Aa

Hà Nội chống dịch - Đừng để càng chống càng rối

Thứ Hai, 06/09/2021 - 15:16

Hà Nội tiếp tục giãn cách. Đó là điều đã được dự đoán trước. Nhưng điều mọi người ngạc nhiên là Thủ đô lại một phen nháo nhào hết cả lên về chuyện giấy đi đường… Đã lần thứ 4 đổi giấy đi đường mà càng đổi càng rối.

Xin sơ lược lại lịch trình của đợt giãn cách thứ ba trong làn sóng thứ tư này:

Ngày 1/9, phát dự lệnh bằng việc ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc CDC Hà Nội trả lời báo chí, rằng có thể Hà Nội sẽ phải giãn cách toàn xã hội thêm ít nhất 7 ngày.

Ngày 3/9, chính thức phát lệnh phân vùng chống dịch với 3 vùng mức độ khác nhau, trong đó nội đô thuộc vùng đỏ tiếp tục siết chặt giãn cách đến ngày 21/9.

Ngày 4/9, thông báo việc cấp giấy đi đường mới với 6 đối tượng khác nhau.

Sáng 5/9, thông báo cụ thể thẩm quyền và quy trình cấp giấy đi đường mới cho từng đối tượng.

Bắt đầu từ sáng 6/9, chính thức thực hiện kiểm tra theo giấy đi đường mới, trong đó sẽ siết chặt việc di chuyển giữa các vùng.

Thế là, cả Hà Nội nháo nhào hết cả lên!

Xe máy nườm nượp trên cầu vượt tại Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội).
Xe máy nườm nượp trên cầu vượt tại Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội trong ngày 6/9. (Ảnh: Báo Lao động)

Nháo nhào ở chỗ, trước đó Hà Nội chỉ thông báo việc phân vùng, đối tượng được phép đi lại và giấy đi đường mới, nhưng không thông báo thẩm quyền và quy trình cấp giấy thế nào, nên mọi người có sốt ruột đi nữa thì cũng chỉ biết ngồi chờ. Đến sáng ngày 5/9 mới thông báo cụ thể thẩm quyền và quy trình cấp giấy đi đường, nhưng sáng hôm sau đã phải thực hiện rồi thì có kịp xin giấy vào… mắt, không nháo nhào mới là lạ.

Đối với những đối tượng do thủ trưởng đơn vị cấp giấy thì chẳng nói làm gì (cho dù cũng cần thời gian để thực hiện), nhưng với các đối tượng do Phòng Cảnh sát giao thông thành phố hoặc công an xã/ phường, thị trấn cấp giấy đi đường thì đều phải qua 4 bước, từ cung cấp thông tin, gửi danh sách, duyệt và cấp giấy đi đường. Chỉ trong 1 ngày, mà lại là ngày nghỉ, có biết bao nhiêu đối tượng cần cấp giấy, làm sao có thể thực hiện kịp? Đó là chưa kể, từ lúc quy trình này được duyệt, cho đến lúc nó đến được với các đối tượng cần đến, rồi lại còn họp hành, phân công, triển khai, thực hiện… sẽ cũng phải cần thời gian, mà là không ít thời gian.

Các cơ quan chức năng cần thời gian và con người để triển khai, thực hiện, nhưng công việc thì không chờ.

Bộ Giao thông Vận tải đã phải lo sốt vó, vì ngày 4/9, nhiều đơn vị ngành Hàng không đã liên hệ với công an địa phương nhưng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. Thì công an địa phương cũng đã nhận được hướng dẫn của cấp trên đâu mà hướng dẫn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, sân bay Nội Bài đóng trên địa bàn huyện Sóc Sơn được xác định là vùng 2. Mà theo Bộ GT-VT, để duy trì hoạt động hàng không đi và đến Nội Bài có trên 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, 55 hãng hàng không trong, ngoài nước và 5 cơ quan quản lý Nhà nước, với trên 10.000 nhân viên; mà phần lớn số nhân sự này lại sống ở khu vực trung tâm thành phố thuộc vùng 1. Mà muyốn di chuyển tới sân bay Nội Bài đều phải qua các chốt ở các đầu cầu cửa ngõ ra vào thành phố, nếu không được cấp giấy đi đường mới kịp thời, thì coi như sân bay… đóng cửa.

Chính vì thế mà đích thân Bộ GTVT phải có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ trong việc cấp giấy. Nhưng đề nghị là một chuyện, còn cấp kịp hay không lại là chuyện khác.

Đó là đơn vị Nhà nước được cả bộ chủ quản hỗ trợ còn khó khăn như thế, thử hỏi các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân, thì khó khăn trùng trùng là điều không có gì lạ (có lạ là tại sao cho đến giờ, không ít người vẫn còn kỳ thị với doanh nghiệp tư nhân).

Tôi có người thân làm doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là chế biến nông sản để xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản. Khi vấp phải đại dịch, công việc đã trở ngại trùng trùng. Nhưng nếu bỏ việc thì vừa đứt chuỗi cung ứng của khách hàng, vừa là mất chữ tín với khách, mà như thế thì sau khi đại dịch đi qua còn đâu mối hàng để làm ăn.

Nhưng quan trọng hơn là nếu ngừng sản xuất, sẽ kéo theo bao nhiêu công nhân nhà máy ở các tỉnh Hải Dương và Ninh Bình không có việc làm. Tệ hại hơn là sẽ kéo theo bao nhiêu sản phẩm của nông dân trồng rồi, thu hoạch rồi phải đổ bỏ… Vì vậy mà công ty phải cố bươn chải để duy trì cả chuỗi từ sản xuất đến cung ứng ấy. Khó khăn thì khắc phục. Nhưng khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, liên quan đến cơ quan chức năng thì bản thân doanh nghiệp không thể tự khắc phục được.

Bằng chứng là cả ngày 5/9, cả công ty náo loạn cả lên về chuyện xin giấy đi đường mẫu mới. Lập danh sách rồi, chuyển đến công an phường rồi, nhưng sang chiều vẫn chưa thấy thông tin gì. Gọi điện hỏi thì cơ quan chức năng nói chưa có. Đợi đến cuối giờ chiều gọi điện đến cháy cả máy thì đầu dây bên kia… tắt luôn. Cũng phải thôi, trăm người xin, một người cấp thì có ba đầu sáu tay cũng chả thể đáp ứng kịp.

đường phố Hà Nội
(Ảnh: Báo Lao động)

“Thế là tiêu đời rồi”. Vì không có giấy thì làm sao đi làm được thủ tục hải quan. Mà không làm được thủ tục hải quan thì tàu đến giờ sẽ vẫn cứ xuất bến, chứ họ có chờ xứ mình cấp xong giấy đi đường rồi mới nhổ neo đâu. Thế là bao nhiêu công sức tiền của đổ xuống sông xuống bể. Vất vả mới thu xếp được vỏ container, lại chịu thuê giá cao, cước tàu cao để duy trì mối hàng. Nhưng chỉ vì cái giấy đi đường, tưởng là chẳng đáng kể gì, mà tất cả cố gắng, tất cả công sức của công nhân dưới nhà máy và mồ hôi nước mắt của bà con nông dân một nắng hai sương tan thành mây khói…

Dẫn chứng một ví dụ cụ thể như thế để thấy, một cái doanh nghiệp tư nhân con con còn chịu ảnh hưởng như thế, thử hỏi bao nhiêu doanh nghiệp khác thì thiệt hại sẽ như thế nào, và thiệt hại dây chuyền sẽ lớn như thế nào. Đến mức VTCNEWS ngày 5/9 đã phải đăng bài “Đau đầu xin lại giấy đi đường ở Hà Nội, có doanh nghiệp 'bỏ cuộc chơi'”, trong đó có viết: “Trong 40 ngày kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội, TP. Hà Nội 4 lần đổi mẫu giấy đi đường. Việc liên tục thay đổi mẫu giấy cùng cách thức thực hiện khiến các doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, gõ cửa nhiều cơ quan và gặp nhiều khó khăn. Thậm chí để tránh phiền toái, có doanh nghiệp chấp nhận… “ngủ đông”, tạm ngừng hoạt động”.

