Trong đó, nội dung về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, TP. Hà Nội đã đưa ra các quy chuẩn chi tiết cho từng loại công trình giao thông.
Cụ thể, đối với quy hoạch hệ thống đường quy định khi cải tạo và nâng cấp mặt đường phải phù hợp với cao độ nền quy hoạch, không được tôn cao gây úng ngập cục bộ và làm ảnh hưởng đến thoát nước các công trình, khu vực lân cận.
Tại những nút giao của các tuyến đường mở mới, mặt tiền công trình hoặc hàng rào phải được vạt góc theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Trong trường hợp không thể đảm bảo kích thước vạt góc, cho phép sử dụng các biện pháp kỹ thuật khác thay thế như dùng gờ giảm tốc, giải phân cách, biển báo, đèn tín hiệu...
Trong các khu vực tái thiết đô thị, TP. Hà Nội quy định các tuyến đường cấp nội bộ xây dựng mới phải bố trí vỉa hè tối thiều rộng 4 m để trồng cây xanh, bố trí lối đi riêng cho đường xe đạp, lối đi cho người tàn tật.
Đối với quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng, quy định mật độ giữa các tuyến giao thông công cộng tối thiểu là 400m. Khoảng cách đi bộ tương đối từ nơi ở, nơi làm việc đến bến xe công cộng không quá 500m. Khoảng cách tối đa giữa các điểm dừng đỗ ô tô buýt là 600m.
Điểm dừng đỗ ô tô buýt trên các đường chính có đèn tín hiệu điều khiển phải bố trí cách nút giao nhau tối thiểu 20m. Điểm dừng đỗ theo dạng vịnh đỗ xe thiết kế theo các quy chuẩn hiện hành. Tại các tuyến phố không đảm bảo thiết kế vịnh đỗ xe được phép sử dụng lòng đường làm điểm dừng đỗ với chiều dài điểm dừng đỗ tối thiểu 20m.
Điểm dừng đỗ giao thông công cộng phải có nhà đợi cho hành khách trừ trường hợp đặc biệt do hiện trạng hè, đường hẹp không đủ mặt bằng bố trí nhà đợi.
Về quy hoạch bãi đỗ, nhà để xe, chỉ tiêu bãi đỗ xe bản thân công trình sẽ theo chức năng sử dụng đất. Cụ thể, đối với công trình công cộng sẽ 26% tống diện tích sàn xây dựng (hoặc 37m2/100m2 sàn sử dụng); công trình hỗn hợp là 24% tổng diện tích sàn xây dựng (hoặc 34m2/100m2 sàn sử dụng); công trình nhà ở, 22% tổng diện tích sàn xây dựng (hoặc 31m2/100m2 sàn sử dụng); cơ quan, trường đào tạo, 17% tổng diện tích sàn xây dựng (hoặc 24m2/100m2 sàn sử dụng).
Các gara công cộng phải bố trí khu vực có trạm sạc điện đảm bảo yêu cầu về PCCC. Trong các bãi đỗ xe công cộng phải xác định rõ chỉ tiêu quy hoạch kiên trúc (tâng cao, mật độ, công suất đỗ xe) và tỷ lệ đất, diện tích sàn sử dụng cho những chức năng khác (thương mại, dịch vụ....) được phép kinh doanh kết hợp.
Khoảng cách tối thiểu từ các lối ra vào của gara ô tô công cộng tới nút giao giữa đường giao thông cấp phân khu vực trở lên, điểm dừng xe của phương tiện giao thông cống cộng tối thiểu 15m.
Khi thiết kế nhà đỗ xe tập trung nhiều tầng hoặc các tầng hầm áp dụng tiêu chuẩn hiện hành của nước ngoài phải được Bộ Xây dựng chấp thuận.
Đáng chú ý, thành phố khuyến khích đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, cao tầng cho ô tô và phương tiện cơ giới khác do cá nhân, hộ gia đình đầu tư trên nhà, đất có quyền sử dụng hợp pháp.
Đối với cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ phải được bố trí tại các nút giao thông có lưu lượng xe và người đi bộ lớn; nút giao nhau giữa đường đô thị với đường sắt; vị trí gần ga tàu điện, điểm đỗ ô tô, sân vận động, công trình cồng cộng khác. Vị trí và khoảng cách giữa các hầm và cầu đi bộ theo đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Khoảng cách tối thiểu giữa các cầu (hầm cho người đi bộ) là 300m.
Hầm và cầu đi bộ được thiết kế theo lưu lượng tại giờ cao điểm nhưng phải đảm bảo bề rộng tối thiểu 3m đối với hầm đi bộ và 2m đối với cầu đi bộ. Đảm bảo các yêu cầu về thoát nước, thông gió, chiếu sáng, phòng, chống cháy nổ, thoát hiểm khi có sự cố.