Đô thị Việt trong mối liên kết toàn cầu
Trong Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh Asocio 2018 - Hà Nội mới đây, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của đô thị, đặc biệt là các đô thị thông minh trên thế giới.
Theo ông Wong, có đến 2/3 dân số thế giới hiện nay sẽ sống trong các đo thị vào năm 2050. Trong đó, châu Á, châu Phi sẽ phát triển nhanh nhất. 53% đô thị trên thế giới hiện nay sẽ tăng lên 64% trong tương lai gần. Quá trình đô thị hóa làm xuất hiện nhiều vấn đề: Già hóa dân số, hạ tầng, ô nhiễm tiếng ồn, không khí…
“Trong báo cáo của chúng tôi năm 2017, thành phố thông minh là chủ đạo trong quá trình chuyển đổi số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Wong nói.
Đồng quan điểm, bà Yvonne Chiu, Chủ tịch Liên minh Công nghệ thông tin thế giới (WITSA) cũng cho rằng, các đô thị ngày càng trở nên thông minh, bền vững hơn, an ninh, an toàn tốt hơn, có lợi hơn so với mọi người. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nhiều thuận lợi để phát triển các đô thị thông minh, bởi đây là khu có nhiều nhân tài, nguồn nhân lực phát triển. Đây là nền tảng tốt cho việc phát triển công nghệ thông tin và thành phố thông minh.
Cho rằng Việt nam đã có nhiều đô thị thông minh, ở các đô thị này đã có nhiều thiết bị kết nối vạn vật (IoT) và đây chính là nền tảng xây dựng thành phố thông minh, ông Jay Jenkins, đại diện Google Cloud Đông Nam Á cho biết, vấn đề tiếp theo là Hà Nội cần có những giải pháp cụ thể để nâng cấp mức độ thông minh của thành phố.
“Bản thân Hà Nội là một ví dụ về đô thị thông minh. Khi người dân Thủ đô thường xuyên sử dụng điện thoại kết nối internet, sử dụng các chức năng như Google Map, định vi…, thì mỗi một ID thiết bị như một cảm biến về giao thông”, ông Jay Jenkins lấy ví dụ.
“Sáng kiến thành phố thông minh có vị trí then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Khi chúng ta chuyển đổi sang thành phố thông minh hơn, thì chúng ta cần phải hợp tác với nhau. Các thành phố trong khu vực cần biết được đâu là xu hướng và lựa chọn ra xu hướng nào tốt”, bà Yvonne Chiu nhấn mạnh thêm.
Người dân: Hạt nhân của đô thị
Đồng tình về vai trò dẫn dắt của công nghệ, chính sách, các yếu tố hạ tầng, giải pháp quản lý đô thị, nhưng cũng theo các chuyên gia, cư dân đô thị mới là lực lượng quan trọng nhất, quyết định đến sự thành bại của việc phát triển các thành phố thông minh.
Ông Pereric Hogber, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam nhấn mạnh, thành phố thông minh phải có con người thông minh, con người mới là yếu tố quan trọng. Đô thị thông minh, nhưng cũng phải bền vững, nên cần có cả sự nỗ lực của toàn xã hội, chứ không chỉ riêng chính phủ và các cơ quan liên quan.
“Chúng tôi là một trong những nước đi đầu cung cấp băng thông rộng trên thé giới. Hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình để đào tạo mình thành những người thành thạo công nghệ. Sau đó tiến lên không dùng tiền mặt, thanh toán thông minh”, ông Hogber nói.
Ông Richard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá Cyberview, TP. Cyberiaya, bang Selangor (Malaysia) cũng nêu quan điểm: “Con người phải là hạt nhân của các mối quan tâm trong chiến lược phát triển thành phố thông minh, thúc đẩy cộng đồng thông minh.
Chúng ta thường quan tâm nhiều về công nghệ chứ chưa tương tác nhiều với cộng đồng. Cần phải trao đổi với cộng đồng nhiều hơn để hiểu về những thách thức.
Chúng tôi thường xuyên tập huấn cho người dân thông qua các chương trình giáo dục, các cuộc triển lãm. Điều này được thực hiện cả với những công dân nhập cư”.
Đồng tình với việc đặt người dân là hạt nhân của sự quan tâm, ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam lại nhấn mạnh đến vai trò của tầm nhìn lãnh đạo.
“Cuộc cách mạng lần thứ 4 đã thay đổi các thành phố, quyền lực cộng nghệ lớn mạnh như chưa bao giờ có. Vấn đề quan trọng là góc nhìn của lãnh đạo các thành phố, họ muốn gì, ưu tiên gì, còn sau đó, công nghệ sẽ có câu trả lời”, ông Kahiluoto nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT nhấn mạnh: “Tôi đồng ý rằng chúng ta có hạ tầng, nhưng cũng rất cần quan tâm đến người dân thông minh. Vì tựu chung, cuối cùng thành phố thông minh là để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do đó, nó phải lấy người dân làm hạt nhân”.
Để có người dân thông minh
Một đô thị chỉ được coi là đô thị thông minh khi có các người dân thông minh vầ theo ông Ekramul Hoque, Thị trưởng TP. Mymensingh (Bangladesh), để làm được điều này, người dân cần được đào tạo, được tham gia nhiều hơn vào công tác quy hoạch.
“Tôi cho rằng, cần phải tham vấn người dân nhiều hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, vì bản thân quy hoạch và thực tế vẫn có khoảng cách. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ xây dựng được tầm nhìn và quy hoạch tốt hơn.
Theo tôi, quan trọng là phải số hóa các lĩnh vực trong cuộc sống và phải có một bộ phụ trách việc đó. Chúng tôi đã hoàn thành nhiều công việc bằng tự động hóa, giúp chính quyền và người dân tiếp cận nhau dễ hơn. Tôi cũng đồng tình rằng, điều quan trọng là yếu tố con người”, ông Hoque cho biết.
“Tập trung vào người dân, chúng tôi rất chú trọng phát triển một đội ngũ nhân tài. Chúng tôi đã xây dựng riêng một trường đại học với sự ủng hộ của chính phủ, các doanh nghiệp viễn thông.
Từ đó đào tạo các kỹ sư quay lại phục vụ công việc ở thành phố thông minh. Thậm chí, ngay cả với trẻ nhỏ, chúng tôi cũng xây dựng các trò chơi liên quan đến xây dựng thành phố thông minh để giáo dục các em”, ông Richard Ker chia sẻ những kinh nghiệm của TP. Cyberiaya trong việc đào tạo người dân thông minh.
Kể về câu chuyện của mình ở Hà Nội, Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogber cho biết: “Gặp các bạn trẻ ở Hà Nội, tôi thấy nhiều người lo lắng khi tham gia giao thông hay các vấn đề về an toàn thực phẩm. Theo tôi, chính phủ điện tử có thể giải quyết được điều này.
Ở Stockhome, chúng tôi ưu tiên giao thông và lưới điện thông minh, chuyển sang dùng năng lượng tái tạo, không dùng năng lượng hóa thạch. Xe điện, ô tô điện là cần thiết và phải hướng người dân đến việc sử dụng các sản phẩm này”.