Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.
Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.
Tạm dừng đề xuất ý tưởng quy hoạch, cải tạo chung cư cũ đối với các CĐT chậm thực hiện
Nhiều năm qua, các giải pháp cải tạo chung cư cũ lần lượt được đưa ra, các đơn vị có kinh nghiệm trong xây dựng đã đề xuất phương án nhưng việc cải tạo chung cư hết hạn sử dụng vẫn “lận đận”.
Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 461/TB-VP thông báo kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo UBND TP về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn TP nói chung và tại khu chung cư cũ Giảng Võ nói riêng.
UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn TP giao.
Tập thể lãnh đạo UBND TP đánh giá: "Công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP trong nhiều năm qua đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP tích cực chỉ đạo. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra".
UBND thành phố giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chuẩn bị kế hoạch vốn để lập quy hoạch các khu chung cư cũ bằng nguồn ngân sách.
Về công tác nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố, tập thể lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát, tổng hợp các hồ sơ nghiên cứu ý tưởng quy hoạch một số khu chung cư cũ do một số doanh nghiệp đề xuất đã hoàn thành để tham khảo và tổng hợp cùng với Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ hoàn thiện (sau khi có ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng), báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.
Đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn thành phố giao (trong đó có khu chung cư cũ Giảng Võ), giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện.
Việc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ sẽ được xem xét sau khi có chỉ đạo của Thành ủy, các Quy hoạch phân khu đô thị khu vực nội đô được cấp thẩm quyền phê duyệt và theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với các nhà chung cư cũ đã được kiểm định, đánh giá mức độ nguy hiểm cấp độ D, lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Xây dựng, UBND các quận liên quan, khẩn trương thực hiện dứt điểm việc tạm cư, di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm để triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại; báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu đề xuất UBND thành phố.
Vướng cơ chế tài chính kiểm định chung cư cũ
Sau 4 đợt khảo sát với hơn 1.200 công trình, có 325 công trình ở tình trạng nguy hiểm, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu (mức 3); 691 công trình ở tình trạng hư hỏng làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng (mức 2); 145 công trình còn đáp ứng yêu cầu sử dụng (mức 1) và 110 công trình không khảo sát được do không xác định được vị trí hoặc đã xây dựng lại.
Tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05 về rà soát các công trình nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, thống kê, đánh giá, phân loại mức độ an toàn.
Tháng 5/2018, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng tổng hợp, lập danh mục cần kiểm định chi tiết các công trình trên địa bàn có tình trạng kỹ thuật mức 3 và mức 2; phối hợp với Sở Tài chính đề xuất, báo cáo thành phố nguồn kinh phí, tiến độ thực hiện.
Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội dự kiến tổ chức kiểm định chi tiết 951 công trình thuộc mức 3 và mức 2. Trong số 480 công trình là các chung cư cũ, biệt thự, trụ sở cơ quan, công trình công cộng trực thuộc Hà Nội xuống cấp có 33 công trình là các nhà tập thể, chung cư cũ, xuống cấp nguy hiểm, cần kiểm định chi tiết ngay. Sở Xây dựng đã kiến nghị lên UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép thực hiện khảo sát kiểm định ngay, mức kinh phí khoảng 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện kiểm định chi tiết những công trình nhà tập thể, chung cư cũ của thành phố.
Lý giải nguyên nhân về vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, các căn hộ đều đã bán cho người dân còn phần hành lang, cầu thang, hạ tầng xung quanh vẫn thuộc sở hữu Nhà nước. Do đó, theo nguyên tắc tài chính thì phải phân định ngân sách bỏ ra bao nhiều tiền và người dân bỏ ra bao nhiêu tiền trong tổng số kinh phí kiểm định chất lượng công trình. Việc kiểm định rất cần thiết để nắm được tình trạng công trình có đảm bảo cho người dân sinh sống trên đó hay không, nếu không đáp ứng được, cần thiết ban hành quyết định di dời.
Trong khi đó các công trình tập thể, chung cư cũ vẫn ngày một xuống cấp, xập xệ khiến nhiều người dân lo lắng. Như khu tập thể 3 tầng ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông có gần 200 hộ dân đang sinh sống từ từ năm 2016, Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) đã có báo cáo kết quả khảo sát sơ bộ về hiện trạng chất lượng công trình xây dựng trong đó kết luận khu tập thể ở mức 3 tình trạng nguy hiểm, tồn tại khuyết tật, hư hỏng có thể dẫn đến phá huỷ kết cấu.
Trên cơ sở đó, Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng kiến nghị đưa vào diện ưu tiên khảo sát, đánh giá chi tiết ngay, cần có biện pháp khoanh vùng nguy hiểm và chống đỡ. Khu tập thể cũng được đưa vào danh sách cần kiểm định chi tiết ngay nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện việc kiểm định. Nhiều người dân sống tại đây chỉ biết tiếp tục chờ.
Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đánh giá về việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các đô thị lớn thời gian qua, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng công tác này còn gặp khó khăn, bất cập. Đặc biệt là vướng mắc về quy hoạch liên quan đến chỉ tiêu dân số và chiều cao công trình tại khu vực nội đô.
Từ đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
"Hành trình lận đận" của việc cải tạo chung cư cũ
Từ năm 2007 đến nay (từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP ngày 03/07/2007 về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp), trên địa bàn TP mới có 14 dự án chung cư cũ được xây dựng mới đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 1% tổng số nhà ở chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng mới).
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị tổ chức triển khai lập, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung cư. Trên cơ sở này thành phố đã giao 29 khu chung cư cũ cho hơn 20 đơn vị triển khai lập quy hoạch.
Tại Hội nghị công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ Xây dựng và TP Hà Nội phối hợp tổ chức. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giao cho Hà Nội nghiên cứu để có những mô hình cải tạo chung cư, Bộ Xây dựng cùng với Hà Nội thực hiện.
Đối với các đồ án đã được UBND TP tổ chức họp để nghe báo cáo ý tưởng lần 2, UBND TP đề nghị các nhà đầu tư nghiên cứu, nâng cấp 02 phương án trình thẩm định và tham vấn ý kiến của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP Hà Nội, tiếp thu hoàn chỉnh đồ án, phối hợp UBND các quận và phường có liên quan tổ chức trưng bày công khai phương án nghiên cứu quy hoạch kiến trúc đã hoàn chỉnh tại khu dân cư thuộc địa bàn khu chung cư cũ để cộng đồng dân cư xem và cho ý kiến.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng – Vihajico đề xuất xây dựng dự án có điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công để cải tạo khu tập thể cũ Thành Công. Tuy nhiên, phương án này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân và chuyên gia.
Cuối năm 2019, dư luận xôn xao khi phương án cải tạo khu tập thể cũ Thành Công lại được nhà đầu tư đề xuất Hà Nội cho phép điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công. Dự án Cải tạo khu tập thể Thành Công được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao (Decotech) làm chủ đầu tư. Song, đơn vị này không đáp ứng được thời hạn nộp hồ sơ ý tưởng quy hoạch nên UBND TP Hà Nội thông báo chấm dứt nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch đối với Decotech.
Đầu năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Ecopark tiếp tục để xuất sử dụng khu vực chợ Thành Công để khởi công xây dựng cải tạo dự án nhưng do không đạt được tính khả thi, sự thống nhất giữa chủ đầu tư và cư dân nên đề xuất này bị dừng lại.
Một lần nữa bài toán về chung cư hết hạn sử dụng rơi vào bế tắc khi UBND TP Hà Nội ra sức kêu gọi nhưng chủ đầu tư đều “lắc đầu ngán ngẩm”. Và cứ thế hạn sử dụng chung cư cũ kéo dài, nâng con số báo động lên cấp vô cùng nguy hiểm.
Trước thực trạng trên, Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng dự thảo Đề án Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố với một số đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù.
Hà Nội đề xuất giao các nhà đầu tư đề xuất ý tưởng và lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án cải tạo, thành phố sẽ hoàn trả chi phí nếu nhà đầu tư không được chọn, nhằm hấp dẫn sự vào cuộc của doanh nghiệp. TP Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được chủ động điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, dân số tại 4 quận nội thành thuộc khu vực nội đô lịch sử.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng chỉ một vài hộ dân không đồng ý dẫn đến dự án ách tắc nhiều năm, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị cho phép quy định tỷ lệ khoảng 70% chủ sở hữu nhà chung cư không phải cấp D (nhà nguy hiểm) nhất trí là được thực hiện cải tạo, xây dựng lại.
Hà Nội cũng đề xuất được phép chỉ định chủ đầu tư thực hiện hiện dự án nằm trong kế hoạch cải tạo theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp thực hiện dự án. Đồng thời đưa các chung cư hết niên hạn sử dụng vào kế hoạch cải tạo xây dựng chỉnh trang mỹ quan đô thị.
Về tỷ lệ bồi thường, UBND TP Hà Nội cũng cho rằng chủ sở hữu căn hộ tầng 2 có hệ số bồi thường tối đa là 1,5 lần, đối với các chủ hộ tầng 1 sẽ được phép ưu tiên mua thêm phần diện tích sàn kinh doanh thương mại với diện tích bằng căn hộ cũ theo giá đầu tư cộng 10% lợi nhuận của chủ đầu tư. Còn đối với trường hợp các chủ sở hữu (có nhà chung cư cũ tại 4 quận nội thành cũ) có nhu cầu tái định cư tại dự án khác ngoài vành đai 3 thì hệ số bồi thường sẽ là 2 lần.