Aa

Hà Nội: Đề nghị thu hồi dự án 7 năm “nằm trên giấy” của Công ty Đông Đô

Chủ Nhật, 30/06/2019 - 20:01

Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012, thế nhưng 7 năm qua, dự án của Công ty Đông Đô vẫn “án binh bất động”.

Dự án 200 tỷ, 7 năm “nằm trên giấy”

Ngày 24/9/2012, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121001116 cho Công ty Cổ phần giáo dục Đông Đô (gọi tắt là Công ty Đông Đô) – đại diện là bà Phạm Thị Ánh Tuyết, chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Theo đó, Công ty Đông Đô là nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS - THPT Lý Nhân Tông, tại Khu đô thị mới (KĐTM) Kim Văn – Kim Lũ (thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội). Diện tích đất dự kiến sử dụng 23.069m2, trong đó xây trường tiểu học là 8.618m2 và trường THCS - THPT là 14.451m2. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng, tiến độ thực hiện Quý I năm 2013 – Quý III năm 2017.

Có thể nói, thời điểm đó, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường là hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tiễn, không ít đơn vị được cho là nhanh chân “nhận chỗ, xí phần” và được giao là nhà đầu tư, nhưng khi thực hiện dự án thì như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Điều này đã tạo ra hình ảnh không đẹp cho môi trường hoạt động đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Nó càng được thể hiện rõ khi những dự án chết yểu ấy được triển khai tại các KĐTM, đã được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012, thế nhưng 7 năm qua, dự án của Công ty Đông Đô vẫn “án binh bất động”.

Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012, thế nhưng 7 năm qua, dự án 200 tỷ đồng của Công ty Đông Đô vẫn “nằm trên giấy”. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

KĐTM Kim Văn – Kim Lũ cũng vậy, nếu đặt giả thiết dự án trên của Công ty Đông Đô đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng, bộ mặt của KĐTM này sẽ như thế nào?

Điều đầu tiên, ít nhất các cư dân sinh sống tại KĐTM Kim Văn – Kim Lũ không phải trông ngóng việc con em mình được học tại một ngôi trường liên cấp, với quy mô công suất dự kiến 1.925 học sinh. Công ty Đông Đô đã vẽ ra mục tiêu sẽ đầu tư xây dựng hệ thống trường chất lượng cao đạt chuẩn Quốc gia. Thế nhưng, tất cả chỉ là chiếc “bánh vẽ” mà suốt nhiều năm người dân KĐTM này miễn cưỡng phải “chiêm ngưỡng”.

Vấn đề thứ 2, KĐTM Kim Văn – Kim Lũ với tổng diện tích 186.529m2, được UBND TP.Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 – Vinaconex 2 là chủ đầu tư. Sau khi hoàn hành hạ tầng kỹ thuật dự án, công ty đã bàn giao cho Thành phố và các chủ đầu tư cấp 2 quỹ đất thương phẩm, quỹ đất công cộng, hạ tầng xã hội.

Ngày 27/1/2014, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định số 788/QĐ-UBND thu hồi ô đất PT và Quyết định số 789/QĐ-UBND thu hồi ô đất TH, cho Công ty Đông Đô thuê thực hiện dự án. Thời điểm đó, 2 ô đất này đã được Vinaconex 2 hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Ngày 11/5/2013, Vinaconex 2 đã bàn giao mốc giới thực địa cho Công ty Đông Đô. Tuy nhiên, hơn 6 năm trôi qua, 23.069 m2 đất thuộc dự án xây dựng trường liên cấp trên vẫn ngày đêm “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Nằm trong lòng KĐTM được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, thế nhưng dự án của Công ty Đông Đô lại “một mình một kiểu”. Điều này khiến cho KĐTM Kim Văn – Kim Lũ phần nào trở nên nhếch nhác, đìu hiu.

Cử tri đề nghị thu hồi dự án chết yểu 7 năm 

Nhiều người dân sinh sống tại KĐTM Kim Văn – Kim Lũ thở dài nói, con số 1.925 học sinh dự kiến được học tại trường liên cấp của Công ty Công Đô có lẽ chỉ là giấc mơ xa vời. Thậm chí, nhiều năm qua, đây còn là “điểm nóng” được phản ánh tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của phường Đại Kim và quận Hoàng Mai.

“Con em chúng tôi đến KĐTM này ở đã lâu, trong quy hoạch sẽ xây dựng trường liên cấp nhưng bao năm qua vẫn chỉ là bãi đất trống”, một cử tri phường Đại Kim bức xúc nói.

Trước thái độ thờ ơ trong việc triển khai xây dựng dự án của Công ty Đông Đô, rất nhiều cử tri, nhân dân trên địa bàn phường Đại Kim đã có ý kiến phản ánh, thậm chí đề nghị chính quyền địa phương thu hồi dự án của Công ty Đông Đô. Mới đây nhất, vào tháng 4/2019, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại dự án.

Theo tìm hiểu, Vinaconex 2 trước đó có nhiều văn bản và tổ chức cuộc họp đề nghị Công ty Đông Đô đến nhận bàn giao mặt bằng và hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều năm qua vấn đề này chưa được Công ty Đông Đô giải quyết dứt điểm.

