Aa

"Hà Nội của chúng ta giống như cái ao làng"

Chủ Nhật, 18/03/2018 - 06:01

Đó là nhận định của hoạ sĩ Thành Chương trong toạ đàm "Không gian sống dưới góc nhìn văn hoá", theo hoạ sĩ Thành Chương, thủ đô là đại diện văn hóa của mỗi quốc gia nhưng Hà Nội của chúng ta giống như cái ao làng, không có quy củ, văn minh hiện đại như các đô thị khác.

“Đô thị chúng ta mới chỉ có diện mạo kiến trúc thôi!”

Với những tòa cao ốc, chung cư đang mọc lên dày đặc nhất là phía Tây Nam Thủ đô thuộc các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông cùng nhiều tuyến đường xây mới hoặc mở rộng làm thay đổi diện mạo Hà Nội so với vài năm trước.

Trao đổi với phóng viên Reatimes, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: “Không gian sống của chúng ta hiện nay có nhiều vấn đề vì đô thị mới chỉ có diện mạo kiến trúc, tức là vật chất thôi chứ không gian cộng đồng còn rất yếu”.

Theo nghiên cứu của giới chuyên môn thì tỷ lệ đất cây xanh, mặt nước, công viên ở Hà Nội so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh… làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.

Mật độ dày đặc của các tòa chung cư tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính

Mật độ dày đặc của các tòa chung cư tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính

Đơn cử, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính được đưa vào sử dụng năm 2009 với gần 2.400 căn hộ, quy mô dân số trên 10.000 người. Nhưng chỉ sau vài năm, hàng loạt chung cư khác cũng liên tục mọc lên. Hiện có khoảng 30 tòa cao ốc cao từ 10 đến trên 30 tầng với số lượng dân cư tăng chóng mặt. Hạ tầng quá tải, hầm đỗ xe không đáp ứng đủ nên vỉa hè, sân chơi của nhiều tòa chung cư trở thành bãi đậu xe.

Hay như khu đô thị Linh Đàm trước kia từng là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng có đường nội bộ rợp bóng cây, thảm cỏ vườn hoa. Nhưng từ năm 2009, quy hoạch này dần bị băm nhỏ khi hàng loạt tổ hợp chung cư cao tầng khác mọc lên khiến giao thông khu vực phía nam thành phố bị quá tải.

Năm 2015, khi tổ hợp chung cư 12 tòa HH khu Tây Nam Linh Đàm với gần 9.000 căn hộ. Nếu làm một phép tính đơn giản, mỗi căn hộ trung bình có 3 người thì số dân tại khu tổ hợp chung cư này ngót 3 vạn người. Mật độ dân số lên đến gần 8 người/mét vuông, đủ để thấy hệ thống hạ tầng xung quanh bị quá tải với hàng loạt bất cập phát sinh như áp lực điện, nước, thiếu sân chơi, trường học ..

Nhà báo Trần Đăng Tuấn nhìn nhận: “Văn hóa cộng đồng đang bị đánh mất đi nhiều quá vì không có chỗ cho người dân sinh hoạt cộng đồng. Văn hóa của các khu đô thị xét cho cùng là vấn đề dân chủ vì bị những lợi ích không lành mạnh lấn át đi rất nhiều”.

Xây dựng khu đô thị đáng sống: Công tác quản lý Nhà nước đóng vai trò quyết định

Ngày nay, văn hóa làng dường như bị mất đi khi quá trình đô thị diễn ra nhanh và mạnh, mỗi năm có thêm 1 triệu dân tham gia sống ở đô thị. Làm thế nào để xây dựng một đô thị vừa văn minh, tân tiến lại vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc là một bài toán khó được buổi tọa đàm đặt ra và thảo luận.

Để có được khu đô thị đáng sống cần lắm những không gian sinh hoạt cộng đồng

Để có được khu đô thị đáng sống cần lắm những không gian sinh hoạt cộng đồng

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng quan tâm đến việc làm sao có được những nơi sống văn minh và hiện đại. Cuộc sống chung cư ở Việt Nam là xu thế tất yếu, nhưng làm thế nào để chung cư trở nên văn hoá, có môi trường sống lý tưởng cho cư dân lại là một vấn đề vô cùng lớn”.

Hầu hết các dự án xây dựng ở Hà Nội từ khi quy hoạch đến thiết kế đều được thực hiện chuẩn "khuôn vàng, thước ngọc" tạo sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, quy mô dân số. Tuy nhiên, đến khi thực thi dự án lại bị điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh nhiều lần về số tầng cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng sang nhà ở, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp. Điều này khiến quy mô dân số tăng lên gấp nhiều lần, dẫn đến tình trạng nhiều khu đô thị vừa đưa vào sử dụng đã quá tải về hạ tầng, điện nước và các công trình phúc lợi công cộng.

Họa sĩ Thành Chương nhận định: “Thủ đô là đại diện văn hóa của mỗi quốc gia. Nhưng Hà Nội của chúng ta giống như cái ao làng, không có quy củ, văn minh hiện đại như các đô thị khác”.

Đồng tình với quan điểm của họa sĩ Thành Chương, nhà văn Trần Thanh Cảnh cho rằng, ngày nay khái niệm người Hà Nội gần như là không có. Để xây dựng được những khu đô thị đáng sống thì công tác quản lý Nhà nước giữ vai trò quyết định và cần phải có cơ sở về mặt hạ tầng, không gian. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư cố gắng cân bằng giữa lợi nhuận và lợi ích xã hội.

Hay nói như nhà báo Trần Đăng Tuấn: “Nhà có thể không đẹp nhưng nếu có bãi cỏ trước mặt để người dân sinh hoạt thì tình cảm cộng đồng, ý thức cộng đồng mới có thể nảy nở.”

Toạ đàm "Không gian sống dưới góc nhìn văn hoá" nằm trong khuôn khổ Lễ phát động Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" diễn ra vào ngày 15/3/2018 tại Hà Nội. Chương trình có sự tham dự của các thành viên Hội đồng Giám khảo Cuộc thi như: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Hoạ sỹ Thành Chương, Nhiếp ảnh gia Trọng Chính...
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top