Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Tổng số 20 dự án với quy mô 14.525 căn đặt hàng, về cơ bản đáp ứng số lượng căn hộ cho giai đoạn 2017 - 2020. Theo cơ chế đặt hàng trên, thì số lượng căn hộ tái định cư đến năm 2020 thừa 5.322 căn hộ.
Về vấn đề này, đại diện Phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, vừa qua đã công bố công khai danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà cũng như chưa nộp tiền và nhận nhà.
Theo Phòng phát triển đô thị, đối với trường hợp nhà tái định cư bỏ trống vì chưa có phương án sử dụng, bố trí cho người dân chỉ chiếm số lượng rất ít với khoảng 76 căn. Số còn lại tập trung vào trường hợp căn hộ nhà tái định cư bỏ trống do người dân không đến nhận nhà.
“Đây là trường hợp thành phố đã có quyết định bố trí về ở cho hộ cụ thể nhưng người dân lại chưa đến nộp tiền và chưa nhận nhà. Số trường hợp này hiện có số lượng khá lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí và thất thoát ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quỹ nhà tái định cư, Sở có đề xuất thu hồi các căn hộ này sau 2 năm người dân không về ở, để bán đấu giá thu hồi vốn”, vị cán bộ cho hay.
Theo vị cán bộ này, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người dân được phân nhà tái định cư trì hoãn để rao bán, hưởng chênh lệch.
Trong thời gian qua, rất nhiều căn hộ, công trình nhà tái định cư mọc lên ở Thủ đô nhưng lại không có người đến ở hoặc bỏ hoang nhiều năm trời gây bức xúc dư luận.
Điển hình, dự án nhà tái định cư do chủ đầu tư là công ty đầu tư thuộc khu đô thị mới Sài Đồng được triển khai từ năm 2001-2006, với mục đích tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án GPMB, mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên).
Một trong những lý do khiến cho người dân không muốn ở tại tòa nhà tái định cư này một phần là do họ phản ánh rằng, chất lượng công trình tại đây kém, không đủ điều kiện sinh sống, một phần là do tình trạng khiếu kiện kéo dài tại đây khiến người dân né tránh. Cũng có ý kiến cho rằng những căn hộ này không phù hợp về thiết kế, hạ tầng, chất lượng xây dựng. Cả 3 tòa nhà tái định cư 6 tầng đều không có thang máy.
Trước thực trạng dự án, Handico 3 đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà tái định cư nằm trong khu đô thị mới Sài Đồng do chính đơn vị này làm chủ đầu tư, với lý do là các tòa nhà này đã xây dựng xong cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay chưa có một người dân nào đến ở.
Thậm chí, tọa lạc tại vị trí trung tâm với khu đất “vàng” và được đánh giá một trong những nhà tái định cư đẹp nhất Hà Nội, nhưng tòa nhà 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) cao trên 20 tầng do Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư với 155 căn hộ nhưng bỏ hoang gần chục năm nay....
Trước đấy, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông báo danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn Thủ đô nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, đồng thời cũng chưa nộp tiền và nhận nhà.
Cụ thể, theo thông báo danh sách gồm: 44 hộ ở nhà N01 – 7A Lê Đức Thọ; 28 hộ ở nhà N02 – 5A Lê Đức Thọ; 14 hộ ở nhà NO26A Bắc Đại Kim; 44 hộ ở nhà OCT Bắc Linh Đàm; 58 hộ ở nhà CTI.1-1A Vĩnh Hoàng, 34 hộ ở nhà CTI.1-1B Vĩnh Hoàng; 14 hộ ở nhà CT3 ao Hoàng Cầu và 136 hộ ở các nhà A14A1, A14A2, A14B2 Nam Trung Yên.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm thông báo chính thức được đăng tải (13/08/2018), những hộ dân có tên trong danh sách mà vẫn không liên hệ với Ban Quản lý để hoàn tất thủ tục mua nhà sẽ được tổng hợp để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định./.