Tạm ngừng hoạt động. Nhưng bỏ sản xuất không phải là chủ trương của Chính phủ, không phải là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Mà cái giấy đi đường nó bắt phải bỏ. Hơn cả quá tam ba bận, đến cả 4 lần đổi giấy đi đường rồi mà Hà Nội vẫn cứ rối, vẫn cứ lúng túng.

Tiếng kêu của doanh nghiệp trong việc cấp giấy đi đường có thể coi là tiếng kêu của sự bất lực trước lúng túng không đáng có trong thủ tục hành chính của chính quyền thành phố Hà Nội. Nói không đáng có, bởi thành phố hoàn toàn chủ động trong việc cấp giấy này, hoàn toàn có thể xây dựng phương án, quy trình, hướng dẫn triển khai và hoàn toàn có thừa thời gian cho việc cấp giấy trước khi siết chặt vào sáng 6/9. Có đầy đủ tất cả thời gian, lực lượng, quyền hành trong tay, nhưng Hà Nội không làm, lại để nước đến chân mới nhảy, để rồi dồn doanh nghiệp, dồn người dân vào thế khó, kéo theo là những thiệt hại to lớn cả hữu hình và vô hình.  

Chỉ là việc cấp cái giấy đi đường mà đã như thế, thì cái việc chống dịch phức tạp và gian truân, thì những việc đại sự liệu người dân biết tin vào đâu?

Và, tiếng thở dài của doanh nghiệp không những chỉ thể hiện sự bất lực, mà còn thể hiện cả sự mất lòng tin. 
Chạy đôn chạy đáo không xin được giấy đi đường mới cho công việc bắt buộc phải làm vào ngày hôm sau, không ít người đã buông xuôi, cười chua chát rồi tự an ủi nhau: “Thôi, biết đâu ngay mai lại bỏ giấy đi đường mới, giống như lần trước”.

Rồi nhân bảo như thần bảo, không đến mức bỏ quy định mới như lần trước, nhưng sáng 6/9 trên ti vi cũng thông báo sớm là thành phố Hà Nội lùi thời gian thực hiện mẫu giấy đi đường mới sang ngày thứ tư, tức lùi lại 2 ngày.

Mọi người thở phào. Nhưng kèm theo đó là cái lắc đầu ngao ngán. Tại sao lại phải lùi? Vì cái lệnh lãnh đạo thành phố ban ra là không có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, là bất khả thi. Bất khả thi với cả người dân, doanh nghiệp và bất khả thi với cả các cơ quan chức năng. Vì sao bất khả thi mà vẫn cứ ban hành, ban hành rồi lại lùi thời gian thực hiện?

Điều đó cũng thể hiện sự lúng túng của Hà Nội trong việc chống dịch. Sự lúng túng đó chứng tỏ thành phố không có sẵn các phương án, không có sẵn các kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra. Trong khi đó, Đảng, Chính phủ đều xác định chống dịch lần này như chống giặc, là một cuộc chiến thực sự. Nhưng bước vào cuộc chiến mà không có sẵn trong tay các phương án, các kế hoạch tác chiến, không có sẵn các kịch bản để chủ động đối phó, thì sẽ càng chống càng rối, và như thế thì khó có thể nói sẽ giành được chiến thắng.

Rất mong thành phố rút ra được bài học cần thiết qua việc cấp giấy đi đường lần này và rút kinh nghiệm từ các địa phương phía Nam, để gấp rút xây dựng các phương án cho các tình huống, phương án từ cấp thành phố đến sở, ngành, quận huyện, và phương án đến tận cấp xã phường, thậm chí đến tận tổ dân phố.

Chỉ có như thế thì khi chống dịch mới không lúng túng, mới nắm được thế chủ động. Đừng để càng chống càng rối.

Và chỉ có như thế mới có thể sớm chiến thắng dịch bệnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top