Aa

Hà Nội: Cần làm rõ quy trình “cưỡng chế tháo dỡ“ tài sản của người dân

Thứ Năm, 02/03/2023 - 15:00

Chính quyền địa phương cần vào cuộc xác minh nguồn gốc sử dụng đất, chủ sử dụng đất và làm rõ quy trình trong việc "cưỡng chế tháo dỡ" tài sản, từ đó đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Lời tòa soạn: 

Thời gian qua, để tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực bãi bồi ven sông Hồng, chính quyền TP. Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng vi phạm tại một số khu vực "nóng" như quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên,...

Theo đó, chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhiều trường hợp được cho là vi phạm, lấn chiếm đất công. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, người dân cho rằng họ là chủ sử dụng đất hợp pháp, đất có nguồn gốc do nhận chuyển nhượng lại. Khi nhận chuyển nhượng, họ biết diện tích vườn này được khai hoang từ trước những năm 1993. Trong đó, nhiều hộ gia đình đã dựng nhà ở tạm, trồng cây lâu năm, hoa màu và còn lưu lại một số biên lai đóng thuế đất nông nghiệp, thuế đất trồng cây lâu năm,…

Việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn Hà Nội là rất cần thiết và cần phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn nữa. Thế nhưng, song song với đó, các cấp chính quyền địa phương cũng cần phải rà soát, xác minh, kiểm tra kỹ lưỡng về nguồn gốc sử dụng đất, chủ sử dụng đất cũng như thực hiện đúng các quy trình khi tổ chức cưỡng chế tháo dỡ tài sản của người dân bị cho là vi phạm. Cùng với đó, các cấp quản lý cần xem xét giải quyết những phản ánh, kiến nghị và đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các hộ dân.

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài Hà Nội: Cần làm rõ quy trình "cưỡng chế tháo dỡ" tài sản của người dân.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Cần xác minh rõ nguồn gốc sử dụng đất

Liên quan đến vụ việc các hộ dân phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, chính quyền địa phương đã cưỡng chế tháo dỡ không đúng quy định, mới đây, người dân lại bức xúc cho biết vào ngày 17/1 và 18/1/2023, tổ công tác của phường Yên Phụ đã cử cán bộ và đem nhiều máy móc đến cưỡng chế tháo dỡ tài sản của các hộ dân sinh sống ở trên khu đất rộng khoảng 7.097,9m2, nằm cuối ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ.

Các hộ dân cho biết, họ rất bất ngờ và bức xúc về việc lực lượng chức năng phường Yên Phụ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ vào những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong khi nhiều hộ dân không có mặt ở hiện trường. Trước đó, các hộ dân cũng không hề nhận được bất kỳ một thông báo nào về buổi tổ chức cưỡng chế tháo dỡ của chính quyền địa phương?!

Một hộ dân bức xúc nói: "Vào ngày 17/1 và 18/1 (tức ngày 26, 27 tháng Chạp năm Nhâm Dần 2022), trong khi nhiều gia đình đã về quê ăn Tết thì chính quyền phường Yên Phụ đã vào phá khóa, phá cổng rào, phá hủy nhiều tài sản của chúng tôi mà không có bất kỳ một quyết định cưỡng chế, xử lý vi phạm nào trước đó. Chúng tôi nhận thấy, phường Yên Phụ chưa thực hiện đúng quy trình cưỡng chế giải tỏa theo quy định của Nhà nước".

cưỡng chế tháo dỡ Tây Hồ
Các hộ dân phản ánh lực lượng chức năng phường Yên Phụ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ vào những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Các hộ dân cũng cho hay, khu đất ở cuối ngõ 76 An Dương có nguồn gốc do họ nhận chuyển nhượng lại. Khi nhận chuyển nhượng, họ biết diện tích vườn này được khai hoang từ trước những năm 1993. Trong đó, nhiều hộ gia đình đã dựng nhà ở tạm, trồng cây lâu năm, hoa màu và còn lưu lại một số biên lai đóng thuế đất nông nghiệp, thuế đất trồng cây lâu năm,…

Hơn nữa, vào ngày 25/5/2016, UBND phường Yên Phụ cũng đã gửi Thông báo số 39/TB-UBND về việc thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1.000, thiết lập hồ sơ địa chính khu vực đất bãi, bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng và hướng dẫn các hộ dân đang sinh sống ở đây phối hợp đo đạc xác định mốc giới, ranh giới thửa đất đang sử dụng, đồng thời photo hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc đất, công trình xây dựng. 

