Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, Quỹ nhà chuyên dùng còn 838 địa điểm với diện tích nhà là 178.148m², diện tích đất 155.156m². Trong đó, chủ yếu do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý với 803 địa điểm.
Tuy nhiên, thời gian qua với mô hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được TP. Hà Nội giao quản lý Quỹ nhà là tài sản công nhưng năng lực bộ máy vận hành của công ty chưa đáp ứng yêu cầu, bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện có đến 357/803 (khoảng 47%) địa điểm tồn tại, vi phạm và 65 điểm để trống, dẫn đến nợ tiền ngân sách.
Đáng chú ý, còn tới 802/803 hợp đồng thuê nhà chuyên dùng chưa được gia hạn nhưng vẫn đang sử dụng. Qua giám sát của HĐND TP. Hà Nội cho thấy, số nợ tiền thuê nhà của các tổ chức, cá nhân sử dụng Quỹ nhà chuyên dùng vào khoảng 1.200 tỷ đồng đã kéo dài nhiều năm, xu hướng nợ còn gia tăng và khả năng thu hồi rất thấp. Đến nay, quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành, đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi.
Điều đáng nói là quỹ nhà chuyên dùng tại Hà Nội đang thất thoát do những vi phạm và lấn chiếm trái phép. Nhiều đơn vị thuê nhà đã vi phạm hợp đồng khi tự ý chuyển nhượng, cho thuê lại với giá cao nhằm thu lợi, giao khoán nhà cho cá nhân hay chuyển sang làm nhà ở.
Đơn cử vị trí "đất vàng" tại số 36 phố Bà Triệu thuộc Quỹ nhà chuyên dùng đã được Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm thuê nhưng sau đó đã cải tạo, xây dựng trái phép. Tại địa chỉ này hiện có 3 cửa hàng kinh doanh, phía sau là nhà của các hộ dân sinh sống. Hợp đồng thuê nhà ký với Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm đã hết hiệu lực, Công ty đang nợ tiền thuê nhà…
Hay tại tòa N01, ngõ 84 phố Chùa Láng, toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ bị các hộ dân chiếm dụng kinh doanh từ năm 2016. Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội không xác định được đối tượng thuê và không thu được tiền thuê từ diện tích này.
TP. Hà Nội là một trong 5 địa phương có khối tài sản công nhà đất lớn trong cả nước, trong đó có Quỹ nhà chuyên dùng. Tuy nhiên, Quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn TP. Hà Nội rất đặc thù, được hình thành qua nhiều giai đoạn, từ nhiều nguồn gốc khác nhau nên việc quản lý quỹ nhà này rất phức tạp.
Các chuyên gia cho rằng, để tránh lãng phí một nguồn lực lớn, TP. Hà Nội cần sớm rà soát lại toàn bộ quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn và tiến hành sắp xếp lại theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Sau khi đã sắp xếp thì cần có mô hình quản lý phù hợp đối với từng loại nhà, đất để phát huy hiệu quả.
Đối với Quỹ nhà chuyên dùng thì địa điểm nào không hiệu quả nên bán đấu giá thu về cho ngân sách. Địa điểm nào phát huy đúng mục tiêu sử dụng thì giữ lại và giao cho một đơn vị hành chính sự nghiệp quản lý chứ không nên giao cho một doanh nghiệp quản lý như hiện nay./.