê đất theo quy định.
Tổng giá trị bồi thường về đất đai, tài sản trên đất của Dự án theo các Quyết định được phê duyệt là khoảng 14,2 tỷ đồng; Công ty đã chi trả tiền giải phóng mặt bằng là 13.529.164.000 đồng. Số tiền còn lại chưa chi trả thuộc diện tích 1.231m2 đất các hộ dân sử dụng, đến nay (năm 2012) chưa GPMB.
Theo kế hoạch, Dự án được triển khai từ năm 2004 và hoàn thành trong năm 2005 (theo Văn bản của UBND tỉnh về việc chấp thuận Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án năm 2004). Nhưng đến tháng 5/2005, Dự án mới khởi công với kết quả thực hiện rất “khiêm tốn”.
Cụ thể, các hạng mục đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng... được thi công cơ bản phù hợp với quy hoạch điều chỉnh, hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công. Ngày 30/12/2009, Công ty đã bàn giao các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của Dự án cho UBND thành phố Phủ Lý quản lý, khai thác sử dụng từ 1/1/2010, bao gồm: hệ thống hè, đường; thoát nước mặt, thoát nước thải; điện chiếu sáng; hồ điều hoà, công viên…
Đối với hạng mục khu Trung tâm thương mại (1.429,4m2 đất), Công ty chưa đầu tư xây dựng theo quy định. Hiện còn 1.231m2 đất do các hộ dân đang sử dụng chưa GPMB xong (nhưng Công ty đã lập hợp đồng chuyển nhượng 09 lô đất cho 7 cá nhân).
Đối với Khu dịch vụ thể thao: Công ty chưa hoàn thành các thủ tục thuê đất, chưa nộp tiền thuê đất, nhưng đã ký hợp đồng mua bán tài sản trên đất và chuyển quyền sử dụng đất. Đối với Khu Trung tâm thương mại: Công ty chưa hoàn thành thủ tục xác định tiền sử dụng đất để thực hiện nộp tiền, nhưng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
UBND tỉnh yêu cầu Công ty: Tập trung giải quyết các tồn tại về: mặt bằng, quy hoạch, chất lượng, khối lượng các hạng mục công trình và nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu để bàn giao, quyết toán Dự án xong trước 30/9/2012.
Đối với Khu TTTM: yêu cầu Công ty hoàn chỉnh thủ tục xác định và nộp tiền sử dụng đất, thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng mục tiêu của Dự án; Đối với Khu dịch vụ thể thao: yêu cầu Công ty hoàn chỉnh thủ tục thuê đất, nộp tiền thuê đất, quản lý khai thác theo đúng mục tiêu của Dự án. Đồng thời, công ty chịu trách nhiệm giải quyết về diện tích tồn tại chưa GPMB và nội dung liên quan việc chuyển nhượng 9 lô đất cho 7 cá nhân.
Mặc dù những sai phạm tại dự án đã được UBND tỉnh Hà Nam chỉ rõ từ 2012, thế nhưng, tới cuối tháng 11/2018 các sai phạm liên quan tới hoạt động đầu tư của Công ty CP Hưng Hòa vẫn bị nhắc lại do chưa khắc phục. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Hà Nam khóa XVIII, cử tri phường Trần Hưng Đạo có ý kiến: KĐT Nam Trần Hưng Đạo đã được đầu tư, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn một số tồn tại, nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Về vấn đề này, Sở Xây dựng tỉnh báo cáo khá chi tiết như sau:
Thực hiện chỉ đạo liên quan của tỉnh từ tháng 7 - 8/2018, Sở Xây dựng đã có văn bản (ngày 30/8/2018) đề nghị Công ty Hưng Hòa phối hợp UBND TP Phủ Lý thực hiện đền bù các hộ dân để GPMB những vị trí còn tồn tại; nhưng đến nay chưa hoàn thành GPMB (đối với diện tích đất khoảng 1.200m2).
Sở cũng yêu cầu Công ty triển khai ngay việc thi công, hoàn thiện các hạng mục còn tồn tại theo Kết luận thanh tra 774/KLTT-UBND ngày 28/5/2012 của UBND tỉnh như: Tưới nhựa dính bám 0,5kg/m2 và rải thảm BTN mịn dày 5cm, hệ thống kỹ thuật dọc đường D4 và những vị trí chưa được bàn giao mặt bằng thi công…; Tập hợp đủ hồ sơ hoàn công gửi Sở Xây dựng kiểm tra nghiệm thu trước khi bàn giao đưa vào khai thác sử dụng…
Cũng theo văn bản báo cáo của Sở Xây dựng tới UBND tỉnh, công trình chưa hoàn thành, nhưng UBND TP Phủ Lý đã nhận bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật từ năm 2007, công trình còn khoảng 1.200m2 chưa GPMB. Từ đây, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh giao UBND TP đôn đốc và có giải pháp khắc phục.
Bên cạnh những dự án kể trên, tỉnh Hà Nam còn tồn tại một số dự án lớn khác cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, có thể kể đến như: Dự án khu du lịch Tam Chúc; Dự án tuyến giao thông dọc đường cao tốc kết nối Quốc lộ 38 với Quốc lộ 21B... Việc chậm trễ kéo dài có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước, đồng thời đã đánh giá được phần nào năng lực cũng như trách nhiệm của chính các lãnh đạo địa phương.