Liên quan đến vụ việc xảy ra vào ngày 17/1 và 18/1, các hộ dân đã có đơn tố cáo khẩn cấp gửi đến Công an quận Tây Hồ. Ngày 1/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Tây Hồ ban hành Thông báo và cho biết nội dung đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã chuyển đơn của công dân đến UBND quận Tây Hồ để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người dân gần 2 năm vẫn chờ câu trả lời thỏa đáng

Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2021, các hộ dân sinh sống tại khu vực cuối ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc cho biết, mặc dù chính quyền địa phương mới chỉ ban hành thông báo nhưng đã thực hiện cưỡng chế tháo dỡ, san gạt mặt bằng khu đất rộng khoảng 7.097,9m2 nêu trên và người dân không nhận được bất kỳ bồi thường nào cho tài sản, hoa màu. Trong khi đó, khu vực này có vị trí đắc địa, được coi là mảnh đất "vàng" nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Cụ thể, vào ngày 9/11/2021, UBND phường Yên Phụ có ban hành Thông báo số 157/TB-UBND (ĐC) yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiện đang có nhà cấp 4, nhà tôn, cây trồng, hoa màu… tự di chuyển, dỡ bỏ toàn bộ công trình, cây trồng, vật kiến trúc ra khỏi khuôn viên khu đất (rộng khoảng 7.097,9m2) xong trước ngày 21/11/2021.

Ngoài ra, Thông báo cũng nêu, từ ngày 22/11/2021, UBND phường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành san gạt, giải tỏa… mọi thiệt hại về tài sản, cây trồng trên đất, tổ chức, gia đình, cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Đến ngày 30/11/2021, lực lượng chức năng phường đã cho máy xúc vào cưỡng chế tháo dỡ tại khu vực được cho là vi phạm. Trong đó, nhiều tài sản của người dân, cây cối, hoa màu trên khu đất đã bị san phẳng.

lực lượng chức năng phường Yên Phụ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ vào những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã chuyển đơn của công dân đến UBND quận Tây Hồ để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Các hộ dân cũng cho biết thêm, sau buổi cưỡng chế tháo dỡ, họ đã cung cấp cho chính quyền địa phương nhiều giấy tờ thể hiện việc được sử dụng khu đất trên, như hóa đơn đóng thuế đất nông nghiệp, hóa đơn đóng thuế trồng cây lâu năm của những chủ sở hữu trước đó đã nộp thuế,… Tuy nhiên, những tài liệu này không được chính quyền phường Yên Phụ chấp nhận.

Vụ việc này khiến các hộ dân rất bức xúc, người dân nơi đây đã gửi nhiều đơn kêu cứu, khiếu nại lên UBND quận Tây Hồ và UBND TP. Hà Nội, Ban tiếp dân Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội,... Mặc dù đã có nhiều đơn phản ánh, tố cáo gửi các cơ quan chức năng và nhiều cơ quan ban ngành đã chuyển đơn về UBND quận Tây Hồ giải quyết, tuy nhiên đến nay đã gần 2 năm, các hộ dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

"Các gia đình chúng tôi rất khó khăn về tiền bạc, phải chạy chữa bệnh tật. Thế nhưng, các lực lượng chức năng liên tiếp đến cưỡng chế phá dỡ nhưng không hề có thông báo cho các hộ dân biết. Đây là việc hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi câu trả lời cuối cùng của chính quyền quận Tây Hồ về căn cứ để cưỡng chế tháo dỡ tài sản", một hộ dân bày tỏ bức xúc.

Trả lời về những nội dung phản ánh của người dân, đại diện UBND phường Yên Phụ trước đó cũng cho biết: "Khu đất đó (rộng khoảng 7.097,9m2 - PV) là đất công có nguồn gốc bãi sông Hồng do UBND TP. Hà Nội giao cho phường quản lý theo Quyết định số 5559/QĐ-UB ngày 20/12/1999. Người dân tự ra san lấp, lấn chiếm khu đất". Đại diện UBND phường Yên Phụ cũng cho rằng, đơn vị này thực hiện đúng quy trình khi tổ chức lực lượng cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc giải quyết những phản ánh nêu trên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top