Aa

Hà Nội định hướng xây dựng thành phố thông minh theo hướng nào?

Thứ Tư, 10/10/2018 - 03:40

Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều thách thức trong vấn đề quy hoạch, xử lý ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở và xử lý ô nhiễm môi trường...

Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội.

Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội.

Mong muốn mang lại tiện ích

Đó cũng là lý do khiến Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hà Nội đang bắt đầu bằng xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Từ giữa năm 2017, Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking). Sau thời gian thí điểm, từ tháng cuối năm 2017, mô hình này được nhân rộng ra nhiều tuyến phố khác tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng… Dự án ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe tự động qua điện thoại di động iParking đã triển khai thí điểm tại Hà Nội đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dân khi đã giúp rút ngắn được thời gian tìm chỗ đỗ xe ô tô, nâng cao sự minh bạch trong việc thu phí trông giữ…

Cùng với đó, Hà Nội cũng đang phối hợp với FPT để xây dựng hệ thống Bản đồ số giao thông nhằm cung cấp cho người dân và cơ quan quản lý những thông tin toàn diện về tình trạng giao thông, danh mục các thiết bị hạ tầng giao thông như: bến xe, biển báo… tích hợp với các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội sẽ có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh…

Quá trình đô thị hóa khiến Hà Nội đang gặp phải nhiều thách thức như: Tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều người di cư về thành phố để sinh sống, các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Do đó, theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội về việc áp dụng mô hình nào, phương thức nào để triển khai đô thị thông minh? Đâu là tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?

Sự kết hợp của nền tảng công nghệ, con người và nguồn lực tài chính

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh, ông Richard Ker, trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá Cyberiaya (bang Selangor, Malaysia) cho rằng, để xây dựng thành phố thông minh, việc đầu tiên Hà Nội cần làm là phải xây dựng được một cộng đồng thông minh. Việc có những kế hoạch hành động cụ thể là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, luôn chỉ có 10-15% nội dung của kế hoạch này mang tính khả thi.

Trong 10 năm đầu xây dựng Cyberiaya, Malaysia đầu tư rất nhiều tiền vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thế nhưng người dân lại chẳng bao giờ dùng đến chúng. Với kinh nghiệm của mình, ông Richard Ker cho rằng chính quyền Hà Nội cần lấy ý kiến người dân khi xây dựng một thành phố thông minh. Điều đó sẽ quyết định cho sự thành bại của dự án.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội cho rằng, thành phố thông minh phải là nơi để phục vụ người dân, nơi mà các doanh nghiệp có thể yên tâm phát triển. Để làm được điều đó, thành phố cần tiến hành cải cách thủ tục hành chính, đi cùng với cải cách về vấn đề công nghệ.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, khi đưa ra chương trình cho cả lộ trình xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố thông minh, Hà Nội cũng dành nguồn lực nhất định từ nguồn ngân sách Thành phố cho việc thực hiện. “Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn. Xu hướng chính là khi Hà Nội hình thành ra các dịch vụ công, chúng tôi sẽ định hình và phân loại dần những dịch vụ này trên tinh thần: tất cả những dịch vụ công nào mà tư nhân có thể làm được thì sẽ chuyển dần cho tư nhân làm. Nguồn lực thu được sẽ được Hà Nội huy động để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo cho xây dựng Thành phố thông minh”, ông Chung chia sẻ.

“Thành phố sẽ thuê tối đa dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp, từ trung tâm dữ liệu (Data Center) đến dịch vụ bảo mật cũng như các dịch vụ thuê đường truyền, viết phần mềm. Có thể nói, chúng tôi chuyển hướng sang huy động mọi nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào việc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội”.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành những thành phần cơ bản của thành phố thông minh và đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh.

Tại Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2018 vừa được ban hành đầu năm nay, UBND Thành phố đã nêu rõ một trong những mục tiêu lớn của kế hoạch này là triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh của thành phố.

Cụ thể, trong năm 2018, thành phố lên kế hoạch sẽ tập trung xây dựng, hình thành Trung tâm Điều hành thông minh của Hà Nội và triển khai một số thành phần cơ bản của các hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh theo lộ trình.

Trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực triển khai các biện pháp hướng tới các tiêu chí của thành phố thông minh, việc có các tiêu chuẩn cụ thể để xây dựng thành phố thông minh là vô cùng quan trọng. Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phát triển kinh tế- xã hội bền vững để áp dụng cho các thành phố triển khai thực hiện, trong đó có Hà Nội.

Theo ông Hải, cần phải xây dựng được hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn chung, để bảo đảm tích hợp một cách có hệ thống, hiệu quả các công nghệ khác nhau trong một hệ thống nền tảng của đô thị thông minh. Đặc biêt việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ hỗ trợ việc phát triển các giải pháp được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Thành phố thông minh cần có các tiêu chuẩn rất quan trọng như: Tiêu chuẩn cung cấp nền tảng cho việc tiếp cận nguồn điện cũng như tất cả các thiết bị, hệ thống điện, điện tử, tiêu chuẩn hỗ trợ công nghệ thông tin; tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn cho các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, quản lý chất thải được cải thiện, xây dựng cộng đồng bền vững…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top