Con số này không hề hoang đường nếu bạn nghe tại buổi tổng kết mới đây của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận xét về sự lãng phí khủng khiếp trong quản lý nguồn tài nguyên đất đai, rằng “nếu những năm 90, khi mở đường, chúng ta lấy rộng ra hai bên 200-300m mặt đường thì thành phố đã giàu lắm rồi, chúng ta có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước khác”.
Ôi, hơn hai chục năm sau mới “vỡ” ra điều này thì liệu có quá muộn không nhỉ?
Có một câu chuyện được truyền miệng vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20: Một cán bộ cao cấp của ta hỏi kinh nghiệm một quan chức cao cấp Đài Loan làm thế nào dự trữ ngoại tệ của Đài Loan lên tới trên 90 tỷ USD thì được trả lời rằng: Con số đó quá nhỏ bé so với Việt Nam. Bởi vì hầu hết đất đai của Đài Loan nằm trong tay tư nhân, Nhà nước muốn dùng thì phải mua lại. Còn đất đai ở Việt Nam nằm trong tay Nhà nước. Đó là nguồn dự trữ quốc gia vô cùng lớn nếu được đầu tư và khai thác tốt.
Thời gian cứ trôi đi, câu chuyện cũng dần đi vào quên lãng, phần vì “cơm không ăn, gạo còn đó”; phần vì đấy là đất công, chẳng phải của riêng ai nên chẳng con tim nào đau, chẳng khúc ruột nào xót khi bị lãng phí, khi bị xà xẻo.
Đến khi ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị tuyên bố tại hội thảo Phát triển và quản lý thị trường BĐS giữa tháng 9/2003 rằng, Việt Nam có thể huy động được 5.000 tỷ USD từ đất đai để đầu tư phát triển thì nhiều người mới giật mình nghĩ lại. Thì ra Nhà nước ta đang ngồi trên một núi vàng mà “quên” mất.
Tính đến lúc đó, suốt cả 10 năm trời vận động, ngoại giao con thoi hàng chục quốc gia và các tổ chức quốc tế viện trợ ODA cho Việt Nam (mà đây là đi vay, nay mai con cháu chúng ta phải trả) cũng chỉ mới được cam kết hơn 20 tỷ USD, và cũng chỉ giải ngân được hơn 10 tỷ USD. Nay tự nhiên ngoái lại thấy trong nhà có tới 5.000 tỷ USD thì giật mình là còn nhẹ.
Vậy trong khối tài sản khổng lồ kia, Hà Nội có bao nhiêu? Nếu chỉ “khiêm nhường” với con số 10% thôi thì nguồn tài sản ấy đã khổng lồ lắm rồi, 500 tỷ USD. Và lại giả định khác là trong hơn 20 năm qua, Hà Nội đã để thất thoát bao nhiêu trong nguồn tài sản này? Chỉ tính một con số “khiêm nhường” 20% thì cũng là 100 tỷ USD rồi!
Chợt nhớ hồi mở rộng đường Kim Liên kéo dài cách đây khoảng chục năm, nhiều ý kiến chuyên gia đã đề nghị thu hồi đất hai bên đường sâu vào trong 200-300m, rồi cho đấu giá nhà mặt phố, tạo nguồn ngân sách cho thành phố tái đầu tư. Tuy nhiên, không ai làm!
Có một lý do mà dân người ta truyền tai nhau, đó là ngay khi dự án mở rộng đường được phê duyệt thì những mảnh đất “ngàn vàng” ấy đã có chủ mới. Chỉ thời gian ngắn sau, các thương vụ “mua một bán mười” đã diễn ra, một lớp người giàu có lại xuất hiện.
Dù cho người ít hiểu biết cũng nhận ra rằng, lẽ ra số tài sản ấy là của ngân sách Nhà nước thì nay lại chảy qua chủ sở hữu khác.
Chẳng thế, cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Chung nhận định: “Tôi nghe câu chuyện trước đây, cứ mỗi lần lập đồ án là người ta đi mua bán đất. Năm vừa qua, tôi chứng kiến chuyện đó là có thật, bởi khi cắm chỉ giới đường đỏ ở khu vực đấy thì bắt đầu sinh ra chuyện mua đất, chuyện đánh chém nhau. Hóa ra là toàn “xi nhan” người thân người quen đi mua, toàn nội bộ chúng ta ra cả, thế nên mới có những uốn lượn hay kéo dài trong kiến trúc”.
Có người nhận xét là Nhà nước mình “dại”, có của mà không biết giữ. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, trong bộ máy “dại” ấy lại có khá nhiều người “khôn”, đã điều chuyển được dòng tài sản ấy sang một hướng khác một cách hợp pháp!
Hy vọng rằng, khi đã “bắt được bệnh” rồi, với số tài sản đất đai còn lại, Hà Nội sẽ biết khai thác một cách thông minh và khôn ngoan để phục vụ cho phát triển Thủ đô trong tương lai.