Đất hộ này nhưng hộ khác đứng tên sổ đỏ
Phản ánh đến Reatimes.vn, đại diện cho gần 200 hộ dân xã Bình Yên cho biết, năm 2012, trong khi lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án 52,7 ha, các hộ dân mới biết phần đất nông nghiệp của mình được cấp sổ đỏ từ năm 1999. Khó hiểu là UBND xã Bình Yên lại ỉm đi và không bàn giao sổ đỏ cho người dân.
Các hộ dân cho rằng, không nhận được sổ đỏ, không biết diện tích trong sổ đỏ của mình là bao nhiêu nên nhiều hộ dân bị mất trắng hàng trăm triệu đồng tiền đền bù vì đất của mình nhưng người khác lại đứng tên.
Anh Trần Đức Vây – người dân thôn Thái Bình cho biết, khi chính quyền địa phương gọi lên nhận tiền đền bù, anh phát hiện diện tích đền bù đất nông nghiệp của anh bị mất 258m2. Theo anh Vây, từ trước đến nay anh chưa bao giờ được UBND xã thông báo mời lên nhận sổ đỏ và không biết diện tích ghi trong đó là bao nhiêu.
“Phần đất bị mất đõ tôi vẫ sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhiều năm nay và đóng thuế sử dụng đất đầy đủ, không hiểu sao người khác lại đứng tên sổ đỏ mảnh đất của tôi. Vì mất đi phần diện tích đất này nên tôi bị mất gần 200 triệu tiền đền bù. Không hiểu chính quyền địa phương làm việc kiểu gì”, anh Vây bức xúc.
Tương tự, một phần đất nông nghiệp của mình bị người khác đứng tên khiến bà Tăng Thị Đông không khỏi bức xúc: "Nếu chính quyền địa phương bàn giao sổ đỏ cho dân từ năm 1999 thì chúng tôi đã phát hiện ra những phần diện tích bị thiếu, bị sai và có phương án sửa chữa. Không hiểu vì sao họ lại giữ luôn sổ đỏ của dân để cho người dân phải chịu thiệt”, bà Đông nói.
Trước sự việc này, nhiều hộ dân xã Bình Yên không khỏi nghi ngờ, chính quyền địa phương giữ sổ đỏ để “ăn bớt” diện tích đất của dân nhằm trục lợi.
“Không chỉ việc giữ sổ đỏ của dân, các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ vì sao phần diện tích đất nông nghiệp của một số hộ tự nhiên chuyển sang cho người khác đứng tên”, một hộ dân kiến nghị.
Giữ luôn để đỡ phải thu hồi
Đó là khẳng định của ông Lê Văn Mão – Chủ tịch UBND xã Bình Yên. Ông Mão cho rằng, việc giữ sổ đỏ của dân, trách nhiệm đầu tiên thuộc về trưởng thôn. Theo ông Mão, năm 2008, trong quá trình kiểm đếm đất để lên phương án đền bù, UBND xã phát hiện sổ đỏ của người dân vẫn nằm trong nhà trưởng thôn Thái Bình là ông Ngô Văn Ngọt.
Xã đã mời ông Ngọt ra để giải trình, ông Ngọt cho rằng, các đồng chí nhiệm kỳ trước giao cho ông nhưng khi biết phần diện tích đất nông nghiệp của thôn nằm trong diện quy hoạch nên ông quyết định không bàn giao cho người dân. Ông Ngọt giữ luôn tại nhà mà không báo cáo xã.
Sau đó, UBND xã đã yêu cầu ông Ngọt mang toàn bộ sổ đỏ giao cho địa chính xã quản lý.
“Xã quyết định giữ lại sổ đỏ để phục vụ chỉnh lý, đỡ phải thu lại”, ông Mão nói.
Ông Mão khẳng định, việc xã giữ sổ đỏ đã được người dân đồng thuận vì xã đã tổ chức hội nghị họp dân tại nhà văn hóa thôn.
Khi được hỏi biên bản cuộc họp, ông Mão loay hoay một lúc rồi bảo: "Chưa tìm thấy".
Trong suốt buổi làm việc với phóng viên, ông Mão liên tục khẳng định, xã đã triển khai trên 1000 phương án đền bù và không có vướng mắc gì. Trước hàng chục đơn phản ánh của người dân, phóng viên yêu cầu ông Mão trả lời thì vị chủ tịch xã cho rằng, nhiều người dân đã nhận tiền đền bù rồi nhưng vẫn gửi đơn đi kiện. Nhiều người dân phản ánh, kiện cáo không chính xác, đó chỉ là ý kiến chủ quan của người dân.
Trả lời về trường hợp của anh Vây, vị chủ tịch xã thừa nhận, trường hợp của anh Vây xã đã làm sai.
“Các đồng chí ở tiểu ban chia ruộng "rút" của nhà nọ sang nhà kia nhưng không điều chỉnh sổ đỏ nên "rút" nhầm 168m2 đất của anh Vây sang sổ đỏ của ông Đào Xuân Ngọc”, ông Mão nói.
Trường hợp ông Quách Đình Hùng có 360m2 nhưng chỉ được đền bù 240m2, diện tích còn lại không được trả mà không nói rõ lí do. Ông Mão khẳng định: “Hiện nay đã có phương án bổ sung 120m2”.
Riêng trường hợp của bà Tăng Thị Đông, ông Mão cho biết, bà Đông đã bán đất cho người khác rồi đi khiếu kiện.
Reatimes.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.