Aa

Hà Nội: Lãnh đạo UBND phường Quảng An cho rằng sai phạm xây dựng do lịch sử

Thứ Năm, 25/06/2020 - 13:30

Phường Quảng An là điểm nóng về nạn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, các dự án, công trình "khủng" mọc lên như nấm sau mưa vẫn đang tồn tại, tái diễn bất chấp chỉ đạo của các cấp.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Sai phạm là lỗi do lịch sử

Trước tình hình vi phạm Luật Đê điều xảy ra trên địa bàn các phường có đê xuất hiện diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng đổ trộm phế thải, lấn chiếm bờ, bãi sông, xây dựng lều lán trái phép, trồng rau, hoa màu, nuôi động vật, để vật liệu, rác thải trên mái đê..., UBND quận Tây Hồ đã ban hành công văn số 402/UBND-KT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND các phường có đê nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

UBND quận Tây Hồ cũng yêu cầu các phường: Yên Phụ, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều còn tồn tại trên địa bàn quận tính từ 2010 đến nay. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn không để phát sinh mới; tiếp tục, xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; tăng cường công tác quản lý không để phát sinh mới các trường hợp xây dựng nhà, lều lán trái phép vi phạm Luật Đê điều.

Chỉ đạo là vậy, nhưng dường như việc xử lý trên các địa bàn phường thuộc quận Tây Hồ không mấy chuyển biến. Điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp như phường Quảng An vẫn đang tồn tại, tái diễn bất chấp chỉ đạo của các cấp. Bất ngờ là lãnh đạo UBND phường Quảng An cho rằng những sai phạm này mang tính lịch sử, khẳng định không có công trình phát sinh, xây dựng mới vi phạm.

Nhà hàng The 100 có địa chỉ tại số 68 Đường Hoa được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp tại phố Đường Hoa, đã tồn tại nhiều năm vô tư hoạt động kinh doanh...

Trên thực tế, PV điều tra đã ghi nhận toàn bộ thông tin các công trình, dự án có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, đê điều, phá vỡ quy hoạch đô thị.

Nổi cộm trong những sai phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại nhiều năm phải kể đến khu dân cư tại ngách số 6 - 6A; số 37 Đường Hoa. Dù thuộc quỹ đất nông nghiệp nhưng cụm cư dân đã được hình thành nhiều năm nằm sát với hành lang thoát lũ đê sông Hồng. Loạt nhà ở xây dựng theo thiết kế nhà cấp bốn, xung quanh quây tôn xanh nhằm che giấu những bức tường bê tông cốt thép được xây chắc chắn. Đặc biệt, khu dịch vụ có tên Nhà hàng "The 100" tại số 68 Đường Hoa được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp tại phố Đường Hoa, đã tồn tại từ lâu. 

Xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại nhiều năm phải kể đến khu dân cư tại ngách số 6 - 6A; số 37 Đường Hoa (phường Quảng An)...

Vấn nạn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp cũng lặp lại tại Tổ 1 cụm 18 đường Quảng Bá (phường Quảng An). Hàng loạt nhà kho, nhà hàng, nhà ở được xây dựng trên nền đất nông nghiệp mọc lên san sát. Tại đây, cư dân cho biết việc xây dựng nhà ở, nhà xưởng, nhà hàng, khu vui chơi dịch vụ đều được "làm luật", tuỳ theo diện tích đất sử dụng để làm giá. 

Một người dân cho biết: "Nhà tôi làm đến giờ cũng không có giấy tờ nhưng cũng mất tiền "làm luật" để xây được nhà kiểu cấp bốn. Đất nông nghiệp ở bãi, cụm nào cũng đều làm luật".  Ngoài ra, người dân cho biết để xây dựng nhà xưởng tại khu vực này sẽ có giá từ 15 triệu đồng.

Một thực trạng khác đang khiến người dân Quảng An bức xúc, đó là quỹ đất nông nghiệp được hô biến thành đất dịch vụ. Cụ thể tại số 48/52 Tô Ngọc Vân hay 56 Tây Hồ... tại những địa chỉ này là sân bóng được trải thảm cỏ nhân tạo và xây dựng các công trình phụ trợ kiên cố đã đi vào hoạt động từ năm 2019. 

Ngày 25/5/2020, PV ghi nhận thực tế sân bóng vẫn được hoạt động bình thường với mức phí 800.000 đồng/trận (90 phút). Người dân cho biết, ngoài việc cho thuê đá bóng tại đây còn nhận trông giữ xe qua đêm. 

Tại tổ 1 cụm 18 đường Quảng Bá , hàng loạt nhà ở  được xây dựng theo thiết kế nhà cấp bốn, xung quanh quây tôn xanh nhằm che giấu những bức tường bê tông cốt thép được xây chắc chắn.

Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, trên địa bàn phường Quảng An đang xuất hiện thêm hàng loạt những công trình sai phạm trong thời gian dài nhưng không hề bị xử lý.

Đặc biệt công trình số 20 ngõ 5; số 124 phố Từ Hoa (phường Quảng An) được thi công ngày đêm, có dấu hiệu vi phạm cả về chiều cao và mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị. Cư dân tại đây cho biết trong quá trình xây dựng, nhiều công trình đã không thực hiện che chắn đúng cách khiến gạch, vữa, bụi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn cho những người di chuyển qua khu vực này.

Công trình số 20 ngõ 5; số 124 phố Từ Hoa (phường Quảng An) được thi công ngày đêm, có dấu hiệu vi phạm cả về chiều cao và mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị.

Vì sao xuất hiện tình trạng chỉ đạo "trên nóng dưới lạnh" tại quận Tây Hồ?

