Theo báo cáo, 10 tháng năm 2018, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác rà soát, thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, trong đó tập trung đầu tư 5 khu nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; rà soát quỹ đất thí điểm thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại phục vụ cho công tác tái định cư; giao cho 19 đơn vị tự ứng vốn nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo, xây dựng mới 28 chung cư cũ trên địa bàn.
Cũng trong buổi làm việc, TP. Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Xây dựng nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch - kiến trúc, phát triển đô thị, cấp phép xây dựng, hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể trong quy hoạch – kiến trúc, để bảo đảm thống nhất giữa quy hoạch quản lý kèm theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Luật Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, TP đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép TP chủ động xem xét, phê duyệt: điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, các bộ ngành có liên quan và được Chính phủ cho phép.
Hiện Hà Nội đang triển khai thực hiện thí điểm một số đồ án quy hoạch mang tính chất đặc thù như: quy hoạch mạng lưới hệ thống không gian gara ngầm tại 4 quận nội thành, quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm; tổ chức rà soát quỹ đất bố trí 5 địa điểm xây dựng nhà ở xã hội tập trung; giải quyết quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội… Trong khi đó, các đơn vị tư vấn trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm để thực hiện các đồ án này, vì vậy TP chủ trương tổ chức thi tuyển hoặc mời các đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia. TP kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép chủ động phê duyệt dự toán nghiên cứu lập quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch đặc thù có yếu tố tư vấn nước ngoài.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, TP kiến nghị Bộ Xây dựng phân cấp cho TP tự xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đối với các dự án xây dựng nhà ở trên 500 căn; báo cáo Chính phủ phân cấp cho TP tự tổ chức thẩm định, chấp thuận chủ trương dự án nhà ở quy mô trên 2.500 căn để giảm thủ tục hành chính...
Bên cạnh đó, trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho phép địa phương được chỉ định doanh nghiệp có đủ năng lực làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa. Việc chỉ định này theo Hà Nội nhằm đẩy nhanh việc cải tạo, xây mới, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Về đề xuất của thành phố Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, hầu hết các dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vướng mắc do mâu thuẫn lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Do đó, đề xuất của Hà Nội được kỳ vọng có tính khả thi cao. Ở đây, thành phố với vai trò hoạch định chính sách cần phải gỡ được bản chất của vấn đề đang tồn tại, phải làm trọng tài để có một tiếng nói chung.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, Hà Nội là đô thị đặc biệt nên không thể xử lý các vấn đề như đối với các địa phương khác. Vì vậy, mức độ phân cấp, phân quyền phải cao hơn hẳn so với các địa phương khác.
Về các kiến nghị của Hà Nội, Bộ trưởng cho rằng, hầu hết các kiến nghị đều có cơ sở và được tổng kết từ thực tiễn, cần tháo gỡ để tạo thuận lợi cho TP quản lý phát triển đô thị. Ngay trong tháng 11, Bộ sẽ có phản hồi đối với các kiến nghị của TP, nêu rõ việc nào đồng ý, việc gì tiếp tục nghiên cứu, việc gì Bộ cùng với TP trình Chính phủ.
Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội chú ý phát triển nhà ở xã hội, xây dựng một kế hoạch tổng thể về phát triển nhà ở xã hội. Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, hiện có nhiều văn bản, chính sách về việc này nhưng thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn, do vậy Bộ trưởng mong muốn Bộ cùng TP nghiên cứu để có những mô hình cải tạo chung cư tối ưu.