Aa

Hà Nội chỉ rõ trách nhiệm của đơn vị để xảy ra thiếu sót từ lát đá vỉa hè

Chủ Nhật, 18/02/2018 - 01:00

Mới đây, kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội đã chỉ ra một loạt tồn tại trong việc lát đá vỉa hè. Trách nhiệm chính thuộc về Phòng Quản lý xây dựng và Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội.

Từ năm 2016, TP. Hà Nội triển khai thí điểm lát đá tự nhiên trên vỉa hè tuyến đường Lê Trọng Tấn. Ðây là tuyến đường mới được mở rộng, có hệ thống kỹ thuật để hạ ngầm toàn bộ dây cáp viễn thông, điện lực; các công trình hạ tầng kỹ thuật khác cũng được thi công đồng bộ, trở thành tuyến phố kiểu mẫu của thành phố. Từ mô hình này, TP. Hà Nội yêu cầu các quận khi xây dựng các tuyến đường mới phải thiết kế đồng bộ hào kỹ thuật và sử dụng vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa là đá tự nhiên, kết cấu bền vững, bảo đảm thời gian sử dụng từ 50 đến 70 năm. 

Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành kế hoạch yêu cầu các quận, huyện thực hiện chỉ đạo nêu trên của thành phố; phấn đấu đến năm 2020, hè 950 tuyến phố chính trên địa bàn Thủ đô được lát đá tự nhiên.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số dự án lát đá vỉa hè có độ bền 50 - 70 năm nhưng vừa đưa vào sử dụng đã bị bong tróc, gãy, vỡ, Thanh tra TP. Hà Nội đã có kết luận thanh tra lát đá vỉa hè theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Kết luận của Thanh tra thành phố đã chỉ ra một loạt tồn tại trong việc lát đá vỉa hè.

Theo đó, trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót trong lát đá vỉa hè thuộc về đơn vị chức năng là Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), đơn vị tư vấn lập thiết kế mẫu là Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội.

Hàng loạt thiếu sót từ việc lát đá vỉa hè được Thanh tra TP. Hà Nội chỉ rõ.  

Ngoài ra, một số UBND quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của thành phố về lát đá vỉa hè về rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50 - 70 năm.

Trách nhiệm tồn tại trên thuộc Phòng Quản lý đô thị các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân mà trực tiếp là Trưởng phòng Quản lý đô thị. Bên cạnh đó, có trách nhiệm của Phó Chủ tịch phụ trách khối và Chủ tịch UBND các quận trên trong công tác chỉ đạo. 

Kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội còn chỉ ra một số dự án chưa thực hiện đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè thuộc quận Ba Đình, quận Hà Đông. Để xảy ra những tồn tại trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các quận trên mà trực tiếp là Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và cán bộ được giao theo dõi dự án.  

Nhiều đoạn vỉa hè vừa đưa vào sử dụng đã hỏng.  

Bên cạnh đó, kết luận Thanh tra của TP. cũng chỉ ra một số dự án thuộc quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây; thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ trong lát đá vỉa hè.

Cùng với việc chỉ ra những tồn tại, thiếu sót, Thanh tra TP. cũng cho rằng, cơ bản UBND các quận trên đã triển khai dự án đúng trình tự xây dựng cơ bản được quy định theo Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Nghị định... của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Quá trình đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo hè các tuyến phố cơ bản thực thiện theo Thiết kế mẫu hè phố đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, đá lát hè hầu như có nguồn gốc do các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa cung cấp, các doanh nghiệp này đều chứng minh được nguồn gốc đá, chứng chỉ chất lượng đá lát, đá vỉa của nhà sản xuất, được cơ quan kiểm định xác nhận.

Với việc công khai kết luận thanh tra lát đá vỉa hè, phần nào giải tỏa những hoài nghi bức xúc của dư luận về chất lượng lát đá vỉa hè của thành phố. Mặt khác, cho thấy thành phố Hà Nội đã trân trọng tiếp nhận ý kiến phản ánh của dư luận và có chỉ đạo kịp thời với mỗi sự việc được đông đảo người dân quan tâm.

Việc triển khai các dự án lát vỉa hè thiếu đồng bộ. 

Trước đó, từ giữa năm 2017, các dự án lát đá vỉa hè đã được triển khai. Trong quá trình triển khai, nhiều đoạn vỉa hè vừa lát đá xong đã bị bong tróc, đá bị gãy, vỡ. 

Điển hình của việc thi công chưa đảm bảo chất lượng phải kể đến tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), đá nham nhở sau hơn một năm đưa vào sử dụng. Tại hiện trường xuất hiện nhiều viên đá bị gãy, vỡ làm 3 - 4 mảnh như cái bẫy với người đi bộ.

Theo đại diện một số Ban quản lý dự án, nguyên nhân dẫn đến đá lát vỉa hè bị gẫy vỡ là do ý thức người dân chưa cao để phương tiện cơ giới đi trên vỉa hè; vỉa hè vừa lát xong chưa qua 24 tiếng đã phải chịu sự tác động của người đi lại... Tuy nhiên, nhiều người dân Thủ đô cho rằng đá vỉa hè bị gãy, vỡ là do thi công ẩu, chất lượng đá chưa đảm bảo, nền cốt vỉa hè kém...

Xây dựng đô thị đồng bộ, văn minh, lịch sự là chủ trương đúng đắn của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên rất tốn kém, trung bình mỗi mét vuông đá tự nhiên có giá thành từ 700 nghìn đến 900 nghìn đồng. Quận Hoàn Kiếm năm nay đầu tư hơn 80 tỷ đồng lát đá hè bốn tuyến phố; quận Hà Ðông đầu tư khoảng 200 tỷ đồng lát đá 20 tuyến phố…, nhưng chất lượng thi công và việc sử dụng vỉa hè một cách tùy tiện như hiện nay khiến cho công trình nhanh chóng xuống cấp là sự lãng phí lớn.

Tại cuộc họp giao ban công tác tháng 11 giữa lãnh đạo UBND TP. Hà Nội với giám đốc các sở, ngành của thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các dự án lát đá vỉa hè đang thực hiện và kiên quyết đình chỉ dự án thi công không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng. Yêu cầu các nhà thầu sửa chữa, khắc phục ngay đoạn vỡ, hỏng theo phản ánh của người dân./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top