Aa

Phát triển đô thị Việt Nam và câu chuyện sáng lát vỉa hè, chiều đào lên đặt ống cấp nước

Thứ Tư, 03/01/2018 - 01:02

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đô thị Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, số lượng đô thị tăng nhanh nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức; đồng thời, phải đổi mặt với những vấn đề toàn cầu...”, TS. Trương Văn Quảng, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định.

Lãng phí tài nguyên đất, biến tướng quy hoạch

TS. Trương Văn Quảng đánh giá, cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, kết cấu hạ tầng… đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước.

“Năm 1998, tỉ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2013 khoảng 32%... và đến năm 2015, đã đạt 35,7%. Quy hoạch xây dựng đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, kinh tế đô thị góp khoảng 70% GDP cả nước; các chỉ số thu ngân sách của các vùng tỉnh và đô thị lớn cho thấy nhìn chung, tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước”, TS. Quảng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, kể cả khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc, đô thị, nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo TS. Quảng, đô thị Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, số lượng đô thị tăng nhanh nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn thiếu, không đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp như hệ thống giao thông đô thị chậm phát triển, thiếu đồng bộ; hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý.

quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn

Quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn...

“Đặc biệt, quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái…”, TS. Quảng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu như cạnh tranh đô thị, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị hiện nay.

Chỉ rõ các nội dung về lãng phí tài nguyên đất và sự biến tướng của quy hoạch, TS. Quảng cho biết: Gần đây, trong quá trình phát triển đô thị, nhiều địa phương đã lấy phương thức phát triển các dự án “khu đô thị mới” làm chiến lược trọng tâm. Phương thức này cùng có những ưu điểm và về cơ bản đã và đang góp phân làm tăng quỹ nhà ở (với các căn hộ có chất lượng tốt hơn các căn hộ được xây dựng trước năm 1975), góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc, hướng tới các đô thị hiện đại...

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thức rõ hiện nay, nhiều dự án còn thiếu một mô hình, một khuôn mẫu, thiên về mô hình kinh doanh bất động sản hơn là một tầm nhìn cho sự phát triển bền vững đô thị.

Vậy nên, nhiều địa phương còn rất hào phóng cứ đâu có đất trống, ít phải giải phóng mặt bằng là ban phát các dự án cho chủ đầu tư mà không cần đếm xỉa đến quy hoạch chung, đến lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng.

Bởi thế, đã hình thành nhiều dự án ảo, chiếm dụng đất để kinh doanh là chính. Đó là chưa kể sự biến tướng của các dự án phát triển khu đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích sàn xây dựng hoặc chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở... chệch hướng quy hoạch.

“Vẫn biết rằng, đô thị không phải là một “phép cộng”, gộp các khu đô thị mới nhỏ, lẻ, rời rạc với đủ các loại nhãn mác, đa dạng về phong cách, chủng loại và chất lượng của nhiều loại doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng với mục đích kinh doanh bất động sản nhiều hơn là nâng cao chất lượng không gian đô thị... Một “phép cộng” vô hồn để cầu mong tạo nên một đô thị có hồn và diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô thị đẹp có chất lượng...”, TS. Quảng chia sẻ.

Một thực tế khác cũng được TS. Quảng chỉ ra, đó là, khi đồ án Quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lẽ đương nhiên đất đai (phần mở rộng) phát triển đô thị theo quy hoạch là đất dành để phát triển đô thị.

“Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, chúng vẫn là vùng đất nông nghiệp, đất ngoại thị, chính quyền có thể vẫn còn là cấp xã... Và khi nghe tin đã có quy hoạch đô thị được duyệt thế là thị trường bất động sản bùng phát sôi động (công khai hoặc ngấm ngầm)”.

Theo TS. Quảng, việc chuyển nhượng, mua đi, bán lại, đầu cơ đất đai không theo quy hoạch là chuyện thường tình mà chưa có chế tài nào điều tiết. Và cho đến khi thực hiện quy hoạch thì mọi việc về đất đai, xây dựng dường như đã an bài theo quy luật thị trường tự phát.

“Hoặc như khi mở một tuyến đường đô thị, chúng ta chỉ quan tâm đến bản thân con đường mà “vô tình” bỏ quên việc quy hoạch quản lý đất đai, không gian kiến trúc, cảnh quan dọc tuyến. Thế là lại góp phần sinh ra cái gọi là “đường hiện đại, phố nhà quê” như nhiều báo chí đã phê phán”, TS. Quảng lấy ví dụ.

TS. Quảng cũng thẳng thắn đề cập đến năng lực quản lý đô thị. Bên cạnh căn bệnh “nhiệm kỳ”, triết lý “quyền xin là của các nhà đầu tư, quyền cho là quyền năng của các nhà quản lý”... là sự buông lỏng, hay yếu kém trong năng lực của một bộ phận quản lý phát triển đô thị được giao quyền. 

Không thể đổ lỗi mãi cho quy hoạch

TS. Quảng cho rằng, quy hoạch xây dựng là một sản phẩm của tư duy. Triển khai xây dựng đô thị theo quy hoạch là việc biến “kịch bản” của tư duy thành sản phẩm thực tiễn. Chất lượng sản phẩm quy hoạch đô thị phụ thuộc vào chất lượng tư duy của các nhà hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị. Còn việc biến “kịch bản” của tư duy thành sản phẩm thực tiền là tài nghệ của các nhà quản lý, xây dựng, nhà đầu tư.

cần thiết phải “luật hóa” và “bình đẳng hóa” trước pháp luật các hành vi tham gia hoạt động trong lĩnh vực qui hoạch, xây dựng và quản lí đất đai xây dựng theo qui hoạch

Cần thiết phải “luật hóa” và “bình đẳng hóa” trước pháp luật các hành vi tham gia hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai xây dựng theo quy hoạch.

