Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết HĐND thành phố đã có một chuyên đề riêng giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện.
Bà Ngọc cho biết vào tháng 8 tới, HĐND TP. Hà Nội sẽ tổ chức một phiên họp riêng và yêu cầu UBND TP. Hà Nội giải trình về vấn đề này.
Một thành viên Ban kinh tế của HĐND TP. Hà Nội cũng cho biết thường trực HĐND thành phố đã thực hiện việc giám sát sử dụng đất, quy hoạch, cũng như các dự án bỏ hoang tại Hà Nội. Tuy nhiên việc giám sát hoàn thành ngay trước kỳ họp HĐND thành phố vừa qua nên kết quả chưa thể công bố sớm.
"Vào tháng 8 tới, trong buổi làm việc với thường trực UBND, HĐND sẽ có những kiến nghị qua đợt giám sát. Các đại biểu HĐND sẽ giám sát các kiến nghị được nêu trong đợt giám sát vừa qua", vị này cho biết thêm.
Trước đó vào chiều 11/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu HĐND TP - Tổ đại biểu số 2 đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 6 HĐND khóa XV tại quận Hoàn Kiếm.
Nói về các dự án công trình quá thời hạn triển khai, kiên quyết thu hồi những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực, ông Chung cho biết trong thời gian qua, thành phố nhận thấy có các dự án mà chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và kéo dài thời gian thực hiện. Có những dự án kéo dài đến tận 15-17 năm.
Ngay từ quý I/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã xác định có 537 dự án chậm, thậm chí có những dự án từ năm 1997.
Từ đó đến nay, thành phố đã tập trung chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của dự án còn tồn đọng. Trong đó, đã gia hạn với các dự án mà chủ đầu tư có đủ điều kiện, cam kết tiếp tục đầu tư; tháo gỡ khó khăn trong thủ tục, giải phóng mặt bằng; kết nối với các ngân hàng trong vấn đề vốn...
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh vẫn còn những dự án mà chủ đầu tư để thời gian kéo dài.
"Hiện thành phố đang giao sở Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo các quận, huyện tiếp tục rà soát, trong quý III/2018, sẽ công bố công khai toàn bộ dự án chậm. Tuy nhiên, quá trình thu hồi cần phải được xem xét kỹ lưỡng và thấu tình đạt lý", ông Chung nói.
Hà Nội có rất nhiều dự án đã chậm triển khai từ nhiều năm nay, trong đó có nhiều dự án sở hữu các lô đất vàng, gần trung tâm. Một số dự án chậm triển khai để trống các lô đất như Tháp Tài chính Quốc tế - IFT (quận Cầu Giấy), dự án Tháp Thiên Niên Kỷ (quận Hà Đông), dự án 131 Thái Hà, dự án Twin Tower (đường Láng - quận Ba Đình), dự án Nam Đàn Plaza và Lotus Hotel (quận Nam Từ Liêm)...
Trao đổi với Zing.vn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, cho rằng để một mảnh đất vàng bỏ hoang là một sự lãng phí không chỉ với nhà đầu tư mà còn với xã hội. Khi thu hồi dự án và giao cho người khác triển khai, mảnh đất vàng sẽ tạo ra giá trị, tạo thêm công ăn việc làm, tạo nên các dự án đầu tư phát triển mới.
Ông Hiểu cũng cho rằng việc thu hồi đất vàng sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, tránh việc đầu cơ đất, gây bức xúc trong dân. Đặc biệt là những vụ việc sau khi đền bù, giải phóng mặt bằng rồi quá chậm đưa vào sử dụng, gây nên bức xúc, người dân cũng hoài nghi chính quyền.