Sáng 3/7, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã khai mạc kỳ họp thứ 4. Báo cáo trước HĐND TP về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu; nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, với sự quyết liệt, đổi mới trong phương thức chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ Trung ương giao và có đột phá trên một số lĩnh vực như: cải thiện môi trường đầu tư; quản lý trật tự đô thị, môi trường;... tình hình phát triển kinh tế xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả tích cực và toàn diện.
Theo ông Toản, một trong những điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP trong năm 2017 đó là đã chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh.
TP đã ban hành và thực hiện các kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, về phát triển doanh nghiệp năm 2017 Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”. Tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp Canada, Nhật Bản, Úc...
Một số sở ngành, quận, huyện (Cục Thuế, Cục Hải Quan, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư,...) cũng tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt trên 70%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98,04%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng 10 lao động trở lên thực hiện giao dịch điện tử thủ tục BHXH đạt 96,02%.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, nhờ nỗ lực trên đã mang lại những kết quả rõ nét: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.
Đáng chú ý, TP cũng đã thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả, vốn đăng ký ngoài ngân sách nhà nước ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, 58 dự án ngoài ngân sách trong nước với 34.177,6 tỷ đồng; 24 dự án thu hút theo hình thức PPP đạt 32.103 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới là 13.355 (tăng 16%) với tổng số vốn đăng ký 101.476 tỷ đồng (tăng 2%); 269 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 1.053 triệu USD, tương đương 23.166 tỷ đồng (bằng 55,2% so với cùng kỳ năm 2016), số vốn thực hiện ước đạt 550 triệu USD. vốn đầu tư xã hội thực hiện đạt 117.282 tỷ đồng tăng 9,9% (kế hoạch là 11-12%; 6 tháng đầu năm 2016 tăng 10,1%).
Hơn 1.200 công trình sai phạm đã bị lập hồ sơ xử lý
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 9.691 công trình, lập hồ sơ vi phạm 1.224 trường hợp; 100% các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã được lực lượng thanh tra xây dựng thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý. UBND cấp xã, cấp huyện đã xử lý vi phạm 654 trường hợp; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 570 trường hợp.
Thành phố cũng đã kiểm tra, đôn đốc giải quyết đối với trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Hiện tổng số công trình “siêu mỏng, siêu méo” còn tồn đọng đến tháng 11/2016 là 137 trường hợp trên địa bàn 10 quận, đang tiếp tục xử lý. Đây là các trường hợp đất còn lại nằm ngoài chỉ giới GPMB thực hiện xây dựng 8 tuyến phố, tuyến đường trục chính của thành phố từ nhiều năm trước không được đền bù và nhiều trường hợp hộ dân đã sinh sống, kinh doanh ổn định.
Từ tháng 11/2016 đến nay, đã giải quyết được 5/137 trường hợp, còn 132 trường hợp đang tiếp tục xử lý. Số lượng các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng theo kết quả kiểm tra năm 2016 tại các tuyến mới mở trên địa bàn 10 quận/huyện là 203 trường hợp (72%) còn 57 trường hợp tiếp tục giải quyết.
Cùng với đó, TP đang chỉ đạo tích cực hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết. Các công trình hạ tầng giao thông được triển khai đúng tiến độ (hoàn thành cầu vượt Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái; cầu vượt Cổ Linh; thông xe tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn khoái; Vành Đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Tôn Thất Tùng, Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng).
UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ra quân duy trì trật tự đô thị một cách bền vững: thí điểm triển khai dự án ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động iParking trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; rà soát, kiểm tra các bãi đỗ xe, kiên quyết xử lý “xe dù, bến cóc”, các bãi đỗ xe không đúng quy định; xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo, rao vặt trái phép, gây mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện; tiếp tục sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố; duy trì thường xuyên hệ thống hạ tầng giao thông.
Một số khó khăn, hạn chế cũng đã được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nêu ra, đó là xếp hạng chỉ số PAPI giảm và đang ở vị trí thấp. Nguyên nhân do sự giảm bậc của các chỉ số thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân. Cùng với đó, còn 5 chỉ số thành phần PCI đạt thấp cần tiếp tục có giải pháp để cải thiện thứ hạng trong thời gian tới...