Theo quyết định của TP. Hà Nội về việc chấp thuận suất đầu tư hạ tầng tạm tính KĐTM Kim Văn – Kim Lũ, tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phân bổ cho ô đất TH và PT là hơn 102 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay Công ty Đông Đô mới trả cho Vinaconex 2 hơn 29 tỷ đồng. Với số tiền chậm trả hơn 72 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi chậm trả), không biết đến thời điểm nào Công ty Đông Đô mới hoàn thành và nhận bàn giao mặt bằng thực hiện xây dựng dự án.

Theo tìm hiểu, Công ty Đông Đô liên tục kiến nghị về việc được miễn tiền giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, về vấn đề này, Thành phố đã giao cho các cơ quan xem xét và sau đó Sở Tài chính đã phản hồi không chấp thuận đề nghị trên của Công ty Đông Đô.

Công ty Đông Đô lại “một mình một kiểu”. Điều này khiến cho KĐTM Kim Văn – Kim Lũ phần nào trở nên nhếch nhác, đìu hiu.

Dự án của Công ty Đông Đô quây tôn nhiều năm, khiến cho KĐTM Kim Văn – Kim Lũ trở nên nhếch nhác, đìu hiu. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Về những ý kiến bức xúc của nhiều cử tri và cư dân sinh sống tại KĐTM Kim Văn – Kim Lũ, lãnh đạo Vinaconex 2 cho biết: “Công ty cũng đã có ý kiến nhiều lần, gần đây nhất khoảng 2 tháng phía Phường và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có mời cả 2 công ty lên làm việc. Đoàn kiểm tra đã kiểm điểm tiến độ, đồng chí thanh tra cũng có ý kiến nếu dự án không triển khai theo tiến độ, thì đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi đất giao cho đơn vị khác làm. Đã có nhiều cuộc họp như vậy, các đơn vị khác cũng vào thanh kiểm tra rồi”.

“Cuộc họp nào cũng thế, Công ty Đông Đô cam kết triển khai ngay nhưng họp xong chẳng thấy gì. Chúng tôi đã có văn bản gửi Công ty Đông Đô từ năm 2013, đề nghị đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện khu đô thị để người dân hưởng tiện ích và cho đẹp cả KĐTM”, đại diện Vinaconex 2 cho biết.

Thật khó hiểu là tại sao sau 7 năm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, dự án 200 tỷ của Công ty Đông Đô vẫn ung dung “nằm trên giấy”?  Hồ sơ cho thấy, Công ty Đông Đô được thành lập ngày 14/2/2011 (địa chỉ trụ sở chính tầng 10, tòa nhà C’land Tower số 156 ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội).

Công ty có vốn điều lệ thành lập là 30 tỷ đồng, số lao động đăng ký 5 người. Công ty cũng đăng ký tên chi nhánh: Địa điểm kinh doanh của Công ty Đông Đô, tại địa chỉ số 57 Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội.

Danh sách cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh thương mại Hải Âu (người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Ánh Tuyết); Nguyễn Thu Trang (địa chỉ phố Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội); Trần Thị Hương (địa chỉ Khương Thượng, phường Trung Tự, Đống Đa, TP.Hà Nội). Tuy nhiên, 3 cổ đông trên hiện đã rút toàn bộ vốn tại công ty.

Hiện tại, người đại diện theo pháp luật công ty và đứng đầu chi nhánh là bà Đỗ Thị Thanh Huyền (SN 1984, địa chỉ 91 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến tầng 10, tòa nhà C’land Tower để liên hệ làm việc, không hề có bất kỳ biển hiệu công ty nào ghi tên Công ty Đông Đô.

Nhân viên lễ tân tòa nhà cho biết, trong 5 đơn vị thuê văn phòng hoạt động tại tầng 10, không có tên nào là Công ty Đông Đô. “Tôi làm ở đây gần 7 năm rồi chưa thấy có tên Công ty Đông Đô nào”, một người phụ trách kinh doanh tòa nhà C’land Tower cho hay.

Tiếp tục tìm đến địa chỉ khai báo hoạt động của chi nhánh Công ty Đông Đô tại số 57 Quang Trung, phường Nguyễn Du. Tại tầng 5 và bên ngoài tòa nhà có địa chỉ số 57 Quang Trung, được cho là nơi Công ty Đông Đô thuê làm địa điểm kinh doanh, phóng viên cũng không hề thấy có bất kỳ biển hiệu nào của công ty này.

“Có 1 người của công ty trực thường xuyên ở đây, còn 1 người nữa thì thi thoảng mới đến”, nhân viên lễ tân tòa nhà 57 Quang Trung tiết lộ.

Với dự án đầu tư có tổng số vốn đầu tư 200 tỷ cùng “nội lực” như hiện tại, Công ty Đông Đô sẽ thực hiện dự án trên bằng cách nào? Cùng với đó, chính quyền TP. Hà Nội sẽ có động thái vào cuộc kiểm tra, giải quyết những ý kiến của người dân, cử tri như thế nào?

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top