Hàng loạt những công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm sử dụng đất nông nghiệp tại phường Quảng An nói riêng và quận Tây Hồ nói chung đang là vấn nạn nhức nhối. Hơn thế, hệ luỵ của việc mua bán, xây dựng nhà qua giấy viết tay sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư, phần nào đó vô hình tạo ra cơ hội cho "cò mồi" tung hoành, lừa đảo người dân... 

Và không rõ bằng cách nào mà những công trình, dự án tại phường Quảng An lại có thể xây dựng "khác biệt" và đi vào hoạt động mà không hề bị đơn vị, cơ quan chức năng xử lý. Hậu quả để lại do những sai phạm vượt tầng, sai mật độ mà quận Tây Hồ phải đối mặt rất có thể là vỡ quy hoạch. 

Theo quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 tại quận Tây Hồ được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 08/08/2014 thì các công trình bất động sản chỉ được xây cao tối đa là 12m tức 1 - 3 tầng.

Đối với các khu công viên, cây xanh đơn vị ở và cấp ngoài đơn vị ở: Mật độ xây dựng tối đa 5%, tầng cao 01 tầng. Đối với công viên chức năng chuyên đề: Mật độ xây dựng tối đa 25%, tầng cao 1 - 2 tầng. Đối với các chức năng đất trường học, nhà trẻ: Mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao đối với nhà trẻ 1 - 3 tầng, trường học 1 - 4 tầng (trong những trường hợp đặc biệt cần báo cáo cấp thẩm quyền để xem xét, phù hợp với điều kiện thực trạng của khu vực).

Đối với khu vực dân cư hiện có thực hiện theo Tiêu chuẩn, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam áp dụng đối với nhà ở liên kế và nhà ở riêng lẻ và các quy định khống chế tại đồ án bao gồm: Tầng cao tối đa 5 tầng. Khu vực trong phạm vi 50m kể từ kè hồ không xây dựng cao quá 3 tầng (12m), không xây dựng công trình trong phạm vi 16m kể từ mép kè hồ. Đối với khu vực làng xóm kiểm soát đặc biệt không xây dựng cao quá 3 tầng (12m). Như vậy, khi chiếu theo Quyết định số 4177/QĐ-UBND đối với các tuyến phố bao quanh mặt nước ven hồ Tây như: Phố Từ Hoa thuộc phường Quảng An các bất động sản chỉ được xây cao tối đa là 12m tức 1 - 3 tầng.

Số 48/52 Tô Ngọc Vân; 56 Tây Hồ... tại những địa chỉ này là sân bóng được trải thảm cỏ nhân tạo và xây dựng các công trình phụ trợ kiên cố đã đi vào hoạt động từ năm 2019. 

Theo khảo sát thực tế của PV, hiện nay tại Vùng 1 của Hồ Tây xuất hiện rất nhiều công trình vi phạm mật độ xây dựng một cách công khai. Đặc biệt, những công trình có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) chủ yếu nằm tại tuyến phố Từ Hoa thuộc phường Quảng An. Chiếu theo quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) thì có thể thấy quy hoạch phân khu đang bị băm nát. 

Bên cạnh đó, xung quanh công trình vật liệu xây dựng tràn lan lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường đồng thời không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Một lần nữa dư luận đặt câu hỏi: Sai phạm này lẽ nào cũng là lỗi của lịch sử? 

Vùng 1 của Hồ Tây xuất hiện rất nhiều công trình vi phạm mật độ xây dựng một cách công khai, chủ yếu nằm tại tuyến phố Từ Hoa , Quảng Bá, Tô Ngọc Vân thuộc phường Quảng An. 

Quay trở lại với công văn số 402/UBND-KT quận Tây Hồ ban hành. Trong công văn đã nêu rất rõ: “Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận chỉ đạo các tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường tăng cường kiểm tra địa bàn, kịp thời phát hiện lập biên bản, lập hồ sơ và đề xuất xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều; đôn đốc và phối hợp với UBND các phường xử lý kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm. 

Đội Thanh tra giao thông vận tải quận tăng cường các biện pháp kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu vận chuyển phế thải, ngăn chặn không cho các phương tiện vận chuyển vi phạm đi ra khu vực bờ, bãi sông Hồng. Phòng Tài nguyên và Môi trường quận kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật…”

Vậy thời gian qua tổ TTXD phường Quảng An đã và đang làm gì? Nếu sai phạm tồn tại, tiếp diễn, hay như lãnh đạo phường trả lời với PV “do lịch sử để lại” thì cớ gì UBND quận, Sở ban ngành phải có những văn bản chỉ đạo quyết liệt đến thế?

Để triển khai việc xử lý được kịp thời, hiệu quả, UBND Hà Nội đã ban hành nhiều công văn yêu cầu giám đốc các Sở, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, cụ thể:

Ngày 04/01/2016, UBND thành phố Hà Nội có ban hành Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội; 

Ngày 5/4/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng; 

Ngày 17/7/2018, ban hành văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng…

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…

Có lẽ UBND phường Quảng An cần nhìn lại quy trình xử lý sai phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng tại các công trình, dự án. Đồng thời, UBND phường Quảng An cũng cần nhanh chóng, tích cực hơn trong việc chấp hành các chỉ đạo từ các cấp, tránh xảy ra tình trạng chỉ đạo “trên nóng dưới lạnh”.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, rất mong UBND quận Tây Hồ, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý triệt để các sai phạm tồn tại, chấm dứt các sai phạm phát sinh. Bên cạnh đó, UBND quận Tây Hồ cũng cần làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch đô thị, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, có nguy cơ đe dọa an ninh lương thực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top