Theo thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội tính đến ngày 29/7/2016 có 34 dự án do chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Theo đó, danh sách này có sự “góp mặt” của những chủ đầu tư được cho là tên tuổi trong làng bất động sản tại Hà Nội hiện nay như: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp 1 phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest (Khu đất có ký hiệu TTDV-01, KĐTM An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội, quận Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất, Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (Khu A, B Tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty TNHH Đầu tư Capitaland - Hoàng Thành (CT09 - Khu Cổ Ngựa, Khu đô thị mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Việt (KĐTM Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất…
Vừa qua, chung cư Dolphin Plaza cũng nổi lên với những những lùm xùm quanh việc thế chấp ngân hàng. Về dự án này, theo danh sách thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai dự án 28 Trần Bình, phường mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm của Công ty CP TID thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, còn kể đến các “đại gia” bất động sản khác: Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội (thửa số 04, 03, 02, 01 phường Yên Nghĩa, phường Dương Nội, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty TNHH Mai Trang (Dự án số 16 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty cổ phần Hóa chất và Vật tư Khoa học kỹ thuật (Dự án Số 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) thế chấp bằng quyền sử dụng đất…
Nhận định về danh sách này của Sở TN&MT Hà Nội, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc thế chấp ngân hàng của một dự án thông thường là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc này sẽ là trái pháp luật nếu như dự án đã thế chấp rồi lại đem đi bán hoặc bán cho khách rồi lại đem đi thế chấp.
Theo GS Đặng Hùng Võ, điều quan trọng nhất, cần thiết hơn là phải có số liệu các dự án thế chấp đó đã bán căn hộ cho người khác chưa. Đồng thời những người mua căn hộ trên có đem thế chấp lần nữa hay không? Vì điều chúng ta cần quản lý là một chủ sử dụng đất của một dự án có thực hiện hai quyền cùng một lúc hay không. Đây mới là điều nguy hiểm thật sự cho thị trường. Vì khi một chủ đầu tư thực hiện hai quyền sẽ tạo ra mâu thuẫn xung đột về lợi ích. Mà tình trạng này được coi là có liên quan đến việc có thể đẩy thị trường rơi vào khủng hoảng hoặc là ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, phải công khai toàn bộ thông tin các dự án, về tình trạng thị trường bất động sản. Làm được vậy là rất có lợi cho thị trường bất động sản, không rơi vào tình trạng bất bình thường trong mối quan hệ cung- cầu.
Ngoài ra, theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, người mua nhà nên tìm hiểu kỹ về dự án trước khi mua. Bên cạnh đó, có thể liên hệ với Sở TN&MT để được tư vấn xem dự án đó có được cấp sổ đỏ hay không. Đây là quyền của người dân và Sở TN&MT sẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin về các dự án này.
Trước Hà Nội, đoàn công tác liên ngành của TP HCM đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó, nhiều doanh nghiệp đang triển khai và mở bán dự án căn hộ trên địa bàn cho biết đang phải liên tục giải tỏa nỗi hoài nghi cho khách mua nhà, bởi lẽ mọi người ngộ nhận rằng dự án đang thế chấp tức là tài sản của họ bị đe dọa, năng lực chủ đầu tư có vấn đề./.