“Chính vì thế, chúng ta không thể chỉ phiến diện đổ lỗi mãi cho quy hoạch về tình trạng xây dựng lộn xộn tại các đô thị bởi thiếu quy hoạch hoặc “quy hoạch treo”. Hãy thử hỏi ngay tại nhiều đô thị của Việt Nam, khi quy hoạch chung đô thị và phần lớn các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, xây dựng không theo quy hoạch đã được hạn chế hoặc giảm thiểu tới mức nào? Câu trả lời là: Không đáng kể! Mà ngược lại nó còn bức xúc, gay gắt hơn nhiều”, TS. Quảng nêu quan điểm.

Hoặc tại TP. Hà Nội, TP.HCM, đất đai trong các quận quy hoạch phát triển mới đã có những biến động lớn như thế nào khi mà nhiều phương tiện thông tin đại chúng phải lên tiếng và chính quyền thành phố phải ra tay, cưỡng chế thu hồi.

“Vậy đâu là nguyên nhân? Phải chăng tư duy trong quản lý xây dựng cũng đã chậm hơn so với thực tiễn hoặc chưa đáp ứng được một cách tích cực những nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn trong quản lý quy hoạch và xây dựng?”, TS. Quảng đặt câu hỏi.

Đô thị được coi là một tổ hợp không gian vật chất. Bởi vậy, theo TS. Quảng, nó không đơn thuần chỉ do các nhà quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng tạo nên. Đô thị là sản phẩm chung của xã hội mang tính đa ngành, đa lĩnh vực...

Nếu không có sự phối hợp đa ngành tốt, đô thị vẫn luôn mắc phải chuyện sáng lát vỉa hè, chiều đào lên đặt ống cấp nước, mặt đường cứ vô tư được nâng cao sau mỗi lần trải “thảm nhựa”, mặc kệ sự úng ngập nhà dân hai bên tuyến phố do không theo kịp cốt đường. Mạng thông tin, chiếu sáng như mớ bòng bong, giăng mắc, lơ lửng giữa trời, phủ kín từ trung tâm đến tận cùng các ngõ phố. Hệ thống biển quảng cáo đủ kích cỡ, đủ sắc màu... được lắp dựng tuỳ hứng ở bất cứ đâu có thể... Tất cả đã góp phần tạo nên sự hỗn độn, thiếu sự quản lý, ảnh hưởng lớn đến diện mạo kiến trúc, cảnh quan chung đô thị.

“Thiếu vắng sự phối hợp đa ngành hay quản lý mang tính đa ngành, đô thị như bản giao hưởng thiếu “ông nhạc trưởng” để quán xuyến chung, làm mất đi vẻ đẹp, các cung bậc tài hoa, đầy sáng tạo mà lẽ đương nhiên tự thân bản giao hưởng phải có”, TS. Quảng so sánh.

Do đó, để phát triển đô thị, theo TS. Quảng, cần phải huy động mọi nguồn lực có trong xã hội từ nhân tài, vật lực, vốn đến cơ chế chính sách. Các kết quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua như đẩy mạnh cải tạo, mở rộng các đô thị cũ, phát triển thêm nhiều đô thị mới, với mức tăng tỷ lệ đô thị hoá từ 24% năm 1998 lên 35,7% vào năm 2015 đã khẳng định hiệu quả cao của chính sách đa dạng nguồn vốn và chủ đầu tư.

Việc đa dạng nguồn vốn, đa dạng chủ đầu tư tất nhiên cũng sẽ dẫn đến đa dạng các loại sản phẩm. Trong nền kinh tế thị trường, các sản phẩm quy hoạch đô thị, kiến trúc công trình được sinh ra từ nhiều nguồn vốn, chủ đầu tư. Trong đó, có sản phẩm tốt, trung bình, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm xấu...

Vậy, cách thức, công cụ quản lý nào để các sản phẩm có được chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị hiệu quả nhất? Lấy ví dụ từ việc xây mới tuyến phô Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội), TS. Quảng cho rằng: “Lẽ ra Hà Nội phải điều chỉnh, cấu trúc lại việc sử dụng đất kèm theo các quy định phải đảm bảo về tầng cao, hình thức kiến trúc, vật liệu, màu sắc công trình dọc hai bên tuyến đường... Và nhất thiết phải có công cụ (tạo hành lang pháp lý) đủ mạnh để định hướng, quản lý, kiểm soát chất lượng các loại sản phẩm đó, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị Việt Nam có chất lượng”.

Vấn đề mà TS. Quảng băn khoăn, đó là phải chăng chúng ta đang thiếu một công cụ quản lý hữu hiệu, một đội ngũ quản lý phát triển đô thị, có tâm, có tầm?

“Đã đến lúc chúng ta không phải chỉ tăng cường, nâng cao năng lực, trình độ quản lý của các tổ chức, cá nhân, chính quyền các cấp, nhận thức của cộng đồng bằng lý thuyết, bằng khẩu hiệu... mà cần thiết phải “luật hóa” và “bình đẳng hóa” trước pháp luật các hành vi tham gia hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai xây dựng theo quy hoạch, quản lý “dòng chảy” bất động sản theo hướng phản ánh trung thực nhu cầu phát triển thật của đô thị, góp phần hạn chế tình trạng tư duy chậm hơn thực tiễn hướng tới việc giảm dần, giảm hẳn những hậu quả xấu mà trong quá trình đô thị hóa lẽ ra đã có nhiều cơ hội để chúng ta tránh được”, TS. Quảng đề xuất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top