GS.TS.KTS. Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã cho biết như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
PV: Là một chuyên gia trong ngành xây dựng, ông có thể phân tích sâu hơn về nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại các thành phố lớn hiện nay?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu: Thực tế nguyên nhân ngập lụt ở Hà Nội, TP.HCM cũng như các thành phố lớn khác trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân khác nhau, thuộc về yếu tố khí hậu và phi khí hậu.
Liên quan đến yếu tố khí hậu là có bão ở lưu vực triều cường dâng cao, mưa lớn triền miên tại các khu vực đô thị dẫn tới tình trạng ngập trên diện rộng; yếu tố phi khí hậu liên quan đến lưu vực, liên quan đến đô thị như: Phá rừng bừa bãi, hồ chứa nước không tương xứng, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng. Đặc biệt, tại các đô thị lớn chúng ta thấy diện tích mặt nước, mặt ao hồ ngày càng bị thu hẹp trong khi mặt phủ hay nói cách khác là tốc độ bê tông hóa thì ngày càng nhiều.
Chính vì những nguyên nhân trên nên việc đầu tư không theo kịp quá trình đô thị hóa cũng như các điều kiện về kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo đủ yêu cầu, quy hoạch tổng thể chưa đồng bộ với các biến động về địa hình, lún nứt.
Ngoài ra, yếu tố được cho là quan trọng hơn cả đó là quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi các giải pháp về mặt hạ tầng lại không đáp ứng được. Chính vì quá trình đô thị hóa nhanh sẽ dẫn tới tình trạng mặt nước bị thu hẹp, bộ phận tiêu thoát tự nhiên không còn nhiều, thay vào đó là đường nhựa, là bê tông – không thể thẩm thấu và thoát nước được.
PV: Có ý kiến cho rằng nguyên nhân ngập là do mật độ xây dựng quá dày đặc tại các thành phố lớn. Quan điểm của ông như thế nào?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu: Liên quan đến chuyện quy hoạch, tôi cho rằng có mấy vấn đề đó là tại một số khu vực việc quy hoạch sử dụng đất của các dự án chưa phù hợp, chưa tính đến yếu tố biến đổi khí hậu nên khi các dự án được hoàn chỉnh thì những rủi ro liên quan đến ngập lụt tăng lên rất nhiều; thứ hai là quy hoạch cao trong khi độ nền chưa đồng bộ; thứ ba là quy hoạch hạ tầng chưa tốt.
PV: Vậy tại sao tình trạng ngập chủ yếu diễn ra ở các khu đô thị mới được hình thành dọc các tuyến đường Đại Lộ Thăng Long, Lê Văn Lương… thưa ông?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu: Chúng ta thấy tại các khu vực đó mật độ xây dựng tăng lên rất nhiều trong khi hạ tầng của chúng ta không đáp ứng được, cùng với đó đồng nghĩa các hệ thống thoát nước ban đầu đã bị san lấp… dẫn tới tình trạng ngập lụt diễn ra nhiều hơn, lâu hơn.
Chưa kể chúng ta chưa quan tâm nhiều tới công tác điều tra cơ bản và sử dụng các số liệu điều tra cơ bản vào quản lý. Đây là một thiếu sót trong nghiệp vụ quản lý, chưa quan tâm tới những tình huống xấu nhất có thể xảy ra do tác động của thiên nhiên.
PV: Để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu: Dù lỗi ở đâu thì các cơ quan quản lý, người quản lý đều phải chịu trách nhiệm. Bởi đơn giản, dù ngay trong trường hợp lỗi thuộc chủ đầu tư, có ăn bớt độ cao khi san nền thì cơ quan quản lý phải thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên để phát hiện và uốn nắn kịp thời.
PV: Vậy theo ông thành phố cần có giải pháp gì để cải thiện tình trạng trên?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu: Cùng một lúc chúng ta cần kết hợp rất nhiều giải pháp, bao gồm giải pháp làm giảm tác động, giải pháp giảm thiệt hại, giải pháp làm giảm nhẹ nguy cơ… đều nằm trong nhóm giải pháp quy hoạch.
Ngoài ra, chúng ta cần cả các giải pháp công trình và phi công trình mà tổng thể thì chúng ta phải có tầm nhìn quy hoạch về lâu dài chứ không phải trước mắt, đó là chúng ta phải có biện pháp bảo vệ nhiều lớp tại đô thị, giải quyết tốt các vấn đề hạ tầng kỹ thuật, tiêu thoát nước trong từng khu vực để từ đó đấu nối, kết hợp trên tổng thể hệ thống của thành phố.
Chúng ta cũng cần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi gây tắc nghẽn các hệ thống tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý trong việc điều chỉnh lại các quy hoạch bằng cách thành phố cần xem xét lại các vấn đề cấp phép đầu tư xây dựng mới, cần phải tính toán đảm bảo cho các bước tiếp theo.
Ví dụ, tại một dự án xây mới sẽ có thêm 5.000 dân thì tương ứng với nó là hệ thống cấp – thoát nước, hạ tầng giao thông, an sinh xã hội đã phù hợp và có đáp ứng đồng bộ hay chưa? thậm chí phải tăng thêm nguồn lực để phục vụ các công việc liên quan đến lĩnh vực môi trường như nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp thoát nước để đảm bảo hoạt động tốt hơn, bổ sung thêm hạ tầng mới…
Để giải quyết việc này, tôi cho rằng có khá nhiều việc mà chính quyền đô thị cần quan tâm và thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông!