Aa

PGS.TS Trần Chủng: “Bệnh tình” nhà tái định cư đang “di căn” sang giai đoạn cuối

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 13/07/2018 - 06:01

Nhà tái định cư (TĐC) thực tế là mô hình đem lại nhiều lợi ích và được xem như một dạng tạm cư ngắn hạn. Song với cách làm và quản lý trong thời gian vừa qua khiến nhiều dự án bỏ hoang gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, có thể coi mô hình này thực sự thất bại. Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng các dự án nhà TĐC đang có chất lượng ngày càng đi xuống? Theo ông, nguyên nhân của câu chuyện này là do đâu?

PGS. TS Trần Chủng: Vấn đề chất lượng nhà TĐC đã không còn mới mẻ bởi nó đã trở thành căn bệnh “trầm kha” của ngành xây dựng. Chúng ta nói tới căn bệnh này quá nhiều nhưng “thuốc bốc” không hợp hoặc chỉ là sự hô hào quyết tâm nên chuyển biến “bệnh tình” không được là bao, thậm trí đang “di căn” sang giai đoạn cuối.

Chúng ta đã mất một thời gian đã quá dài để hài lòng với cách nghĩ thiển cận: Vấn đề TĐC chỉ là “nhà ở” mà không hiểu hoặc cố tình không hiểu đầy đủ bản chất của “TĐC”. 

- PGS. TS Trần Chủng

"Gốc rễ" của loại "bệnh" này là nhận thức của chúng ta về nhà TĐC. Những ám ảnh của cách thức quản lý thời bao cấp luôn hiện diện trong suốt quá trình chuẩn bị, thực hiện và quản lý, khai thác dự án. Đây chính là tình trạng “cha chung không ai khóc” cùng cung cách quản lý xây dựng chủ yếu theo phương thức “xin - cho”.

Cuối cùng, chất lượng có xấu, người dân ở trong các khu nhà TĐC khổ sở nhưng không có người chịu trách nhiệm. Vì vậy, theo tôi, để “chữa trị” loại "bệnh" này, cần giải quyết triệt để bắt đầu từ chính sách về nhà TĐC và thực hiện nó theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường có định hướng.

PV: Trong tiềm thức của số đông người dân, việc di cư đến các căn hộ tái định cư được xem như một dạng tạm cư ngắn hạn. Ở “ảo”, bỏ hoang vì thế đang lãng phí “chồng” lãng phí hàng nghìn tỷ đồng ngân sách của Nhà nước. Nếu xét ở góc độ hiệu quả, ông có cho rằng, mô hình nhà TĐC đã thực sự thất bại?

PGS. TS Trần Chủng: Ngay từ năm 2001, tôi đã đi khảo sát các loại nhà TĐC khắp cả nước và đã cảnh báo: Nhà TĐC như chúng ta đang làm là một sự thất bại.

PV: Một điểm khiến cho các dự án nhà ở tái định cự bị "mắc cạn" chính là những bất cập trong công thức “hàng đổi hàng”. Hiện nay, vẫn cứ “hàng đổi hàng”, nghĩa là thu nhà và trả lại căn nhà khác, nhưng chất lượng kém hơn, không có trường học, không có chợ, không có đường vào…, vậy thì khó ai có thể ở được. Đây là hạn chế ở chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay. Ông có cho rằng, đây là lỗ hổng rất lớn của chính sách TĐC?

PGS. TS Trần Chủng: Ý nghĩa sâu xa của “TĐC” tức là lập nghiệp ở một nơi ở mới. Như vậy, chủ thể trên hết của mô hình tái định cư chính là con người. Trong mô hình này, phải mô tả được cuộc sống của con người tại nơi ở mới. Cuộc sống đó phải bao gồm nơi nghỉ ngơi (nhà ở), nơi làm việc và các nhu cầu thông thường khác của cuộc sống như việc học hành, sinh hoạt văn hóa, mua sắm…

Rất tiếc, chúng ta đã mất một thời gian quá dài để hài lòng với cách nghĩ thiển cận: Vấn đề TĐC chỉ là “nhà ở” mà không hiểu hoặc cố tình không hiểu đầy đủ bản chất của “TĐC”. Tình trạng nhiều khu TĐC không có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (đường, cây xanh, công viên,…), không có hạ tầng xã hội hoặc kết nối thuận lợi với hệ thống hạ tầng xã hội hiện có (trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, trung tâm thương mại…), đã làm cho cuộc sống của người dân đảo lộn. Đây là nhược điểm rất cơ bản của mô hình TĐC vừa qua. Nhược điểm này được lý giải do nguồn vốn.

PV: Vậy theo ông, giải pháp nào để mô hình TĐC này thực sự có hiệu quả?

PGS. TS Trần Chủng: Để mô hình TĐC có hiệu quả, cần xây dựng chính sách thống nhất và tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là để người dân có quyền lựa chọn hàng hóa mà họ có thể mua được tùy thuộc khả năng tài chính của họ. Nhà nước cần tạo được môi trường để huy động nhiều nhà đầu tư tham gia tạo lập các sản phẩm hàng hóa để người dân có nhiều lựa chọn. Nên dừng việc làm nhà TĐC từ ngân sách Nhà nước bởi nó đã, đang và sẽ có quá nhiều khuyết tật.

PV: Ngoài ra, theo ông, về phía người dân, có cần hợp tác để nâng cao chất lượng nhà TĐC?

PGS. TS Trần Chủng: Sự hy sinh của người dân khi phải rời bỏ nơi đang sinh sống để nhường đất đai cho các dự án phát triển đất nước là một nghĩa cử cao đẹp, rất đáng trân trọng. Chấp nhận làm lại cuộc sống tại nơi ở mới là phải chấp nhận những thay đổi về phương thức và văn hoá cộng đồng. Từ nếp sống “một mình một nhà” sang các khu “chung cư”, cần có văn hóa “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Các tài sản công cộng như: Thang máy, hành lang, sân vườn… đến sự bền vững của tòa nhà đều phải coi là “của mình” chứ không thể là “của người khác”.

Và như vậy, cư dân sống ở các khu chung cư TĐC này phải có ý thức đối với tòa nhà chung và phải có đóng góp sức lực và tiền bạc để duy trì sự bên lâu của tòa nhà. Các chi phí phục vụ bảo trì, quản lý tòa nhà… phải đóng góp. Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta hưởng thụ thì cần trả giá cho những gì chúng ta được thụ hưởng. Đã qua rồi thời kỳ bao cấp, cho không. Cư dân hãy hợp tác  cùng xây dựng văn hóa sống mới để các khu TĐC thực sự trở thành nơi “chôn rau cắt rốn” mới của mình.

Xin chân thành cảm ơn ông!

TP. Hà Nội đã có chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ TĐC theo cơ chế đặt hàng. Tổng số 20 dự án, với quy mô 14.525 căn đặt hàng, về cơ bản đáp ứng số lượng căn hộ cho giai đoạn 2017 - 2020. Nếu tính cả số lượng căn hộ có được từ việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phục vụ TĐC theo cơ chế đặt hàng thì số lượng căn hộ TĐC đến năm 2020 thừa 5.322 căn hộ TĐC.

(Nguồn: Sở Xây dựng TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top